Mỹ “ngáng chân” Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương
Việc Mỹ tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia ở châu Á- Thái Bình Dương có thể sẽ đặt ra nhiều thách thức với Trung Quốc tại khu vực này.
>>Thông điệp mạnh của NATO ở châu Á - Thái Bình Dương
Mỹ và Papua New Guinea vừa đạt được thỏa thuận hợp tác quốc phòng an ninh có ảnh hưởng rất lớn đến cục diện “địa chính trị” tại phía Nam Thái Bình Dương. Điều này khiến cho cuộc đua tranh giành ảnh hưởng Trung - Mỹ càng gay cấn.
Theo thỏa thuận này, Mỹ có quyền tiếp cận bất cứ sân bay và cảng biển nào ở quốc gia có diện tích lớn nhất và đông dân nhất trong nhóm các đảo quốc Thái Bình Dương.
Thỏa thuận này giúp tăng cường khả năng hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực; Hỗ trợ các căn cứ quân sự trên đảo Guam, đồng thời ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
Cụ thể hơn, việc bố trí lực lượng tại Papua New Guinea sẽ nối dài mạng lưới quân đội Mỹ trên Thái Bình Dương - bắt đầu từ quân cảng Yokosuka (Nhật Bản), đến đảo Guam. Các nhà nghiên cứu gọi đây là “chuỗi đảo thứ hai”. Trong khi đó “chuỗi đảo thứ nhất” để chỉ một loạt các căn cứ quân sự từ quần đảo Kuril qua Nhật Bản, đảo Okinawa, đảo Đài Loan và tới Philippines.
Theo các nhà phân tích quân sự, “chuỗi đảo thứ nhất” được coi là nỗ lực nhằm ngăn Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự tại eo biển Đài Loan, trong khi “chuỗi đảo thứ hai” có thể là một phần trong kế hoạch Washington đề ra nhằm cản trở tham vọng biển xanh của Bắc Kinh.
Trong một động thái rất đáng chú ý khác, ngày 19/6 lần đầu tiên trong lịch sử, hai “pháo đài bay” B52 đã hạ cánh xuống lãnh thổ Indonesia tham gia cuộc tập trận mang tên “Cope West”.
>>NATO tìm kiếm điều gì tại châu Á?
Sự trở lại của siêu máy bay B52 tại Đông Nam Á một lần nữa khẳng định quyết tâm của người Mỹ trong việc mở rộng hệ thống đối tác, đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời động thái này phát đi thông điệp từ Jakarta, rằng: nước này muốn đang dạng hóa hợp tác quốc phòng để phòng ngừa các kịch bản xấu xảy ra trong tương lai gần.
Dĩ nhiên, việc các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương có xu hướng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh, kinh tế, hàng hải với Mỹ không có nghĩa là họ muốn từ bỏ các khung khổ hợp tác đã có từ trước với nước lớn khác.
Trung Quốc đã có những ảnh hưởng nhất định tại khu vực, nhưng không phải nước này đã chiếm trọn niềm tin của tất cả đối tác. Ngược lại sự hoài nghi Bắc Kinh đã và đang khơi dậy ở Philippines, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…sau khi chứng kiến một số mắt xích trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” bị sụp đổ.
Bắt tay với Mỹ là có thêm sự lựa chọn để giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Và, đó cũng là thông điệp gián tiếp để Bắc Kinh “mềm mỏng” hơn trong chính sách đối ngoại; điều chỉnh hành động trên biển nếu không muốn bị sợ hãi, xa lánh.
Nói đúng hơn đó là những gì tối ưu nhất mà các nước nhỏ có thể xoay xở trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt, không loại trừ xảy ra chiến tranh vũ trang trong tương lai gần.
Với trường hợp Papua New Guinea, Thủ tướng James Marape nhấn mạnh trước quốc hội nước này, rằng chính phủ đương nhiệm “sẽ không bao giờ gây tác động xấu đến quan hệ thương mại với Trung Quốc”. Ông cũng tái khẳng định ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” trong vấn đề Đài Loan, đồng thời tuyên bố “ưu tiên Bắc Kinh hơn Đài Bắc”.
Trường hợp của Manila còn điển hình hơn, từng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế giải quyết tranh chấp chủ quyền, tuy nhiên hai nước này vẫn duy trì hợp tác giải quyết bất đồng trên Biển Đông và hàng loạt cam kết đầu tư từ Trung Quốc.
Cơ chế hợp tác “nước đôi” như vậy đang có lợi nhiều mặt, đặc biệt trong khi Mỹ và Trung Quốc nhiều năm không đối thoại quốc phòng, có dấu hiệu mất kiểm soát mâu thuẫn.
Có thể bạn quan tâm
"Phao cứu sinh" nào cho Mỹ lấy lại vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương?
04:00, 02/05/2023
Thông điệp mạnh của NATO ở châu Á - Thái Bình Dương
04:30, 04/02/2023
Điểm đến hấp hẫn đầu tư bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương
14:37, 03/02/2023
Việt Nam trong vòng xoáy châu Á - Thái Bình Dương
05:30, 07/03/2022