Chiến sự Nga - Ukraine: Phương Tây bắt đầu “mệt mỏi” vì Ukraine
Theo các điều tra xã hội học ở phương Tây, không ít người dân ở châu Âu, Mỹ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì chính phủ liên tục viện trợ cho Ukraine trong chiến sự Nga - Ukraine.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: "Gió đảo chiều" ở châu Âu
Cuộc điều tra nói trên được tiến hành vào đầu năm 2023 bởi Trung tâm phục hồi thông tin, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Anh, cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho Ukraine đã giảm đi phần nào ở Trung và Đông châu Âu.
Ví dụ, ở Bulgaria và Slovakia, lần lượt 43% và 39% số người được hỏi tin rằng chính phủ của họ đang làm “quá nhiều” cho Ukraine. Ông Matt Gaetz, Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ đã đề xuất một nghị quyết ngừng tất cả viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ cho Ukraine.
Hồi cuối tháng 2/2023, các đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Giám sát Hạ viện đã quyết định mở một cuộc điều tra về viện trợ của Washington cho Kiev, họ cho rằng: “đã đến lúc Nhà Trắng giao nộp các biên lai để đảm bảo tiền của người đóng thuế không bị lãng phí, gian lận hoặc lạm dụng.”
Ông Matt Gaetz gọi hành động lập pháp của mình là nghị quyết “Mệt mỏi Ukraine” và các đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Giám sát Hạ viện mỹ cũng đang khuếch trương quan điểm rằng: sự mệt mỏi như vậy đang phổ biến trong tâm lý công chúng Mỹ.
Trước đó, cuộc điều tra xã hội học của Morning Consult được công bố vào tháng 12/2022 cho ra kết quả: Người Mỹ không coi chiến sự Nga- Ukraine đang diễn ra là ưu tiên hàng đầu. Sự ủng hộ dành cho Ukraine chỉ đứng thứ sáu đối với các đảng viên Dân chủ và thứ mười trong số các đảng viên Cộng hòa.
Cá nhân Tổng thống Putin từ lâu đã hy vọng về sự lung lay như vậy trong tâm thức người dân ở các quốc gia “không thân thiện”. Moscow kiên trì nuôi dưỡng cuộc chiến, chờ đợi thời điểm đồng minh của Ukraine mệt mỏi, cắt dần viện trợ.
Đây cũng là điều mà cánh “diều hâu” hiếu chiến ở phương Tây lo ngại. Bởi lẽ, các chính phủ ở châu Âu rất nhạy cảm với tình hình kinh tế - xã hội. Bản thân Thủ tướng Italy, Draghi hay Thủ tướng Đức, Scholz hay Thủ tướng Anh, Sunak hiện là đại diện thỏa hiệp giữa các đảng phái ngang cơ nhau về tiềm lực.
Những lãnh đạo này có thể bị thay thế bất cứ lúc nào nếu dân chúng cảm thấy đời sống khó khăn, ngân sách quốc gia bị san sẻ quá nhiều cho cuộc chiến tranh không biết khi nào kết thúc. Do vậy, chính sách về Ukraine có thể đảo chiều bất cứ lúc nào.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: “Nút thắt” của trật tự thế giới mới
Ông Matteo Villa, nhà phân tích của tổ chức ISPI ở Milan - cho biết. “Cảm giác mệt mỏi này xuất hiện khi các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (EU) phải tìm cách mới để đối phó Nga. Rõ ràng là trong EU, một số quốc gia không còn sẵn sàng muốn tiếp tục thông qua các biện pháp trừng phạt đối với Nga”.
Một tính toán mới đây của Trung tâm Penta cho biết, mỗi tháng Ukraine cần 5 tỷ USD để duy trì đất nước trong tình trạng chiến tranh. Dĩ nhiên, tiền không là vấn đề quá quan trọng với châu Âu, Mỹ. Với khối tài sản hơn 300 tỷ USD của Nga do các nhà băng phương Tây “đóng băng", Washington sẽ tìm cách giải ngân.
Thủ tướng Ba Lan, ông Morawiecki nói: “Thế giới tự do phương Tây hơi mệt mỏi và muốn sống một cuộc sống bình thường”. Tuy nhiên, biểu hiện phản đối viện trợ Ukraine chưa thật sự trở thành trào lưu đáng kể trong lòng xã hội phương Tây, mà điều đó mới chỉ bắt đầu nhen nhóm.
Có thể bạn quan tâm