Nóng cuộc săn "kho báu" ngành công nghệ dưới đáy biển

TRƯỜNG ĐẶNG 14/07/2023 04:00

Cuộc tranh giành tài nguyên cho ngành công nghệ không còn giới hạn ở mặt đất, mà đang diễn ra khốc liệt ở đáy đại dương, bất chấp những nguy cơ về môi trường và pháp lý chưa rõ ràng.

Cuộc đua khai thác tài nguyên ngành công nghệ đang nóng lên cả dưới đáy biển

Cuộc đua khai thác tài nguyên ngành công nghệ đang nóng lên cả dưới đáy biển

Theo các chuyên gia, cuộc săn tìm “kho báu” – coban, niken, đồng và mangan – dưới đáy đại dương đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Ở đó, các quốc gia đang tranh giành quyền nghiên cứu và khai thác các mỏ nguyên liệu vốn là nền tảng cho xe điện và các tấm pin mặt trời nằm sâu dưới các vùng biển cả trong hải phận và quốc tế.

>>Lộ diện gã khổng lồ "kín tiếng" trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu

"Cơn sốt" ngày một nóng

Khai thác dưới biển sâu (DSM) liên quan đến các mỏ khoáng sản từ các “nốt sần” nằm rải rác dưới đáy đại dương, thường ở độ sâu gần 200 mét dưới mực nước biển. Những mỏ này chứa nhiều coban, đồng, niken và các khoáng chất khác cần thiết để sản xuất các công nghệ xanh.

Thế nhưng, gần đây hoạt động khai thác này đang trở thành tâm điểm với nhu cầu khổng lồ về chuyển đổi kinh tế trên phạm vi toàn cầu.

Vào năm 2021, quốc đảo Nauru ở biển Thái Bình Dương đã cho phép khai thác thương mại đối với các tài nguyên dưới đáy biển. The Metals Company (TMC), một công ty Canada đi đầu trong ngành đã kí một thỏa thuận trị giá 75 triệu USD để giành quyền khai thác đáy biển nơi đây.

Tuy nhiên, dự án này đã vấp phải sự phản đối dữ dội của các nhà bảo vệ môi trường cũng như giới khoa học, khiến Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) phải ra quyết định trì hoãn 2 năm để xây dựng một bộ quy tắc đầy đủ về khai thác khoáng sản dưới biển sâu ở các vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên, khi thời hạn 2023 sắp hết, vẫn chưa có quy định nào được ISA đưa ra. Điều đó khiến các quốc gia có thể nộp đơn xin giấy phép khai thác kể cả khi không có quy định và mở ra một cuộc đua lớn trong tương lai.

Minh họa quá trình khai thác tài nguyên dưới đáy biển

Minh họa quá trình khai thác tài nguyên dưới đáy biển

Trước cơn sốt tài nguyên công nghệ đang ngày một nóng bỏng, một số quốc gia đã cân nhắc việc triển khai các hoạt động dưới đáy đại dương quốc gia. Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là các quốc gia đi đầu. Như vào tháng trước, các nhà lập pháp Na Uy đã đề xuất việc bật đèn xanh cho các dự án khai thác dưới biển sâu.

Các chuyên gia nhận định, do đây là một lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn mới nên tiềm năng ngành chủ yếu vẫn mang tính đầu cơ. Dù vậy, các công ty như TMC dự đoán lợi nhuận sẽ cao hơn sau khi hoạt động khai thác thực sự bắt đầu, do nhu cầu khoáng sản tăng cao.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Lĩnh vực đầy hứa hẹn về kinh tế này mặt khác đem lại nhiều lo ngại cho các nhà khoa học, trước hết là tác động về môi trường.

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ DSM có ảnh hưởng đến môi trường ở mức độ nào. Tuy nhiên, hoạt động khai thác và thăm dò biển sâu nếu thiếu quản lý có nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học, chất lượng nước và nguồn cá cũng như thay đổi dòng hải lưu, theo các chuyên gia.

Các công ty như TMC lập luận rằng khai thác dưới biển sâu là cần thiết để đáp ứng nhu cầu khoáng sản của quá trình chuyển đổi năng lượng, với chi phí môi trường thấp hơn so với khai thác trên bờ. Nhưng nhiều nhà khoa học đã bác bỏ điều này, đồng thời cảnh báo về những tác động nguy hại không thể đảo ngược trong một lĩnh vực mới chưa được khám phá.

Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào ngành khai thác dưới biển sâu

Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào ngành khai thác dưới biển sâu

Ngoài ra, tranh giành các nguồn tài nguyên ở các vùng biển quốc tế có nguy cơ dẫn đến các xung đột địa chính trị.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định các quốc gia quản lý hoạt động khai thác khoáng sản ở vùng biển sâu dưới đáy biển trong phạm vi quyền tài phán quốc gia của họ. Thế nhưng, khoảng 60% đáy đại dương nằm ngoài thẩm quyền của từng quốc gia. Do đó, các hoạt động thăm dò hoặc khai thác thuộc thẩm quyền của ISA.

Vấn đề ở chỗ, ISA vẫn chưa hoàn thiện các bộ quy tắc về vấn đề này – đặc biệt là xây dựng các mã khai thác. Mới chỉ có các quy định thăm dò được hoàn thiện và luật khai thác vẫn đang được xem xét.

Trong lúc chờ đợi, các quốc gia đã bắt đầu tiến hành các bước đón đầu xu hướng, với Trung Quốc đang là bên giữ ưu thế. Bắc Kinh hiện đang nắm giữ 5 trong số 30 hợp đồng khai thác ở biển sâu do ISA ban hành — nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Tham vọng này phần nào lý giải vì sao Trung Quốc thường xuyên bày tỏ mong muốn định hình các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực hàng hải. Theo các chuyên gia, điều này đã thể hiện rõ nhất qua các hành động đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông hay các vùng biển khác.

Trong khi đó, Hoa Kỳ không phải là quốc gia thành viên của UNCLOS hay ISA, khiến Washington bị hạn chế trong việc định hình khung pháp lý DSM. UNCLOS cũng yêu cầu các công ty DSM phải có trụ sở tại một quốc gia thành viên, nghĩa là các công ty Mỹ không thể tiếp cận các hợp đồng khai thác dưới biển sâu của ISA.

>>"Đòn bẩy" phục hồi kinh tế Trung Quốc

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Mỹ đã thông qua luật riêng về khai thác đáy biển - cho phép Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cấp giấy phép thăm dò cho các hoạt động DSM quốc tế.

Thế nhưng với các nhà phân tích, bằng cách tạo ra các quy định song song thay vì phê chuẩn UNCLOS, Mỹ đang làm suy yếu các động cơ tuân thủ luật pháp quốc tế và đặt ra một tiền lệ nguy hiểm cho phép các cường quốc khác như Trung Quốc tự đặt ra luật lệ của riêng mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Không dễ

    Không dễ "tan băng" trong quan hệ Mỹ - Trung

    04:00, 05/07/2023

  • "Hé lộ" một thành phố Trung Quốc giải cứu thành công bất động sản

    04:00, 07/07/2023

  • Lộ diện gã khổng lồ

    Lộ diện gã khổng lồ "kín tiếng" trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu

    04:00, 12/07/2023

TRƯỜNG ĐẶNG