Châu Âu tăng năng lực quốc phòng: Vì sao "nói dễ hơn làm"?
NATO đã đạt được những đồng thuận lớn về cam kết nâng cấp chuỗi cung ứng quốc phòng trong tương lai cho châu Âu, nhưng khả năng thực hiện được nó vẫn còn bỏ ngỏ.
Những cam kết mạnh mẽ mới đây của NATO cho thấy quyết tâm thay đổi vấn đề thiếu hụt vũ khí của khối. Với trọng tâm là cải thiện năng lực sản xuất vũ khí, NATO kỳ vọng họ sẽ sớm đủ khả năng cung ứng vũ khí cho cả Ukraine và châu Âu trong tương lai.
>> "Hé lộ" lý do chiến sự Nga - Ukraine còn dai dẳng
Thế nhưng, mong muốn là một chuyện, một loạt các thách thức trong chuỗi cung ứng vũ khí của châu Âu đã được phơi bày, cho thấy giải bài toán này là một câu chuyện “nói dễ hơn làm”.
Khoảng cách giữa lời nói và hành động
Trước hết, bất chấp các cam kết mạnh mẽ, hầu như chưa chính phủ nào ký kết các hợp đồng mua sắm lớn với các nhà thầu quốc phòng.
Theo lãnh đạo các công ty quốc phòng hàng đầu châu Âu, giới chức NATO luôn thúc giục họ sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn và với chi phí thấp hơn, nhưng họ không thể làm điều đó cho đến khi nhận được các thỏa thuận ràng buộc từ chính phủ.
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, Hanno Pevkur, cho rằng sự bế tắc này “giống như câu hỏi về con gà và quả trứng, cái nào có trước?” Cho tới nay, một số các tập đoàn đã phải tự nâng cấp công suất bằng tiền túi để phục vụ chiến trường Ukraine, bao gồm những cái tên Saab, Nammo, Rheinmetall hay Nexter và MBDA. Nhưng điều này sẽ không kéo dài lâu nếu thiếu những hợp đồng trên giấy tờ.
Ông Micael Johansson, Giám đốc điều hành của Saab (Thụy Điển) nói rằng họ đang “khá mạo hiểm” khi tự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhân sự và nguyên liệu thô, với kỳ vọng tương lai “có được một số loại hợp đồng dài hạn.”
Nhưng khi tương lai chiến sự Nga- Ukraine trở nên khó đoán, nhóm nhà thầu quốc phòng này cần các hợp đồng để đảm bảo họ không chi hàng trăm triệu chỉ để thấy nhu cầu vũ khí giảm dần trong một vài năm nếu xung đột tại Ukraine kết thúc.
Trong 18 tháng qua, hầu hết chính phủ các nước EU đều hứa sẽ tăng cường chi tiêu quân sự. Nhưng theo giới chuyên gia, các công ty ngày càng “thất vọng” với sự chậm trễ và quan liêu của các giới chức.
Ông Jen Pie, Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ, An ninh và Quốc phòng Châu Âu, cho biết: “Có một khoảng cách rất lớn giữa tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng và số lượng hợp đồng trên thực tế”. Ông Pie đổ lỗi cho những rào cản quan liêu và thái độ chậm chạp, như thể “chúng tôi đang ở thời bình với tất cả các quy trình này”.
Giám đốc điều hành Armaments Group, tập đoàn quốc doanh của Ba Lan, ông Sebastian Chwałek nói: “Nếu các quyết định được đưa ra vào năm ngoái, thì bây giờ chúng tôi đã cung cấp cho Ukraine số lượng lớn vũ khí. Chúng tôi đã sẵn sàng và thừa khả năng sản xuất”.
Sự cạnh tranh của các công ty ngoài châu Âu
Năng lực sản xuất của EU cũng khó có thể cải thiện nếu các nguồn lực rơi vào tay các nhà thầu quân sự ngoài châu Âu. Kể từ khi NATO thiếu hụt vũ khí, sự cạnh tranh trong cung ứng đã trở nên gay gắt hơn khi các nhà máy của châu lục không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ đạn dược quá nhanh của Kiev.
Các tập đoàn quốc phòng châu Âu không chỉ đối mặt với Mỹ - nhà cung cấp hơn một nửa thiết bị quân sự cho châu Âu, mà còn nhiều tập đoàn có năng lực sản xuất đáng nể ở Hàn Quốc, Israel hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Ba Lan có hợp đồng trị giá gần 10 tỷ USD mua xe tăng Abrams và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, đồng thời cũng đang chi 10 tỷ USD cho trang thiết bị quân sự của Hàn Quốc. Đan Mạch và Hà Lan đang mua vũ khí của Israel; Romania đang đàm phán để mua F-35.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo tại Hội nghị Quốc phòng tháng 5 tại Bratislava: “Khi tôi thấy một số quốc gia tăng chi tiêu quốc phòng để mua ồ ạt các sản phẩm không phải của châu Âu, tôi chỉ nói với họ: Các ngài đang tạo ra thách thức của tương lai”.
Sau nhiều thập kỷ cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là trong sản xuất quốc phòng, năng lực sản xuất vũ khí của châu Âu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giờ đây, với sự cạnh tranh gay gắt đến từ ngoài châu Âu, thách thức cải thiện nền quốc phòng của NATO càng bị đặt dấu hỏi.
Chuỗi cung ứng ngày càng bị thắt chặt
Kể cả khi kéo được các hợp đồng về lại châu lục, EU vẫn khó có thể giải quyết một vấn đề nan giải – chuỗi cung ứng quân sự ngày càng eo hẹp.
Khi các công ty tăng sản xuất vũ khí, khả năng tiếp cận nguyên liệu thô, vi mạch và công nhân cũng cần phải tăng thêm. Điều này gây ra khó khăn khi mất nhiều thời gian để kiếm được các nguồn tài nguyên khan hiếm.
Ông Jean-Marc Duquesne, đại diện nhóm vận động hành lang cho quốc phòng Pháp, nói: “Ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất với số lượng nhỏ, khiến nó ít được các nhà sản xuất linh kiện quan tâm hơn so với ngành sản xuất ôtô hay máy bay”. Thậm chí có những linh kiện cần 9 tháng để đến nơi.
>>"Lộ diện" ứng viên tiềm năng cho chức tân Tổng thư ký NATO
Theo nhiều giám đốc điều hành các công ty quốc phòng, tình trạng thiếu nguyên liệu thô bao gồm nhôm, titan và bột - cả thuốc nổ và nhiên liệu đẩy đang ngày càng nghiêm trọng. Tại Pháp, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ đã phải bắt đầu dự trữ titan và đang thúc đẩy tái chế nhiều hơn.
Sự phục hồi sản xuất quân sự cũng đồng nghĩa với sự gia tăng áp lực lên các nút thắt mong manh của chuỗi cung ứng. Với sự phức tạp và nhạy cảm của ngành, một số quy trình sản xuất hiện đại nằm trong tay số ít công ty chuyên biệt. Do đó, khả năng đáp ứng một số lượng lớn đơn hàng trong thời gian ngắn của châu Âu rõ ràng là một bài toán khó cho nhóm các công ty này.
Có thể bạn quan tâm