Thảm họa thiên nhiên sẽ giúp "hàn gắn" quan hệ Mỹ - Trung?

TRƯỜNG ĐẶNG 18/07/2023 04:00

Hậu quả từ thiên tai đang ngày càng thảm khốc ở mức độ toàn cầu, đặt ra yêu cầu về sự hợp tác không thể thiếu của Mỹ và Trung Quốc. Nhưng liệu triển vọng đó có khả thi?

Thiên tai đang hoành hành khắp mọi nơi trên thế giới dưới tác động của biến đổi khí hậu

Thiên tai đang hoành hành khắp mọi nơi trên thế giới dưới tác động của biến đổi khí hậu

Các thảm họa thiên nhiên ngày càng thảm khốc

Không còn là những cảnh báo, tác động chết người của biến đổi khí hậu đang ngày một thể hiện rõ nét trong những năm gần đây. Riêng trong tháng 7 này, một loạt các quốc gia trên thế giới đã phải chứng kiến những cuộc khủng hoảng môi trường với hậu quả tàn khốc.

>>Mỹ hay Trung Quốc sẽ thắng trong “cuộc đua” ở Nam Thái Bình Dương?

Hôm 14/7, hơn 4.000 ngôi nhà ở Hàn Quốc bị mất điện do mưa lớn gây sạt lở đất nghiêm trọng. Cảnh báo mức độ cao tiếp tục được đưa ra khi Bán đảo Triều Tiên đang đối mặt với đỉnh điểm của gió mùa, với lượng mưa có thể lên tới 100 mm.

Tại Ấn Độ, ít nhất 100 người đã chết trong hai tuần qua do mưa bão. Có tới 30.000 người đã được sơ tán, và hơn 60.000 khách du lịch đã được giải cứu trong tuần này sau khi bị mắc kẹt ở Himachal Pradesh.

Trong khi đó, Châu Âu được dự báo sẽ ghi nhận nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử vào tuần tới. Italy đã đưa ra báo động đỏ đối với hơn 10 thành phố lớn, trong khi Hy Lạp đã cho phép ngưng làm việc từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều tại các khu vực có nguy cơ cao.

Nhiệt độ cao kỉ lục ở nhiều nơi do tác động của El Nino

Nhiệt độ cao kỉ lục ở nhiều nơi do tác động của El Nino

Tại Mỹ, từ đầu tháng 7 đến nay, nước này cũng liên tục ghi nhận nhiệt độ ở mức cao kỷ lục. Điển hình, nhiệt độ ở bang California có nơi đã đạt đỉnh đến 54 độ C trong ngày 16/7. Hay bang Arizona (Mỹ) đã trải qua cái nóng hơn 42 độ C trong 16 ngày liên tiếp.

Các chuyên gia môi trường lo ngại số người chết vì nắng nóng năm nay có thể vượt qua năm ngoái – với hơn 61.600 người chết ở châu Âu do nhiệt độ quá cao.

Lũ quét cũng đã tàn phá nhiều vùng của Trung Quốc trong vài tuần qua. Thành phố Trùng Khánh hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề do các cơn mưa lớn và lở đất, khiến 15 người thiệt mạng trong vùng. Hơn 2.600 cư dân đã được sơ tán vào 14/7 sau khi mưa lớn làm ngập đường phố và nhà cửa.

Kỳ vọng vào hợp tác Mỹ - Trung về biến đổi khí hậu

Những thảm họa thiên nhiên liên tiếp dường như nêu bật lên vai trò quan trọng cua các cường quốc trong chống biển đối khí hậu. Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc đang có tín hiệu xích lại gần nhau trong vấn đề này, bỏ lại phía sau các căng thẳng về địa chính trị và tranh cãi gián điệp dai dẳng.

Ông John Kerry, đặc phái viên của Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu, đã đến Bắc Kinh để hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa từ 17 – 19/7 để tìm hướng hợp tác trong các vấn đề bao gồm giảm phát thải khí mê-tan, hạn chế sử dụng than, hạn chế nạn phá rừng và giúp các nước nghèo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Tín hiệu này được kỳ vọng có thể giúp hai quốc gia có phát thải lớn nhất thế giới gạt bỏ những bất đồng và bắt tay tìm cách giảm thiểu tình trạng nóng lên toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu.

Chuyến thăm Trung Quốc từ 17 - 19/7 của ông John Kerry nhận được nhiều kỳ vọng của các nhà môi trường

Chuyến thăm Trung Quốc của ông John Kerry nhận được nhiều kỳ vọng từ các nhà môi trường

Với tư cách là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc có lịch sử làm nền móng cho các sáng kiến về khí hậu toàn cầu. Điển hình nhất là hiệp định khí hậu Paris năm 2015, khi các chính phủ đồng ý hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thời đại công nghiệp ở mức 1,5 độ C.

Với lịch trình tuần này, hai bên kỳ vọng có thể thúc đẩy thành công Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28) dự kiến diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tháng 11/2023.

Chuyên gia Li Shuo của tổ chức Greenpeace ở Bắc Kinh cho biết các cuộc đàm phán theo lịch trình cho thấy biến đổi khí hậu vẫn là nền tảng cho mối quan hệ song phương quan trọng nhất của thế giới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không mấy lạc quan về các thành tựu cụ thể, khi mà quan hệ ngoại giao giữa 2 nước liên tục bị phủ bóng bởi các vấn đề địa chính trị.

Ông Sandalow, Giám đốc chương trình Mỹ-Trung tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu, cho biết: “Tôi không tìm kiếm những đột phá trong các cuộc gặp này nhưng hy vọng của tôi là hai nước này sẽ khôi phục lại sự liên kết và ngoại giao bình thường.

Trên thực tế, bên cạnh các vấn đề toàn cầu, hai bên còn nhiều vấn đề khó giải quyết nếu không có sự nhân nhượng lẫn nhau, bao gồm thuế quan dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với tấm pin mặt trời của Trung Quốc, hay luật ngăn chặn nhập khẩu hàng hóa từ khu vực Tân Cương do liên quan đến lao động cưỡng bức.

>>Nóng cuộc săn "kho báu" ngành công nghệ dưới đáy biển

Ông Kerry đã khẳng định lập trường cứng rắn của mình tại phiên điều trần của tiểu ban đối ngoại Hạ viện hôm thứ Năm tuần trước, ngay trước chuyến thăm Trung Quốc. Ông nói rằng mục tiêu là “thiết lập một số ổn định trong mối quan hệ mà không nhượng bộ bất cứ điều gì”. Trong khi đó, Trung Quốc không có nhiều lý do để nhân nhượng thái độ cứng rắn nếu có của Mỹ.

Thế nhưng, trước hậu quả ngày càng khốc liệt của thiên tai, giới chuyên gia tin rằng hai bên sẽ tạm gác những bất đồng để cùng đi đến những thỏa thuận có lợi vì mục tiêu chung. Dù sao, biến đổi khí hậu vẫn là một trong những không gian hợp tác ít ỏi giữa hai cường quốc, và cả hai bên đều có động lực để duy trì và mở rộng nó.  

Có thể bạn quan tâm

  • Nóng cuộc săn

    Nóng cuộc săn "kho báu" ngành công nghệ dưới đáy biển

    04:00, 14/07/2023

  • Không dễ

    Không dễ "tan băng" trong quan hệ Mỹ - Trung

    04:00, 05/07/2023

  • Trung Quốc tung đòn đáp trả Mỹ và phương Tây

    Trung Quốc tung đòn đáp trả Mỹ và phương Tây

    03:30, 05/07/2023

  • Vì sao Wagner nổi loạn không có lợi cho Mỹ?

    Vì sao Wagner nổi loạn không có lợi cho Mỹ?

    04:00, 02/07/2023

TRƯỜNG ĐẶNG