Rộng mở cơ hội xuất khẩu công nghệ số

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 19/03/2023 02:30

Chỉ 2% doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm nhưng đã thu về 136 tỷ USD trong năm 2022. Điều đó cho thấy tiềm năng của lĩnh vực kinh tế này.

Theo định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP của Việt Nam trong 3 năm tới sẽ ở mức từ 6 - 6,5% mỗi năm.

p/Năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Thế mạnh của Việt Nam

Về cơ bản, Việt Nam vẫn là quốc gia nông nghiệp, nên khi nói rằng, công nghệ số là thế mạnh sẽ không khỏi gợi lên nhiều trăn trở. Tuy nhiên, Việt Nam có cơ sở để trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm công nghệ số hàng đầu khu vực.
Yếu tố tiên quyết đối với ngành công nghệ số Việt Nam vẫn là nguồn nhân lực, nhất là nhân sự chất lượng cao, nhưng thù lao chỉ bằng 1/10 so với đồng nghiệp ở châu Âu, Mỹ, Singapore, Malaysia. Hiện Việt Nam đang xếp thứ 6 trong số các quốc gia về nhân lực BPO/ITO, top 2 điểm đến ở Đông Nam Á về xu hướng và giá IT gia công.

Đơn cử, trong cơ cấu xuất khẩu công nghệ số của Việt Nam năm 2022, lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm 2,2 tỷ USD chia cho 1.000 doanh nghiệp và lực lượng lao động khoảng 80.000 kỹ sư. Cơ hội cho xuất khẩu công nghệ số Việt Nam còn lớn khi tổng dung lượng thị trường này trên toàn cầu ước lượng hơn 1.800 tỷ USD.

Thương hiệu robot “Make in Vietnam” đang được cung cấp cho 30.000 doanh nghiệp tại 20 quốc gia, như Nhật Bản, Đức và khu vực Trung Đông, giúp gia tăng năng suất 30%. Tăng trưởng thị trường của các robot trong những năm qua luôn duy trì hơn 20%.

Nói đến xuất khẩu phần mềm, FPT là cái tên rất đáng quan tâm ở Việt Nam, doanh nghiệp này đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD công nghệ số trong năm 2023. Phía sau câu chuyện kinh tế còn khẳng định: Người Việt hoàn toàn có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị giàu chất xám này.

FPT Software vượt qua thời kỳ một công ty “outsource” - nghĩa là phát triển phầm mềm theo đơn đặt hàng theo kiểu gia công. Giờ đây, họ chuyển sang phân khúc “product” - trực tiếp sản xuất, tự phát hành, quảng bá và kinh doanh sản phẩm điện tử do chính họ chế tạo.

Việt Nam còn nhiều năng lực nội tại chưa phát huy hết, đó là thị trường 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, thích trải nghiệm sản phẩm mới, độ phủ internet và thiết bị thông minh rất dày đặc. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp.

Chúng ta có 75.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số, và hơn 50.000 kỹ sư công nghệ thông tin ra trường mỗi năm. Đặc biệt, Việt Nam có khả năng có những doanh nghiệp “đầu tàu”, nhất là khi đang có xu thế dịch chuyển hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ từ một số nước sang Việt Nam.

FPTp/đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD công nghệ số cho năm 2023.

FPT đặt mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD công nghệ số cho năm 2023.

Tính đến khả năng tự chủ

Dù Việt Nam có nhiều tiềm năng thúc đẩy công nghệ số, nhưng vẫn phải giải quyết các bài toán khó: Trong hàng trăm tỷ USD xuất khẩu công nghệ số, người Việt được hưởng bao nhiêu? Doanh nghiệp Việt đóng góp như thế nào trong chuỗi giá trị này? Điều đó có thể giúp Việt Nam nắm được công nghệ lõi, bứt phá trong 25 năm tới khi thời kỳ dân số vàng kết thúc vào năm 2040?

Trên thực tế, đa phần doanh nghiệp xuất khẩu công nghệ số đều đến từ khu vực 100% vốn FDI, như: Samsung, Intel, GENESISTEK VINA, FC Việt Nam, Jin Gong, ABECO Electronic, Daewoo Việt Nam,... Người bản địa chỉ hưởng thặng dư từ thuế, lao động ở phân khúc thấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quỹ thời gian và cơ cấu dân số là hữu hạn, cần tạo ra khoảng thời gian bùng nổ để tự chủ công nghệ phức tạp trước khi lĩnh vực này đạt đến trạng thái bão hòa, và một khi khu vực FDI khai thác hết lợi thế cạnh tranh và rút đi. Bài học của Trung Quốc trong tham gia sản xuất Iphone là rất khả thi với Việt Nam.

Lực lượng lao động Việt Nam dồi dào, nhưng ít tinh hoa, hiếm thấy kỳ tài xuất chúng trong lĩnh vực công nghệ số. “Thiếu nhân lực đến mức các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam liên tục “câu” người của nhau, dẫn đến tỷ lệ nhân viên nhảy việc ở các công ty phần mềm rất cao, nhiều công ty phần mềm có tỷ lệ nhảy việc lên đến 25-30% một năm”, ông Đỗ Cao Bảo - Uỷ viên Hội đồng quản trị FPT nhấn mạnh.

“Hãy đi cùng nhau”, đó là thông điệp của “Ant System Colony/ Mô hình đàn kiến” của Tiến sĩ khoa học nười Ý, Dorigo. Theo đó, những doanh nghiệp giàu kinh nghiệm nên mở đường cho đồng đội, chẳng hạn như tổ chức liên minh chuyển đổi số thị trường Nhật do 15 doanh nghiệp Việt Nam thành lập.

TRƯƠNG KHẮC TRÀ