Không dễ "tan băng" trong quan hệ Mỹ - Trung
Những tín hiệu mới đây đang nêu bật nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm kéo quan hệ với Trung Quốc ra khỏi vòng luẩn quẩn đối đầu "ăn miếng trả miếng", nhưng vậy đã đủ thành công?
Sau chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Anthony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen chuẩn bị có chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 6 - 9/7/2023. Chuyến đi được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ làm “tan băng” quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như giảm thiểu rủi ro sai lầm chính sách.
>>"Lộ diện" lý do kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi
Thế nhưng, đặt hi vọng vào những động thái ngoại giao có thể khiến hai nước xích lại gần nhau là điều không thực tế, theo các chuyên gia. Vấn đề cốt lõi nhất ngăn cản triển vọng “tan băng” quan hệ giữa 2 nước lại nằm ở chính thượng tầng cả Washington và Bắc Kinh.
Đảng Dân chủ hạ nhiệt và quản lý rủi ro
Theo các nhà quan sát, sự đồng thuận lưỡng đảng Cộng hòa và Dân chủ về Trung Quốc đang rẽ sang hai hướng, với một bên là đảng Dân chủ đang tìm cách quản lý rủi ro và một bên là đảng Cộng Hòa ngày càng có cái nhìn xấu hơn đối với Bắc Kinh.
Không khó để nhận ra vì sao Nhà Trắng đang gấp rút nối lại liên lạc với Trung Quốc. Giảm thiểu rủi ro cho kế hoạch tranh cử và giải quyết các khúc mắc của giới doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Trung Quốc lý giải tại sao ông Biden vẫn quyết tâm xây dựng các khuôn khổ quản lý cạnh tranh với Bắc Kinh.
Theo giới phân tích, Tổng thống Joe Biden dường như sẽ phải chấp nhận một Trung Quốc vươn lên trong tương lai gần. Điều đó có nghĩa là ông sẽ phải tìm cách sống chung với nền kinh tế trị giá 18 nghìn tỷ USD vô cùng quan trọng với Mỹ.
Những động thái ngoại giao mới đây cho thấy ông Biden đang gấp rút tìm kiếm một khuôn khổ ổn định, hay một “bình thường mới” để xác định và quản lý cạnh tranh. Như Ngoại trưởng Blinken tuyên bố tại Bắc Kinh, “để khám phá những lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác cùng nhau khi các lợi ích của chúng ta phù hợp.”
Cuộc đổ bộ vào Trung Quốc gần đây của các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ—bao gồm Elon Musk, Jamie Dimon của JP Morgan, Mary Barra của General Motors và Bill Gates— đã chứng minh các hành động chống Trung Quốc của Hoa Kỳ đã khiến các lợi ích kinh tế gặp rủi ro.
Ông Jensen Huang, Giám đốc điều hành của Nvidia, mới đây thừa nhận việc mất thị trường Trung Quốc sẽ gây ra “thiệt hại to lớn” cho ngành công nghệ Mỹ, gây nguy hiểm cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới – một trong những mục tiêu của Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022.
Thời gian qua, ngôn ngữ thông dụng mà chính quyền Mỹ sử dụng là “giảm rủi ro” chứ không phải “tách rời”, được thể hiện trong các phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hay Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan , hay trong thông cáo của hội nghị G-7.
Phe “diều hâu” cản bước
Nhưng rào cản lớn nhất đã hiện rõ quan điểm “diều hâu” của phe Cộng Hòa với Trung Quốc. Chuyến đi mới đây của ông Blinken thậm chí bị các đảng viên đảng Cộng hòa hàng đầu cho là “yếu đuối” và giúp giảm căng thẳng với Trung Quốc.
Theo ông Robert Manning, một chuyên gia tại Trung tâm Stimson, có một “bầu không khí căng thẳng” ở thủ đô nước Mỹ, nơi các chính trị gia diều hâu “liều lĩnh” tìm cách ngăn chặn Bắc Kinh. Thậm chí theo chuyên gia này, nhiều nhà hoạch định đã lên kế hoạch trừng phạt hoặc ứng phó nếu Trung Quốc vượt qua “lằn ranh đỏ” trong vấn đề Đài Loan.
Ví dụ, Ủy ban về Đảng Cộng sản Trung Quốc của Hạ viện Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua đã đưa ra các khuyến nghị chính sách, trong đó kêu gọi tiếp tục trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Tân Cương, hay lập kế hoạch dự trữ vũ khí cho vấn đề Đài Loan. Ngoài ra, hàng chục dự luật khác cũng hướng tới xóa bỏ tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc, hay kiềm chế sức mạnh tài chính của Bắc Kinh…
Cũng có rất nhiều quan chức theo chủ nghĩa diều hâu và chủ nghĩa dân tộc từ phía Trung Quốc, càng khiến căng thẳng Mỹ- Trung sẽ khó hạ nhiệt hơn.
>>Quyền lực mềm - "Lỗ hổng" trong tham vọng toàn cầu của Trung Quốc
Chủ tịch Tập Cận Bình hay các quan chức cấp cao của Trung Quốc thời gian qua không ngần ngại chỉ trích Washington “ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện” Bắc Kinh với bất cứ động thái nào của Hoa Kỳ tại châu Á. Việc Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương mạnh mẽ tuyên bố Mỹ “nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc” trong hội đàm với ông Blinken là một ví dụ.
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất hiện nay là lãnh đạo hai nước có thể giữ được cái đầu lạnh trong hoạch định chính sách. Ngày càng nhiều khoảng cách trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc, như vấn đề chip, Ukraine hay Đài Loan, thì ưu tiên hàng đầu hiện nay là không khiến căng thẳng leo thang, chứ không phải làm thế nào để xích lại gần nhau.
Có thể bạn quan tâm
"Lộ diện" lý do kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi
04:00, 01/07/2023
Quyền lực mềm - "Lỗ hổng" trong tham vọng toàn cầu của Trung Quốc
04:00, 30/06/2023
Trung Quốc tận dụng Con đường Tơ lụa để củng cố hợp tác với Trung Á
03:30, 29/06/2023
Điều gì ngăn cản Ấn Độ cạnh tranh vị thế siêu cường với Trung Quốc?
04:00, 27/06/2023