Lộ diện gã khổng lồ "kín tiếng" trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu
Không phải Trung Quốc, Indonesia mới là quốc gia nắm quyền kiểm soát nguồn cung ứng niken - kim loại thiết yếu cho ngành xe điện (EV) trên toàn cầu.
Trong chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ hiện nay, niken là một trong số các tài nguyên được săn đón nhiều nhất trên thế giới bởi vai trò quan trọng của nó trong nhiều ngành công nghệ, như pin xe điện...
Gã khổng lồ ít biết trong ngành niken
Không phải Trung Quốc – cường quốc pin xe điện thế giới – mà chính là Indonesia, một quốc gia Đông Nam Á, mới là gã khổng lồ nắm quyền quyết định chuỗi cung ứng Niken của thế giới. Và với những công nghệ khai thác và chế biến mới đây, Indonesia đang củng cố vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này.
>>Trung Quốc tung đòn đáp trả Mỹ và phương Tây
Ngành công nghiệp xe điện đang bùng nổ trên thế giới khiến nhu cầu về các nguyên liệu làm pin tăng vọt. Trong đó, Niken là một thành phần quan trọng bên cạnh các kim loại khác. Hầu hết các loại xe điện đang sử dụng cực âm có chứa ít nhất 60% niken. Một số loại xe hiệu suất cao thậm chí còn sử dụng nhiều niken hơn, một phần để giảm hoặc loại bỏ coban, và một phần để tăng cường độ hoạt động cho các ứng dụng cao cấp.
Theo các chuyên gia, trữ lượng Niken trên thế giới hiện vào khoảng 89 triệu tấn, trong đó Indonesia là nước khai thác và sản xuất quặng lớn nhất thế giới. Macquarie Group, một công ty tư vấn của Australia, cho rằng đến năm 2025, Indonesia có thể cung cấp 60% niken cho thế giới, tăng 10% so với hiện nay.
Hầu hết niken ở Indonesia hay trên thế giới đến từ hai loại quặng đá ong - limonite và saprolite. Trong đó, saprolite chứa hàm lượng niken cao hơn, rất phù hợp để xử lý ở nhiệt độ cao (vào khoảng hơn 1.500°C) để tạo ra một hợp chất gọi là NPI được sử dụng để sản xuất thép không gỉ. Nhưng bằng cách bơm lưu huỳnh vào hợp chất này để thay thế sắt, một sản phẩm có độ tinh khiết cao hơn - niken mờ - được tạo ra có thể phù hợp để sản xuất pin.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này tốn nhiều năng lượng. Ở Indonesia, điện năng thường đến từ các nhà máy nhiệt điện than giá rẻ nhưng ô nhiễm. Trong khi với các nhà sản xuất ô tô điện ở phương Tây, như Tesla, tín chỉ xanh là điều cần thiết cho sản phẩm của họ.
Ngoài ra, do thiếu công nghệ chế biến, phần lớn saprolite của Indonesia được khai thác và xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc. Dù vào năm 2020, Indonesia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu tài nguyên này, nhưng vấn đề công nghệ vẫn chưa được giải quyết. Phần lớn niken còn lại nằm trong các mỏ limonite, vốn không phù hợp với quy trình xử lý nhiệt RKEF đã nói.
Tham vọng duy trì vị thế dẫn đầu của Indonesia
Trong nhiều thập kỷ, các công ty khai thác mỏ đã thử nghiệm một giải pháp thay thế gọi là lọc axit áp suất cao (HPAL). Thay vì nấu chảy quặng, nó được đặt trong một chiếc máy áp suất và trộn với axit sunfuric để loại bỏ niken. Phương pháp này hiệu quả với limonit để tạo ra niken tinh khiết cao, nhưng chi phí cao và công suất không đủ tốt.
Thế nhưng với tham vọng dẫn đầu ngành niken thế giới, Indonesia đã bắt đầu tập trung các nguồn lực vào công nghệ. Kể từ 2021, ba nhà máy sử dụng công nghệ HPAL đã bắt đầu hoạt động ở Indonesia. Bảy nhà máy khác (bao gồm năm cơ sở ở Sulawesi) đang được phát triển, theo Hiệp hội Khai thác Niken Indonesia. Bên cạnh khả năng xử lý limonite, công nghệ HPAL còn “xanh” hơn do không cần nhiệt độ cao, giúp tạo ra ít các-bon hơn.
Chính sách ngành được thay đổi cũng giúp đẩy mạnh vị thế của Indonesia. Năm 2021, tất cả lượng niken được bán và chế biến đều từ trong nước. Xuất khẩu kim loại chứa niken cũng tăng nhanh, trong khi xuất khẩu quặng thô giảm dần.
Để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái xe điện tận dụng ưu thế về niken, chính phủ Indonesia đã thành lập một liên doanh, Indonesia Battery Corporation, có sự góp vốn của bốn doanh nghiệp nhà nước vào năm 2021. Những công ty này được giao nhiệm vụ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường xe điện ở Indonesia, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành chế biến kim loại cũng đã vượt qua đầu tư vào khai khoáng, với hàng loạt cái tên lớn từ Hàn Quốc (LG, SK) và Trung Quốc (Tsingshan Holding Group).
Thế nhưng không phải mọi thứ đều màu hồng. Trước hết là sự phụ thuộc của ngành này vào Trung Quốc. Hầu hết công nghệ của Indonesia trong ngành này đều đến từ Trung Quốc. Hai trong số ba nhà máy ở Indonesia đang hoạt động dựa trên thiết kế của China Enfi Engineering Corporation, một công ty con của China Metallurgical Group Corporation.
>>"Lộ diện" lý do kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi
Ngoài ra, công nghệ mới cũng đặt ra những vấn đề môi trường. Nó tiêu tốn ít điện hơn nhưng quy trình HPAL lại thải ra một lớp thải bùn độc hại. Không thể thải ra biển, chính phủ Indonesia phải sấy khô và chất chúng thành đống - một giải pháp tiềm tàng nguy hiểm với một quốc gia hay động đất và mưa lớn.
Có thể bạn quan tâm