Cơ hội từ chiến lược “Trung Quốc + 1”

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 04/06/2023 12:00

Trung Quốc không còn là môi trường đầu tư, kinh doanh dễ dàng như vài thập kỷ trước, nên rất nhiều tập đoàn đa quốc gia đã ứng phó bằng sáng kiến thông minh.

Các tập đoàn đa quốc gia không chỉ đầu tư vào Trung Quốc, mà đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh sang các quốc gia khác.

 Nhiều Tập đoàn đa quốc gia tăng cường quy mô sản xuất ở các quốc gia khác, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: Nhà máy Nike ở Việt Nam

Nhiều Tập đoàn đa quốc gia tăng cường quy mô sản xuất ở các quốc gia khác, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: Nhà máy Nike ở Việt Nam

>> Doanh nghiệp Mỹ "ồ ạt" dịch chuyển sản xuất chip sang Đông Nam Á

Lý giải nguyên nhân

Kinh tế Trung Quốc càng phát triển, càng đã kéo theo thay đổi về mặt luật pháp, thể chế và lao động theo hướng nghiêm ngặt hơn. Trong một số năm trở lại đây, Trung Quốc ban hành hàng loạt chính sách có xu hướng bảo hộ doanh nghiệp nội địa; siết chặt kiểm soát với doanh nghiệp nước ngoài.

Đặc biệt, quan hệ Mỹ - Trung kém thân thiện buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh một số chính sách về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí, hàng loạt thương hiệu lớn bị vướng vào cuộc cạnh tranh “địa chính trị” như: Adidas, Nike, Mercedes, H&M, Dior, Gucci...

Trong khi đó, Trung Quốc sắp kết thúc kỷ nguyên tận hưởng lợi thế “dân số vàng”, cung cấp thị trường lao động dồi dào, giá rẻ, thường trực “đội quân công nghiệp” khổng lồ sẵn sàng chấp nhận hy sinh phúc lợi cá nhân, gia đình để kiếm tiền và trụ lại ở các đô thị lớn tìm cơ hội đổi đời.

Trong vòng 3 năm gần đây, lực lượng lao động tại Trung Quốc giảm 41 triệu người. Nhiều chuyên gia dự báo trong 25 năm tới, Trung Quốc có thể sẽ mất 300 triệu lao động, số người già từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi. Chi phí lao động cao hơn, làm tăng chi phí sản xuất là vấn đề lớn đối với các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại đại lục.

Tiến trình chuyển đổi cơ cấu, “nâng chất” nền kinh tế là mục tiêu lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thể hiện trong “Nghị quyết lịch sử lần thứ 3” hướng tới đại mục tiêu “100 năm lần thứ 2”. Theo đó, Trung Quốc phải là trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo toàn cầu; làm chủ chuỗi cung ứng có hàm lượng tri thức cao, đề cao tính tự chủ, độc lập và bảo mật.

Đối diện với tương lai nhiều rủi ro, các tập đoàn lớn bắt đầu có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Nhưng các tập đoàn này không dễ dàng “rũ áo ra đi” vì Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất thế giới; hạ tầng hoàn thiện bậc nhất.
Dell, Microsoft, HP, Nike, Google, Samsung, Apple, Intel, Foxconn, Sharp, Nintendo, Komatsu, Lenovo, Hasbro, Steve Madden,… đã chọn cách tăng cường quy mô sản xuất ở Việt Nam và một số quốc gia khác - đồng nghĩa với việc giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Phương án chọn dịch chuyển một phần sản xuất, kinh doanh là khả dĩ, do vậy xuất hiện thuật ngữ “Trung Quốc+1”.

>> Làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc ngày một mạnh mẽ

Tận dụng lợi thế

Dĩ nhiên, doanh nghiệp lớn không chỉ đến Việt Nam, mà Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Banglades và Ấn Độ cũng sẵn sàng chào đón “đại bàng” bằng chính sách ưu đãi đặc biệt. Tuy vậy, xét trong tương quan với các nước trong khu vực, Việt Nam có những lợi thế vượt trội.

Thứ nhất, chi phí sản xuất tối ưu, lương nhân công Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc. Riêng lĩnh vực sản xuất trực tiếp, mức lương trung bình 252USD/người/tháng, thấp hơn nhiều so với mức 968 USD/tháng tại Trung Quốc và 766 USD/tháng ở Malaysia. Chính sách thuế ở Việt Nam thuộc nhóm cạnh tranh nhất châu Á. Ví dụ, Việt Nam miễn thuế TNDN trong hai năm đầu tiên và giảm 50% trong bốn năm tiếp theo.

Thứ hai, Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý hơn các nước trong khu vực khi ở gần Trung Quốc; giao thông đường bộ, hàng không, đường biển đều thuận lợi. Yếu tố này xuất phát từ thực tế, hầu như mọi sản phẩm đều cần đến thị trường nguyên, phụ liệu Trung Quốc; đồng thời các trung tâm kho vận khổng lồ ở Đông Nam Trung Quốc có khả năng xuất khẩu hàng hóa ra toàn cầu.

Thứ ba, Việt Nam tham gia 15 Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là cam kết thuế quan về 0% giúp hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tăng sức cạnh tranh trong các thị trường khối. Chẳng hạn, một số hiệp định nổi bật như Việt - Nhật, Việt – Anh, CPTPP, EVFTA… trong đó, EVFTA mở ra thị trường châu Âu rất tiềm năng, đây là FTA thứ 2 của châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.

Thứ tư, Việt Nam đang đi đúng tiến trình chuyển đổi bản chất nền kinh tế, từ gia công lắp ráp giản đơn, xuất khẩu sang thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn như công nghệ cao hoặc hỗ trợ sản xuất công nghệ cao; hệ sinh thái R&D cho các thương hiệu lớn…

Để có thể tiếp thu nguồn vốn khổng lồ, đáp ứng điều kiện khắt khe, biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh, Việt Nam còn rất nhiều nhiệm vụ lớn phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất, nhất là cần chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ…

Có thể bạn quan tâm

  • Đón sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Việt Nam có

    Đón sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Việt Nam có "cửa" vượt Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ?

    11:00, 11/05/2020

  • Đón cơ hội dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc

    Đón cơ hội dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc

    18:12, 22/03/2019

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất điện tử khỏi Trung Quốc

    Làn sóng dịch chuyển sản xuất điện tử khỏi Trung Quốc

    00:11, 21/10/2018

  • Gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng khu công nghiệp (Kỳ I): Làn sóng dịch chuyển sản xuất sẽ ra sao?

    Gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng khu công nghiệp (Kỳ I): Làn sóng dịch chuyển sản xuất sẽ ra sao?

    11:00, 27/05/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ