Ngành chip Trung Quốc sẽ "nguy to" nếu Nhật Bản tung "đòn hiểm" này
Việc Trung Quốc phụ thuộc vào một loại hóa chất đặc biệt của Nhật Bản được sử dụng để sản xuất chip đang gây ra những lo ngại đối với quốc gia này.
>>Mỹ và phương Tây dựng rào cản ngăn Trung Quốc tự sản xuất chất bán dẫn
Việc Nhật Bản và Hà Lan đang xem xét tham gia cùng Mỹ trong việc hạn chế cung cấp các thiết bị và vật liệu chip tiên tiến cho Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà đầu tư Trung Quốc tìm cách mua các công ty có khả năng hoặc có tiềm năng sản xuất chất cản quang có thể thay thế cho các sản phẩm của Nhật Bản.
Mặc dù Nhật Bản vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về việc hạn chế xuất khẩu chất cản quang sang Trung Quốc, nhưng quốc gia này đã từng ngăn chặn việc xuất khẩu các loại hóa chất phục vụ việc sản xuất chất bán dẫn trong quá khứ.
Các chuyên gia nhận định, mặc dù Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong việc sản xuất chất cản quang cho các bộ phận cũ, nhưng nước này vẫn phụ thuộc vào chất cản quang cao cấp nhập khẩu, chủ yếu từ Nhật Bản, để sản xuất các sản phẩm tiên tiến.
Theo một báo cáo được thực hiện bởi viện ResearchInChina, doanh số bán chất cản quang ở Trung Quốc lên tới 8,74 tỷ nhân dân tệ (1,12 tỷ USD) vào năm 2020, chiếm khoảng 1/7 tổng doanh số toàn cầu, nhưng việc cung cấp chất cản quang bán dẫn KrF/ArF cao cấp vẫn do các doanh nghiệp Nhật Bản và Hoa Kỳ chi phối.
Báo cáo này cũng cho biết thêm bốn công ty Nhật Bản bao gồm JSR, Tokyo Ohka Kogyo, Shin-Etsu Chemical và Fujifilm Electronic Materials – chiếm 3/4 thị trường toàn cầu về các chất cản quang cao cấp và gần như giữ độc quyền về sản xuất chất cản quang cực tím (EUV).
>>Mỹ chặn "yết hầu" công nghệ chất bán dẫn Trung Quốc
Theo một báo cáo của công ty môi giới Zheshang Securities, tỷ lệ nguồn cung nội địa của Trung Quốc chỉ đạt 10% đối với chất quang dẫn KrF và dưới 2% đối với chất quang dẫn sử dụng Arf và EUV cấp cao.
Nhóm chuyên gia thực hiện báo cáo lưu ý, Trung Quốc sẽ khó bắt kịp các nhà sản xuất khác vì nước này thiếu các nguyên liệu thô chính, chẳng hạn như dung môi monomer, nhựa và chất cản quang, cũng như các thiết bị kiểm định.
Trên thực tế, rất ít công ty Trung Quốc có thể sản xuất hàng loạt chất cản quang ArF và EUV. Cụ thể, Beijing Kempur Microelectronics và Xuzhou B&C Chemical Co đã có khả năng sản xuất hàng loạt chất cản quang KrF. Vào cuối năm 2020, Jiangsu Nata Opto cũng thông báo rằng họ đã “phát triển độc lập” một chất cản quang ArF. Nhưng cho đến nay, cả hai doanh nghiệp này vẫn đang gặp khó khăn trong việc sản xuất loại chất này với số lượng lớn.
Theo ông Xuan Jiyou, chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Kandong có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định, ngay cả khi có bước đột phá trong nghiên cứu và phát triển, Trung Quốc vẫn sẽ mất nhiều thời gian để sản xuất hàng loạt chất cản quang cao cấp.
“Đối với các sản phẩm cản quang, thời gian từ khi sản xuất vật liệu trong phòng thí nghiệm đến khi thử nghiệm thực tế tại dây chuyền sản xuất chip thường mất rất nhiều thời gian. Các doanh nghiệp Nhật Bản thường mất từ một năm rưỡi đến ba năm để chuyển từ công đoạn nghiên cứu và phát triển sang sản xuất hàng loạt", ông Xuan nói thêm.
Có thể bạn quan tâm