Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran

CẨM ANH 17/03/2023 03:00

Mặc dù Iran cho biết sẵn sàng chào đón các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra các cơ sở hạt nhân của mình, nhưng nhiều quốc gia vẫn đang thận trọng dõi theo các động thái từ Iran.

>>Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

IAEA

IAEA đã tìm thấy một lượng nhỏ uranium được làm giàu tới độ tinh khiết 84% tại Iran

Cuối tháng trước, trong khuôn khổ giám sát chương trình hạt nhân của Iran, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)  đã báo cáo việc tìm thấy một lượng nhỏ uranium được làm giàu tới độ tinh khiết 84%. Điều này rất quan trọng, bởi vì làm giàu 90% là điều cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Đề cập đến Kế hoạch hành động chung toàn diện JCPOA, thỏa thuận đạt được vào năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: "Tiến bộ hạt nhân của Iran kể từ khi chúng tôi rút khỏi JCPOA là rất đáng chú ý".

Quan chức này nói thêm, vào thời điểm chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump quyết định rút khỏi JCPOA, Iran sẽ mất khoảng 12 tháng để sản xuất vật liệu phân hạch tương đương một quả bom. Tuy nhiên bây giờ, họ sẽ chỉ mất khoảng 12 ngày.

Theo ông Ian Bremmer, Chủ tịch của Eurasia Group, đây là một trong những cách Iran có thể gây ra những lo ngại cho các nước phương Tây trong thời gian tới. 

"Tehran cũng đã khiến các quan chức châu Âu và Mỹ tức giận khi quốc gia này cung cấp máy bay không người lái cho các lực lượng Nga sử dụng để tiến hành chiến tranh với Ukraine. Theo đó, Iran đã trở thành một đồng minh quan trọng với Nga, báo hiệu cho các nhà lãnh đạo phương Tây rằng họ không quan tâm đến việc mình được nhìn nhận như thế nào và sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi có thế mạnh", ông Ian Bremmer nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Vali Nasr, một chuyên gia hàng đầu về Iran nhận định trong cuộc trao đổi với Barron rằng, có lẽ đó là một cách để tái tập trung phương Tây vào vấn đề hạt nhân. Iran và Mỹ đã không thể ký một thỏa thuận vào tháng 8 năm ngoái trước khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Iran. 

'Vì tất cả những lý do này, các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân sẽ không đi đến đâu và Iran đang dần tiến tới khả năng chế tạo bom hạt nhân", chuyên gia này nói thêm.

Đây không chỉ đơn giản là vấn đề về tiềm năng hủy diệt của Iran. Nếu Iran chế tạo được một quả bom hạt nhân, thì những nước láng giềng cũng sẽ có những lựa chọn để đối phó.

Trong nhiều năm, Saudi Arabia đã tài trợ cho chương trình hạt nhân của Pakistan. Islamabad đã tiến hành cuộc thử nghiệm công khai đầu tiên vào tháng 5/1998 để đáp trả các cuộc thử nghiệm hạt nhân của New Delhi hai tuần trước đó; trong quá trình này, Saudi Arabia đã tự cung cấp cho mình một nguồn vũ khí hạt nhân nếu cần.

Nếu Iran vượt qua giới hạn hạt nhân, Saudi Arabia và có thể là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có thể nhanh chóng sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình, dẫn đến nguy cơ làm leo thang cuộc khủng hoảng phổ biến hạt nhân ở Trung Đông.

Nhận thức được mối đe dọa này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hẳn đang cân nhắc cẩn trọng một số lựa chọn. Nếu Iran quyết định đã đến lúc chạy nước rút cho chương trình hạt nhân của quốc gia này, Israel và Mỹ sẽ phải quyết định xem có nên hành động mạo hiểm để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran hay không. Trong trường hợp đó, sẽ không có lựa chọn tốt.

>>Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

Lá cờ của các bên tham gia đàm phán khôi phục JCPOA tại Vienna (Áo)p/REUTERS

Lá cờ của các bên tham gia đàm phán khôi phục JCPOA tại Vienna (Áo). Ảnh:  REUTERS

Tuy nhiên, Iran cũng đang phải đối mặt với một số rắc rối trong nước. Bên cạnh sự căng thẳng trong toàn xã hội Iran, đất nước này sẽ phải đối mặt với quá trình chuyển đổi lãnh đạo thực sự đầu tiên trong nhiều thập kỷ. Chỉ một lần duy nhất trong lịch sử 44 năm của nước Cộng hòa Hồi giáo, quyền lực được chuyển từ nhà lãnh đạo tối cao này sang nhà lãnh đạo tối cao khác.

Ông Ayatollah Ali Khamenei đã giữ vị trí Lãnh đạo tối cao của Iran từ năm 1989, nhưng ông sẽ bước sang tuổi 84 vào tháng tới và những tin đồn về sức khỏe của ông đã xuất hiện trong nhiều năm gần đây. Hiện tại, giới quan sát cho biết, không thể chắc chắn việc kế nhiệm sẽ thay đổi cán cân quyền lực tại Iran như thế nào. 

Đã có một số tin tức đáng khích lệ trong những ngày gần đây khi các quan chức Iran đã hứa sẽ chào đón các thanh sát viên quốc tế đến cơ sở hạt nhân, nơi phát hiện quá trình làm giàu uranium tiên tiến và khôi phục camera cũng như các thiết bị giám sát khác tại nhiều địa điểm mà chúng đã bị dỡ bỏ vào năm ngoái.

Sau đó, Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã làm trung gian cho việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia sau 7 năm gián đoạn. Dự kiến, Bắc Kinh sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo Iran và Saudi Arabia vào cuối năm nay.

Có lẽ các quan chức Iran lo ngại rằng việc đối đầu với phương Tây hoặc các nước láng giềng được trang bị vũ khí tốt hơn sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Hoặc có lẽ họ chỉ đơn giản muốn câu giờ khi tiến gần hơn tới khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. Đây là điều mà các nhà lãnh đạo Iran tin rằng sẽ mang lại sự đảm bảo an ninh tối thượng cho quốc gia này.

Có thể bạn quan tâm

  • Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

    Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

    03:00, 16/03/2023

  • Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

    Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

    04:30, 05/12/2022

  • Chiến sự Nga-Ukraine: Nga “bắt tay” Iran hóa giải lệnh trừng phạt

    Chiến sự Nga-Ukraine: Nga “bắt tay” Iran hóa giải lệnh trừng phạt

    04:19, 03/12/2022

  • Nga

    Nga "bắt tay" Iran đối phó Ukraine

    04:00, 12/11/2022

CẨM ANH