Bộ ba AUKUS đi "nước cờ" mới, Trung Quốc phản ứng thế nào?
Bộ ba quốc gia AUKUS vừa công bố thêm chi tiết về kế hoạch đầy tham vọng của mình nhằm chống lại sự bành trướng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc.
>>Thông điệp nào từ quan hệ đối tác chiến lược ba bên Aukus?
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết đã đạt thỏa thuận với Mỹ, Anh để mua tối đa 5 tàu ngầm chạy bằng lò phản ứng hạt nhân lớp Virginia, mỗi chiếc giá hơn 3 tỷ USD, trong thương vụ quốc phòng lớn nhất lịch sử nước này.
Theo thỏa thuận AUKUS, Australia sẽ mua tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ, sau đó chế tạo lớp tàu hoàn toàn mới dựa trên công nghệ của Mỹ và Anh.
Để chuẩn bị cho việc tiếp nhận và vận hành tàu ngầm mới, bắt đầu từ năm nay, Mỹ sẽ cử nhiều tàu ngầm đến căn cứ hải quân HMAS Stirling ở phía Tây Australia. Tương tự, các tàu ngầm của Anh cũng sẽ tăng cường các chuyến thăm đến Australia từ năm 2026 để giúp quốc gia này xây dựng khả năng quản lý hạm đội tàu ngầm mới.
Sau đó, từ đầu những năm 2030, trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn, Australia sẽ mua 3 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ, với tùy chọn mua thêm 2 chiếc nữa. Trong cùng thời gian này, Vương quốc Anh có kế hoạch chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân AUKUS đầu tiên của mình – kết hợp tàu ngầm lớp Astute với các hệ thống chiến đấu và vũ khí của Mỹ.
Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và người đồng cấp Anh Rishi Sunak cho biết thỏa thuận “lịch sử” này sẽ được xây dựng dựa trên những nỗ lực trước đây của cả ba nước nhằm “duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên toàn thế giới”.
Các chuyên gia nhận định, kế hoạch này có nguy cơ mang lại bầu không khí đối đầu trong khu vực khi Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích thương vụ tàu ngầm của Australia. Trong cuộc họp báo hàng ngày 13/3 vừa qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết các đối tác của AUKUS đã “hoàn toàn phớt lờ những lo ngại của cộng đồng quốc tế và ngày càng đi sâu vào con đường sai lầm và nguy hiểm”.
>>AUKUS và toan tính ngầm của các bên
Ông Wang Wenbin cho biết thỏa thuận này sẽ “kích thích một cuộc chạy đua vũ trang, làm suy yếu hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế và gây tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực”.
Theo ông Ristian Atriandi Supriyanto, từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Australia, các nước xung quanh khu vực đang theo dõi kế hoạch AUKUS với lo ngại rằng sự hiện diện nhiều hơn của Mỹ và Anh trong vùng biển của họ có thể dẫn đến những xung đột ngoài ý muốn.
“Với sự hiện diện luân phiên của các tàu ngầm Mỹ và Anh nhiều hơn trong khu vực, Trung Quốc càng cần phải tăng cường các hoạt động giám sát. Điều đó có nguy cơ làm tăng khả năng xảy ra sự cố hoặc các va chạm trên biển,” ông Ristian Atriandi Supriyanto nói.
Ông Charles Edel, Cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết, “Thỏa thuận AUKUS hướng tới mục tiêu chuyển đổi năng lực đóng tàu công nghiệp của cả ba quốc gia, điều này có nghĩa là thay đổi cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và cuối cùng, thỏa thuận này cũng sẽ làm thay đổi cách thức hoạt động của Mỹ khi thúc đẩy quốc gia này trao quyền cho các đồng minh thân cận nhất của mình.”
Tuy nhiên, kế hoạch phức tạp này đòi hỏi mức độ đầu tư và chia sẻ thông tin chưa từng có giữa ba đối tác AUKUS, trong khi đó, sự nghiệp chính trị của các nhà lãnh đạo được cho là ngắn hơn nhiều so với một quá trình dài hơi qua các thập kỷ.
Hiện tại, Australia cho biết họ tự tin sẽ tiếp tục được lưỡng đảng Mỹ ủng hộ chương trình này. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marles cho biết: “Chúng tôi tham gia thỏa thuận này với sự tự tin cao độ".
Nhưng một số rủi ro vẫn còn tồn tại khi trong những năm tới, Mỹ sẽ bước vào cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống. Giới quan sát đang dự đoán một nhà lãnh đạo theo phong cách của cựu Tổng thống Donald Trump – hoặc thậm chí có thể là chính ông Trump – có thể sẽ xuất hiện và đe dọa đến việc thực hiện thỏa thuận này.
Có thể bạn quan tâm