Hé lộ lý do "núi nợ" ở Trung Quốc phình to
Một số địa phương ở Trung Quốc đang gánh khối nợ gấp nhiều lần tổng thu nhập hàng năm. Liệu nước này sẽ vỡ nợ liên hoàn?
>>Alibaba và những biểu hiện đặc sắc kinh tế Trung Quốc
Thập kỷ trước, thế giới từng choáng ngợp trước thành tựu phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nhưng giờ đây cái giá của bùng nổ kinh tế là "núi nợ" ngày càng phình to.
Phần nửa các địa phương ở Trung Quốc đã lên tới trần nợ, vượt quá 120% GDP vào năm 2022. Đặc biệt, siêu thành phố Thiên Tân mắc nợ gấp 3 lần tổng thu nhập. Tác động mạnh từ dịch COVID-19 và khủng hoảng bất động sản, xây dựng khiến các địa phương mất cân đối tài chính nghiêm trọng.
Để hiện thực hóa tham vọng lớn, chính phủ Trung Quốc tạo ra thị trường tài chính nội bộ rất khác thường. Từ những năm 2000, cơn sốt xây dựng khắp cả nước, những địa phương được phép vay thả ga để đô thị hóa, công nghiệp hóa.
Chính phủ Trung Quốc ước tính khoảng 300 triệu người - tương đương dân số Mỹ - sẽ chuyển tới sống tại các khu vực đô thị trong 15 năm tới. Doanh nghiệp và địa phương bắt tay nhau xây 100 sân bay, hàng trăm triệu căn hộ, hàng vạn km đường,…đón đầu xu hướng.
Họ lấy tiền ở đâu? Nguồn vốn của họ một phần do ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và các ngân hàng thương mại cho vay; một phần huy động qua kênh phát hành trái phiếu.
Theo ông Ting Lu - chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại ngân hàng Merrill Lynch (Mỹ), gần 90% cơ sở hạ tầng đô thị tại Trung Quốc được tiến hành xây dựng bởi các công ty, được lập nên dưới sự bảo trợ của chính quyền địa phương. Để xây dựng được những công trình đó, các công ty này buộc phải “vay mượn” tiền từ ngân hàng.
Năm 2011, Chính phủ Trung Quốc mở ra phương thức gọi vốn cho địa phương thông qua phát hành trái phiếu. Nhiều chuyên gia kinh tế, cả trong và ngoài Trung Quốc, đều đã lên tiếng cảnh báo về những “mặt trái” mà kế hoạch này vấp phải. Liệu các khoản “nợ địa phương” này đủ sức chi trả cho các khoản nợ ngân hàng? Những rủi ro về vỡ nợ đã được lường trước và suy tính cách xử lý hay chưa?
Sau đó, Bộ Tài chính Trung Quốc “rải” thêm quy định, những địa phương muốn được phát hành trái phiếu phải “qua cửa” Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, quy định này chỉ để chính quyền trung ương “biết”, thực ra hàng trăm tỷ Nhân dân tệ đã được huy động quá tay.
Cơ sở hạ tầng đi trước…quá xa nhu cầu, kinh tế Trung Quốc chững lại, cộng thêm cú tắc nghẽn do dịch bệnh khiến mục tiêu lớn “xôi hỏng bỏng không”. Bất động sản “xì hơi” khiến không ai đủ sức chi trả khối nợ khổng lồ. Vậy, bài học kinh nghiệm ở đây là gì?
Thứ nhất, tầm nhìn xa luôn được ngợi ca nhưng không phải lúc nào cũng đúng, phát triển “nóng” luôn đi kèm với trạng thái “bất cân xứng”. Một khi nguồn lực tập trung quá lớn vào nơi này thì sẽ tạo ra lỗ hổng ở chỗ khác.
Thứ hai, nền kinh tế không thể dựa vào bất động sản, giá trị thặng dư từ đất đai, nhà cửa như “con dao hai lưỡi”, hệ lụy tất yếu của nó là “bong bóng kinh tế”, thịnh vượng ảo hình thành trên núi nợ.
Thứ ba, huy động vốn từ trái phiếu chính quyền thực chất là “cầm cố” khả năng đóng thuế của người dân, doanh nghiệp. Họ vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là con nợ. Do vậy, vốn trái phiếu không phục vụ hai chủ thể này thì vỡ nợ chỉ là vấn đề thời gian.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế Trung Quốc hướng nội, Việt Nam ứng phó ra sao?
12:00, 27/02/2023
Kỳ vọng sự phục hồi kinh tế Trung Quốc
03:38, 03/02/2023
Chờ đợi biến số kinh tế Trung Quốc năm 2023
05:30, 24/01/2023
Thách thức tái mở cửa nền kinh tế Trung Quốc
04:00, 03/01/2023
Nới lỏng zero-Covid, kinh tế Trung Quốc sẽ ra sao?
02:30, 31/12/2022