Chiến sự Nga- Ukraine: Nguy cơ lộ bí quyết công nghệ quân sự của phương Tây
Chiến sự Nga- Ukraine đã và đang mang lại một cơ hội lớn cho Nga và Iran trong việc mở rộng khả năng nghiên cứu vũ khí hiện đại phương Tây mà họ thu thập được.
>>Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?
Theo CNN đưa tin, Nghiên cứu vũ khí xung đột (CAR), một tổ chức có trụ sở tại Vương quốc Anh chuyên điều tra các thành phần của vũ khí, đã xác định rằng máy bay không người lái Shahed-136 mà Iran bán cho Nga được trang bị động cơ dựa trên công nghệ của Đức – công nghệ đã được Iran mua lại cách đây gần 20 năm.
Phát hiện này được thực hiện thông qua việc kiểm tra chi tiết các thành phần của những xác máy bay không người lái được thu hồi ở Ukraine đã nhấn mạnh khả năng của Iran trong việc bắt chước và cải tiến công nghệ quân sự.
Từ tháng 11 năm ngoái đến tháng 3/2023, CAR đã có thể kiểm tra các thành phần của 20 máy bay không người lái và đạn dược do Iran sản xuất ở Ukraine, khoảng một nửa trong số đó là UAV Shahed-136. Có thể xác nhận rằng động cơ trong chiếc Shahed-136 đã được thiết kế ngược bởi một công ty của Iran có tên là Oje Parvaz Mado Nafar, còn được gọi là Mado, có trụ sở tại thị trấn Shokuhieh thuộc tỉnh Qom, Iran. Được biết, công ty này đã bị Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu trừng phạt vào tháng 12 năm ngoái.
Các nhà nghiên cứu của CAR đã tìm thấy dấu hiệu của Mado trên nắp bugi trong động cơ của máy bay không người lái, cũng như dãy số sê-ri mà Mado sử dụng.
Mado đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp máy bay không người lái đang phát triển của Iran. Mẫu số sê-ri tương tự cũng được các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc phát hiện ra khi kiểm tra các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Saudi Arabia, được cho là do các đồng minh Houthi của Iran ở Yemen thực hiện; cũng như trong các mảnh vỡ thu thập được tại các cuộc tấn công tên lửa vào Abu Dhabi vào năm ngoái.
>>Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran
Ông Taimur Khan, chuyên gia phân tích vùng Vịnh tại CAR, nói với CNN rằng các hệ thống UAV của Iran liên tục được cải tiến, hiện đại hóa và đã được chứng minh là ngày càng đạt được độ chính xác về hệ thống hướng dẫn và nhắm mục tiêu, cũng như khả năng chống nhiễu.
Chuyên gia này cũng chỉ ra, điều này cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Iran trong khoảng 20 năm để có thể nắm được công nghệ phương Tây sử dụng cho máy bay không người lái và tên lửa của mình trước các lệnh trừng phạt quốc tế đang lan rộng. Năm 2006, Iran đã mua trái phép động cơ máy bay không người lái do công ty Limbach Flugmotoren của Đức sản xuất. Ba năm sau, một kỹ sư người Iran tên là Yousef Aboutalebi tuyên bố công ty của ông đã chế tạo được động cơ UAV.
Trong số các bộ phận khác mà Iran mua và sao chép có các bộ phận tên lửa do Séc sản xuất. Một báo cáo của các chuyên gia Liên Hợp Quốc vào năm 2020 cho biết động cơ trong tên lửa Quds-1 của Iran được sử dụng trong các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia vào năm trước là bản sao trái phép của động cơ phản lực TJ-100 do PBS Velká Bíteš sản xuất tại Cộng hòa Séc.
Các quan chức phương Tây lo ngại rằng Nga có thể chia sẻ vũ khí và thiết bị do phương Tây sản xuất được thu hồi trên chiến trường Ukraine với Iran. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn về việc này. Trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Tehran và Moscow đã phát triển gần gũi hơn nhiều. Nga muốn mua máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo của Iran; trong khi đó, Iran muốn tăng cường đầu tư và thương mại từ Nga. Theo các quan chức Iran, Nga đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Iran trong năm qua.
Đối với Nga, máy bay không người lái của Iran là một sự thay thế có lợi cho các tên lửa đắt tiền hơn. Các chuyên gia tin rằng, một chiếc máy bay không người lái Shahed-186 có giá khoảng 20.000 USD, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá thành của tên lửa hành trình Kalibr.
Tháng 10 năm ngoái, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, ông Kyrylo Budanov, cho biết Nga đã đặt hàng khoảng 1.700 máy bay không người lái các loại của Iran. Ukraine đã tỏ ra lão luyện trong việc hạ gục UAV Shahed-136, nhưng điều đó làm cạn kiệt hệ thống phòng không vốn đã khan hiếm của nước này. Mặc dù lượng thuốc nổ tương đối thấp, chỉ 40 kg (88 pound), nhưng đòn tấn công chính xác của Shahed-136 vẫn có thể gây ra thiệt hại lớn.
Doanh thu từ việc bán hàng trăm máy bay không người lái Shahed-136 cho Nga có thể sẽ được tái đầu tư để cải thiện hơn nữa ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Iran. Nhưng theo đánh giá, về lâu dài, việc Nga đang thu giữ các vũ khí tinh vi của phương Tây trên chiến trường, chẳng hạn như tên lửa chống tăng Javelin– và sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa hai nước sẽ giúp Iran sao chép các công nghệ hiện đại này để tăng cường sức mạnh quân sự của riêng mình.
"Dù mất khá nhiều thời gian, nhưng nếu những công nghệ quân sự hiện đại tiếp tục bị sao chép bất hợp pháp, điều này sẽ tạo tiền lệ cho quân đội các nước có được những vũ khí hiện đại mà không cần tốn quá nhiều chi phí", chuyên gia này đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Hé lộ điều đáng quan ngại về thỏa thuận quân sự Nga - Iran
03:30, 21/04/2023
Lý do nhiều quốc gia vẫn cảnh giác với Iran
03:00, 17/03/2023
Thấy gì từ thỏa thuận Iran- Saudi Arabia?
03:00, 16/03/2023
Thấy gì từ liên minh tam giác chiến lược Nga- Trung Quốc- Iran?
04:30, 05/12/2022
Chiến sự Nga-Ukraine: Nga “bắt tay” Iran hóa giải lệnh trừng phạt
04:19, 03/12/2022