Chiến sự Nga - Ukraine: Mỹ tung kế sách “mỡ nó rán nó” với Nga
Nếu nhìn một cách sâu sắc và toàn diện chiến sự Nga - Ukraine, thì chiến sự này có vẻ đã diễn biến tuần tự theo kế hoạch của Mỹ.
>>Châu Âu muốn hòa đàm với Nga, Ukraine có chấp nhận?
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã ném vào chiến trường Ukraine hơn 200 tỷ USD. Nhưng khi chiến sự Nga- Ukraine kéo dài, toàn phương Tây đang chịu áp lực suy thoái, lạm phát đã bắt đầu thổi bùng dư luận coi Ukraine là gánh nặng cần trút bỏ.
Gần đây, Mỹ và đồng minh bắt đầu tính tới khối tiền khổng lồ 300 tỷ USD của Nga bị “đóng băng” tại các nhà băng lớn theo kế hoạch trừng phạt trả đũa. Một quan chức phương Tây cho rằng tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ tái thiết Ukraine là việc làm đúng đắn về mặt đạo đức, bởi Kiev không chỉ đang tự vệ trước Moscow, mà còn bảo vệ cả châu Âu.
Nhưng vấn đề của Washington là đang đối mặt với sự việc chưa có tiền lệ. Quốc hội Mỹ cần dựng lên bộ luật cho phép Tổng thống tịch thu và sử dụng tài sản Nga. Và hành động này cũng gây ra tiền lệ nguy hiểm.
Luật pháp quốc tế không cho phép tịch thu tài sản dự trữ của một chính phủ ở nước ngoài, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có tài sản bên ngoài lãnh thổ, nó là một phần quan trọng giúp ổn định mạng lưới tài chính toàn cầu.
Nếu nước Mỹ muốn tiếp tục dẫn dắt toàn cầu dựa trên nguyên tắc, luật pháp chung thì việc “phá lệ” sử dụng tài sản một quốc gia khác có thể lợi bất cập hại. Xét trên phương diện tài chính tiền tệ, "giải ngân" 300 tỷ USD nói trên không có lợi cho kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên phương Tây có ý định “rút ruột” kinh tế Nga - như một phương pháp gây sức ép buộc Tổng thống Putin chấm dứt chiến sự Nga- Ukraine.
Tương tự, lệnh cấm mua năng lượng Nga mang lại cho doanh nghiệp Mỹ cơ hội thoát phá sản và thu lợi lớn. Năm 2022, châu Âu nhập khẩu khí hóa lỏng nhiều nhất mọi thời đại, trong đó Mỹ cung cấp tới 41%. Nửa đầu năm 2022, Mỹ là nhà xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, thu về hơn 40 tỷ USD.
Trong khi dầu Nga bán cho Trung Quốc và Ấn Độ giá rẻ, còn Mỹ bù đắp cho châu Âu giá “trên trời”. Chesapeake Energy, một công ty dầu đá phiến ở Texas đảo chiều cán cân tài chính từ con số 0 sau 2 năm dịch bệnh thành món lãi 1,3 tỷ USD.
Giá cổ phiếu của Công ty dầu mỏ Chevron tăng 50%, trái ngược với tình cảnh chung của các công ty trong danh sách S&P 500 - giá cổ phiếu giảm trung bình 16%.
>>Châu Âu trước cơ hội ngàn vàng "thoát Nga"
Những người từng nối gót Mỹ như Tổng thống Pháp, E. Macron đã chỉ trích ông Joe Biden, đại ý công ty Mỹ “đục nước béo cò”, tận dụng cơ hội khủng hoảng năng lượng của châu Âu để nâng lợi nhuận lên 3 - 4 lần. Bộ trưởng Kinh tế Đức ám chỉ Washington lợi dụng chiến tranh Ukraine để “kiếm chác”.
Và nếu nhìn một cách sâu sắc và toàn diện chiến sự Nga - Ukraine, thì chiến sự này có vẻ đã diễn biến tuần tự theo kế hoạch của Mỹ. Mỹ xác định ngay từ đầu không đấu trực diện với Moscow nhưng không thể đứng ngoài cuộc.
Cách chi viện của Mỹ không ào ạt khiến ông Putin nổi giận lôi đình; không hối thúc Ukraine tăng tốc phản công, cũng không mặn mà thúc đẩy đàm phán; động lực xung đột duy trì vừa phải khiến Nga đánh không tới, rút không được. Mỹ không để quân đội Ukraine mạnh lên, cũng không để lực lượng tinh nhuệ suy yếu.
Với chiến sự Nga - Ukraine, người Mỹ có thể “gác kiếm” bất cứ lúc nào họ muốn mà chẳng ảnh hưởng đến vị thế, như đã từng diễn ra ở Trung Đông; còn với phía Nga và cá nhân ông Putin lại là bài toán đau đầu.
Có thể bạn quan tâm