Trung Quốc "đe dọa" sự đoàn kết của G7

CẨM ANH 21/05/2023 03:30

Bắc Kinh đang thận trọng theo dõi cuộc họp của các nhà lãnh đạo thuộc Nhóm 7 cường quốc có nền công nghiệp tiên tiến (G7) tại Nhật Bản.

>>G7 chật vật áp giá trần dầu thô Nga

Các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại Hiroshima, Nhật Bản

Các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại Hiroshima, Nhật Bản

Trong khi cuộc chiến tàn khốc của Nga chống lại Ukraine đã tiếp thêm sinh lực cho G7 và đoàn kết phương Tây, thì làm thế nào để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy vẫn là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất đối với Mỹ và các đồng minh. Ngoài ra, củng cố hỗ trợ cho Ukraine và tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga được dự đoán là những vấn đề trọng tâm tại hội nghị thượng đỉnh của G7.

Giới quan sát cho rằng, với việc Nhật Bản giữ chức Chủ tịch G7 năm nay, hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh lo ngại về một cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh ngày càng gia tăng giữa hai phe đối lập do Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu.

Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng sẽ là phép thử đối với sự thống nhất của G7, vì các thành viên – bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và EU – dự kiến sẽ tìm kiếm sự đồng thuận về một loạt vấn đề liên quan đến Trung Quốc, từ Đài Loan và chuỗi cung ứng đến mối quan hệ gắn kết giữa Bắc Kinh với Moscow.

Trên thực tế, các nước phương Tây đều thống nhất về quan điểm Trung Quốc muốn thay đổi trật tự quốc tế do phương Tây dẫn dắt. Bà Sari Arho Havrén, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Âu George C. Marshall chỉ ra, trong thời gian qua, Trung Quốc đã tập trung vào việc tạo khoảng cách giữa Châu Âu và Mỹ khi quan hệ của Bắc Kinh với Washington và Tokyo ngày càng xấu đi.

>>Hội nghị Ngoại trưởng G7: "Hé lộ" quan ngại của Ukraine

Phiên khai mạc tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 tại Niigata, Nhật Bản, ngày 11/5. Ảnh: Bloomberg

Phiên khai mạc tại cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G7 tại Niigata, Nhật Bản, ngày 11/5. Ảnh: Bloomberg

“Trung Quốc đang thực hiện nhiều nỗ lực ngoại giao đối với châu Âu. Ngoài việc các nhà ngoại giao Trung Quốc đang tích cực lôi kéo giới lãnh đạo châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương đã có chuyến công du châu Âu và đặc phái viên Trung Quốc Lý Huy đã thêm Brussels vào hành trình đàm phán hòa bình của mình. Tất cả những điều này nhấn mạnh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu liên minh xuyên Đại Tây Dương,” bà Sari Arho Havrén nói.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, điều khiến Bắc Kinh lo lắng vào lúc này là các đề xuất của Brussels nhắm vào những bên đã giúp Moscow giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả các công ty Trung Quốc. “Bất chấp luận điệu hòa bình của Trung Quốc, các thành viên G7 vẫn coi Bắc Kinh đứng về phía Moscow và giúp đỡ các nỗ lực chiến tranh của Nga,” bà Havrén nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng Trung Quốc không nên quá lo lắng đến việc các nhà lãnh đạo G7 đang thúc đẩy nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc ở châu Âu và liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Ông Philippe Le Corre, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á nhận định, trong khi các quốc gia G7 có khả năng sẽ đạt được sự đồng thuận về cách đối phó với Nga, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn khi nói đến Trung Quốc.

“Mỹ, Nhật Bản và EU có cách tiếp cận khác nhau: Washington đang cạnh tranh với Bắc Kinh, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2024, trong khi giới lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh không muốn xung đột với Trung Quốc, và Nhật Bản đang đứng ở giữa", ông Le Corre cho biết thêm.

Trong một thông cáo vào tuần trước của các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương của G7 đã bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng” về sự ép buộc kinh tế, nhưng không nêu đích danh Trung Quốc là một mối đe dọa. Điều đó cho thấy châu Âu không muốn bị ràng buộc với Mỹ, thay vào đó, khối muốn giữ vai trò cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Hội nghị Ngoại trưởng G7:

    Hội nghị Ngoại trưởng G7: "Hé lộ" quan ngại của Ukraine

    04:00, 18/04/2023

  • G7 chật vật áp giá trần dầu thô Nga

    G7 chật vật áp giá trần dầu thô Nga

    04:30, 04/09/2022

  • Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga

    Thế khó của G7 khi cấm vận dầu mỏ Nga

    04:30, 28/06/2022

  • Các nhà lãnh đạo G7 và NATO tăng cường sức ép đến Nga

    Các nhà lãnh đạo G7 và NATO tăng cường sức ép đến Nga

    09:47, 23/06/2022

  • G7 cam kết phối hợp ổn định tỷ giá

    G7 cam kết phối hợp ổn định tỷ giá

    05:15, 21/05/2022

CẨM ANH