Bài học kinh tế nông nghiệp Trung Quốc

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 14/05/2023 02:30

Thế giới ngạc nhiên trước thành tựu công nghiệp của Trung Quốc, nhưng ngành nông nghiệp nước này cũng xứng đáng liệt vào “kỳ quan kinh tế”.

Ngành nông nghiệp Trung Quốc cũng đã và đang để lại bài học cho nhiều quốc gia muốn thúc đẩy kinh tế nông nghiệp.

 Wineco đã và đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Wineco đã và đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

>> Kinh tế nông nghiệp Quảng Trị - nhìn từ “chuỗi cung ứng ngắn”

“Đòn bẩy” khoa học và công nghệ

Trung Quốc là nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới, được vận hành bởi 300 triệu nông dân trên tổng diện tích gần 1 triệu km2, tạo ra sản lượng sản phẩm khổng lồ đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỷ người và xuất khẩu. Ngành nông nghiệp Trung Quốc đóng góp khoảng 10% GDP, tương đương khoảng 1.800 tỷ USD.

Xuất phát điểm lạc hậu, ngành nông nghiệp của Trung Quốc chỉ thực sự bùng nổ sau khi thừa hưởng thành tựu khoa học công nghệ rực rỡ với hàng trăm công trình nổi bật hàng năm như công nghệ gen, nhân giống phân tử, nông nghiệp kỹ thuật số, bảo tồn nước, công nghệ thu hoạch, chế biến nông sản,…

Trong thời kỳ đỉnh cao, Chính phủ nước này cho xây dựng hàng trăm khu nông nghiệp công nghệ cao - đóng vai trò như “phòng kiểm định” khổng lồ tại các tỉnh thành có chức năng áp dụng các đề tài nghiên cứu từ các Viện chuyên ngành, trường Đại học. Nếu thành công, sẽ phổ biến đại trà cho nông dân. Ngoài ra, các cấp hành chính thấp hơn cũng thành lập 6.000 trung tâm công nghệ cao để phát triển sản phẩm chủ lực của vùng.

Bằng cách này, một hệ thống hạ tầng khoa học, kỹ thuật về cơ bản được thiết lập. Nhờ đó, tổ hợp các mô hình về sản xuất nông nghiệp và phương thức quản lý tổ chức nông nghiệp cũng thay đổi rất nhiều. Nông nghiệp truyền thống dần được hiện đại hóa với các quan hệ rộng mở và kết hợp giữa công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cũng như đô thị hóa.

Trên cánh đồng nhiễm mặn nồng độ 4gram muối/1 lít nước ở Sơn Đông, các nhà khoa học Trung Quốc đã tạo ra kỷ lục năng suất vô tiền khoáng hậu. Cụ thể, các giống lúa đặc chủng đã tăng năng suất gần gấp đôi lên 8,8 tấn/ha vào năm 2021 và tiếp tục tăng lên hơn 10 tấn/ha trong vụ thu hoạch mới nhất của năm 2022.

Ngành chăn nuôi gia cầm ở nước này cũng được ví như “phép màu”, vượt xa mọi con số thống kê đã có từ trước, ví dụ Trung Quốc luôn duy trì đàn gà gần 7 tỷ con, gấp 2- 3 lần các nước xếp liền kề; hoặc sản lượng trứng gà gấp 6 lần Mỹ, 7 lần Ấn Độ…

Một khía cạnh khác không thể không nhắc đến là hệ thống doanh nghiệp ngành nông nghiệp Trung Quốc rất hùng mạnh. Trung Quốc có khoảng gần 720 ngàn doanh nghiệp gia cầm, với gần 9 triệu lao động. Đặc biệt, Trung Quốc là quốc gia có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế, với 4 doanh nghiệp nằm trong top 20 doanh nghiệp sản xuất thịt và trứng gia cầm lớn nhất thế giới.

>> Chuyển đổi số trong nông nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Tham chiếu cho Việt Nam

Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng nể trong lĩnh vực nông nghiệp tự cung tự cấp, như đảm bảo an ninh lương thực, một số ngành hàng xuất khẩu hàng đầu thế giới. Nhưng điểm yếu phát lộ khi chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa - chất lượng cao.

Lỗ hổng lớn nhất với nông nghiệp Việt Nam là “chất” khoa học, công nghệ trong hệ sinh thái ngành nông nghiệp, bắt đầu từ cây, con giống, quy trình chăm sóc, canh tác, thu hoạch, chế biến; quy trình tổ chức, quản lý tầm vĩ mô; khả năng triển khai chiến lược lớn thành kế hoạch nhỏ ở từng địa phương.

Ví dụ, Trung Quốc rất thành công với phương án khu nông nghiệp công nghệ cao. Việt Nam cũng từng có mô hình tương tự - quy mô lớn nhất Đông Nam Á tại Đồng Nai, nhưng không phát huy tác dụng như kỳ vọng. Theo nhiều chuyên gia, kinh nghiệm ở đây là tính kỷ luật và phương pháp quản lý vĩ mô.

Trên thực tế, chức năng khoa học, công nghệ do các Viện chuyên trách và trường Đại học đảm nhiệm. Do vậy, cần tạo ra mối liên hệ hữu cơ giữa “phòng thí nghiệm” và “đồng ruộng”. Ở Trung Quốc, không khó để tìm thấy người làm nông hiện đại có bằng Tiến sĩ.

Một điều dễ nhận thấy ở Trung Quốc là nền nông nghiệp đa dụng, linh hoạt: cùng một sản phẩm nhưng có thể sản xuất sản phẩm tầm trung và thấp, năng suất cao để cạnh tranh với đối thủ vừa tầm trong khu vực; cũng có thể tạo ra “đặc phẩm” phục vụ nhóm khách hàng thượng lưu…

Ở tầm bao quát hơn, sản xuất nông nghiệp luôn thừa hưởng các đột phá trong công nghiệp. Chính vì thế, muốn có nền nông nghiệp mạnh, nhất thiết phải có nền công nghiệp hiện đại. Về lợi thế này, Trung Quốc dư khả năng để “sản xuất” và áp dụng tri thức mới. Theo các chuyên gia, đây cũng là vấn đề mà Việt Nam cần thúc đẩy để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam và cam kết chuyển đổi nền nông nghiệp phù hợp với xu thế mới

    Việt Nam và cam kết chuyển đổi nền nông nghiệp phù hợp với xu thế mới

    12:08, 07/05/2023

  • Nông nghiệp ứng dụng KHCN nâng cao NCSL và phát triển bền vững

    Nông nghiệp ứng dụng KHCN nâng cao NCSL và phát triển bền vững

    17:59, 06/05/2023

  • Mô hình nông nghiệp tương lai

    Mô hình nông nghiệp tương lai

    01:15, 08/04/2023

  • Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đại điền

    Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đại điền

    14:18, 04/04/2023

TRƯƠNG KHẮC TRÀ