Hé lộ điều đáng quan ngại về thỏa thuận quân sự Nga - Iran

CẨM ANH 21/04/2023 03:30

Nga và Iran đã có quan hệ hợp tác ngày một sâu sắc trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự.

>>Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

Nga và Iran đã tăng cường hợp tác trong lĩnh vực vũ khí

Nga và Iran đã đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực quân sự

Trong thỏa thuận cung cấp vũ khí mới giữa Nga và Iran, Nga đã nhận được hàng trăm máy bay không người lái của Iran làm mưa làm gió trên các thành phố và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, trong khi Iran có thể sẽ nhận được máy bay chiến đấu Su-35 tiên tiến của Nga. 

Trước đó, CNN dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Nga đã thu giữ một số vũ khí, thiết bị do Mỹ và NATO cung cấp cho Ukraine trên chiến trường, sau đó gửi chúng đến Iran, như tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger của các lực lượng Ukraine bị bỏ lại trên chiến trường. Nga đã chuyển những vũ khí này tới Iran để tháo dỡ và phân tích.

Dựa vào đó, quân đội Iran có thể cố gắng tạo ra phiên bản vũ khí riêng. Moscow tin rằng, việc cung cấp những vũ khí thu được của phương Tây cho Iran sẽ khuyến khích Tehran tiếp tục ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Việc bổ sung một trong những máy bay chiến đấu đa năng hàng đầu của Nga, cũng như hợp tác huấn luyện quân sự và phát triển vũ khí, là một bước quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ an ninh Moscow-Tehran. Điều này cũng đánh dấu một sự thay đổi so với quá khứ khi trong những năm gần đây, Moscow đã cân nhắc cẩn trọng việc bán vũ khí cho Iran khi duy trì các mối quan hệ ngoại giao và quân sự khác trong khu vực.

Giới quan sát nhận định, sự hợp tác trao đổi vũ khí giữa Nga và Iran có thể không làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực tổng thể ở Trung Đông. Bởi tổn thất lớn về thiết bị quân sự của Nga trong chiến sự Nga- Ukraine khiến Moscow có khả năng phải cắt giảm xuất khẩu vũ khí.

Quan trọng hơn, để có thể đưa Su-35 vào sử dụng, Iran sẽ phải phát triển và đào tạo một đội ngũ phi công để vận hành chúng, cũng như thiết lập một hệ thống bảo trì để duy trì hoạt động của những chiếc phi cơ này.

>>Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran

Những chiếc máy bay không người lái (UAV) tham gia một cuộc diễn tập do quân đội Iran tổ chức tại Semnan, Iran vào ngày 5/1/2021. Ảnh: Anadolu

Những chiếc máy bay không người lái (UAV) tham gia một cuộc diễn tập do quân đội Iran tổ chức tại Semnan, Iran vào ngày 5/1/2021. Ảnh: Anadolu

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga và sự tiêu hao của Moscow trên chiến trường Ukraine sẽ khiến ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia này trở nên đặc biệt khó khăn, vì việc tìm nguồn cung ứng linh kiện cho các thiết bị của Nga sẽ là một thách thức cho Iran.

Do đó, có thể sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể trước khi Iran có thể tận dụng tối đa những chiếc Su-35 này để củng cố năng lực quân sự của mình.

Nhưng về lâu dài, dòng chảy vũ khí từ Nga vào Iran mang đến những lo ngại tiềm ẩn. Theo chuyên gia Grant Rumley, cựu cố vấn về chính sách Trung Đông tại Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá, Iran có thể nghiên cứu để sao chép và sản xuất hàng loạt các thành phần của các vũ khí này, từ đó bổ sung thêm vào kho vũ khí của mình.

"Iran có ngành công nghiệp vũ khí phát triển tốt và có lịch sử thành công trong việc thiết kế sao chép nhiều vũ khí chiến lược bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa và các bộ phận máy bay", chuyên gia này chỉ ra và cho biết sau khi chiếm được một máy bay không người lái trinh sát RQ-170 Sentinel của Mỹ vào năm 2011, Iran đã tiết lộ các biến thể được thiết kế có vũ trang và không vũ trang vào năm 2014.

Năm 2018, Iran đã cho bay thử một trong những bản sao đó từ Syria vào không phận Israel, nơi nó bị bắn hạ. Iran cũng đã tạo ra một số phiên bản của tên lửa chống tăng BGM-71 TOW của Mỹ, bao gồm Toophan và các biến thể của nó, sau đó chuyển giao cho các lực lượng chiến đấu ủy nhiệm của nước này ở Syria và Yemen.

Các chuyến hàng của Moscow cũng cho thấy một sự thay đổi tiềm ẩn đáng lo ngại trong hoạt động xuất khẩu vũ khí của nước này trong khu vực. Trong lịch sử, Nga đã chuyển giao vũ khí cho Trung Đông và các khu vực lân cận.

Thật vậy, xuất khẩu vũ khí của Nga sang Iran đã giảm sút so với xuất khẩu sang Ai Cập, Algeria và Ấn Độ. Giờ đây, những chiếc Su-35 đang hướng tới Iran được cho là những chiếc máy bay phản lực mà Ai Cập đã mua trước đó nhưng đã hủy bỏ, một phần do khả năng lo ngại bị Mỹ trừng phạt. Do tầm quan trọng của xuất khẩu quốc phòng đối với nền kinh tế Nga, quốc gia này có thể tăng doanh số bán hàng sang Iran hơn khi các giao dịch của nước này với các khách hàng truyền thống gặp nguy hiểm

Về lâu dài, sự vận chuyển vũ khí của Nga và Iran có thể sẽ khiến chi tiêu quốc phòng ở khu vực Trung Đông tăng lên. Hiện tại, Trung Đông là một trong những khu vực nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới khi có 5 quốc gia trong nhóm nhập khẩu vũ khí lớn, bao gồm Saudi Arabia, Qatar, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Kuwait.

Việc Iran bổ sung các máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga và các vũ khí hiện đại khác trong tương lai sẽ khiến các chính phủ trong khu vực lo lắng, dẫn đến khả năng thúc đẩy việc chạy đua mua sắm các vũ khí khác tương tự. Chẳng hạn, UAE có thể tìm cách nối lại các cuộc đàm phán về khả năng mua lại F-35 nếu Iran bổ sung Su-35 vào kho vũ khí của mình.

Chắc chắn, việc trao đổi giữa Nga và Iran sẽ gây quan ngại nghiêm trọng. Máy bay không người lái của Iran đang lấp đầy khoảng trống quan trọng trong khả năng quân sự của Nga, và các đợt giao hàng bổ sung - bao gồm cả tên lửa đạn đạo của Iran - có nguy cơ gây ra sự tàn phá lớn hơn đối với Ukraine.

Ngoài mối đe dọa trước mắt đó, vũ khí chảy vào Iran có khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng ở Trung Đông và làm tăng khả năng xung đột khu vực trong tương lai. 

Có thể bạn quan tâm

  • Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran

    Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran

    03:00, 17/03/2023

  • Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

    Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?

    03:00, 16/03/2023

  • Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

    Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?

    04:30, 05/12/2022

  • Chiến sự Nga-Ukraine: Nga “bắt tay” Iran hóa giải lệnh trừng phạt

    Chiến sự Nga-Ukraine: Nga “bắt tay” Iran hóa giải lệnh trừng phạt

    04:19, 03/12/2022

CẨM ANH