ASEAN - "điểm sáng" hiếm hoi của thế giới năm 2023

TRƯỜNG ĐẶNG 08/08/2023 04:00

Trong bức tranh chung toàn cầu bị bao phủ bởi "bóng đen" chiến tranh, suy thoái kinh tế và thiên tai, ASEAN vẫn duy trì được “điểm sáng” của mình trên thế giới.

Khối 10 quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng nâng cao vị thế trên trường thế giới

Khối 10 quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng nâng cao vị thế trên trường thế giới

Từ một khu vực bị coi là vùng trũng của thế giới, vị thế của khối 10 nước Đông Nam Á đã gia tăng đáng kinh ngạc trong những năm qua, trở thành một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới. Với tổng GDP là 3,35 nghìn tỷ USD và kim ngạch thương mại bên ngoài đạt 645,2 tỷ USD, ASEAN thậm chí còn là nền kinh tế lớn thứ năm toàn cầu.

>>Kinh tế khó khăn, sàn thương mại điện tử Mỹ đang thoái trào?

Theo các tổ chức quốc tế, mức tăng trưởng GDP của khu vực ASEAN trong năm 2023 được dự báo xấp xỉ 5%. Trong bức tranh chung của nền kinh tế toàn cầu, đây là con số đầy hứa hẹn, thuộc mức tăng tương đối cao, khi mà một số cường quốc hàng đầu còn đang đứng trước nguy cơ suy thoái.

Không chỉ vậy, ASEAN ngày càng đóng vai trò chiến lược trong thương mại toàn cầu. Đó là tuyến Biển Đông và Eo biển Malacca – những huyết mạch của ngành vận tải hàng hải toàn cầu. Mỗi năm, lưu lượng hàng hóa đi qua Mallacca lên tới 90.000 tàu, chiếm khoảng 40% lượng hàng hóa trên biển của thế giới.

Theo các chuyên gia, triển vọng tươi sáng của khối các quốc gia Đông Nam Á đến từ cách tiếp cận phù hợp trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế cho tới chính trị và ngoại giao.

Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN gặp mặt vào ngày 10/11/2022

Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN gặp mặt vào ngày 10/11/2022

Về kinh tế, ASEAN vẫn duy trì một nền kinh tế mở cửa, thể hiện qua các cam kết hội nhập kinh tế khu vực và thế giới mạnh mẽ. Trong xu hướng bảo hộ toàn cầu gia tăng để ứng phó với khủng hoảng, đó là một hướng đi khác biệt khai thác tốt những lợi thế của kinh tế khu vực, theo các chuyên gia. 

Việt Nam có thể coi như một điểm sáng. Dữ liệu kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 chỉ ra, Việt Nam đã xuất siêu được 12,25 tỷ USD, một con số đáng khích lệ giữa nhu cầu hàng hóa thế giới sụt giảm mạnh do tác động của lạm phát và chiến sự Nga – Ukraine. 

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng linh hoạt ứng phó với xu hướng thắt chặt tiền tệ toàn cầu bằng các chính sách tiền tệ linh hoạt. Thay vì đi theo xu thế của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), NHNN Việt Nam lại thực hiện 4 lần giảm lãi suất liên tiếp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Xu hướng trái chiều này đã giúp nguồn vốn trong nước được khơi thông, giúp cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực để duy trì và mở rộng sản xuất.

Cùng với Việt Nam, các nước trong khu vực như Phillipines, Indonesia, hay Malaysia cũng duy trì triển vọng kinh tế tích cực trong năm đầy khó khăn này. Thang 6/2023, World Bank dự báo Philippines sẽ đạt tăng trưởng GDP ở mức 6%; Indonesia và Malaysia ở mức lần lượt 4,9% và 4,3%. Tất cả đều cao hơn mặt bằng chung của thế giới.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào ngày 8/8/1967 tại Bangkok, Thái Lan. Ngày 8/8/2023 là ngày kỷ niệm 56 năm thành lập của khối ASEAN. Sau 56 năm tồn tại và phát triển, ASEAN đã phát triển thành một cộng đồng bao gồm 10 quốc gia thành viên với sự duy trì ổn định an ninh chính trị là nền tảng thúc đẩy thịnh vượng kinh tế và tiến bộ xã hội trong khu vực. 

“Thị trường việc làm của ASEAN vẫn khả quan, qua đó hỗ trợ tiêu dùng nội địa của khối vẫn duy trì đà tăng. Chưa kể du lịch hồi phục cũng sẽ giúp ASEAN thu về dòng ngoại tệ ổn định", ông Edward Lee, chuyên gia kinh tế trưởng tại ASEAN và Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered, nhận định.

Một thành công khác của ASEAN đến từ chính sách chính trị ngoại giao phù hợp. Vốn là tập hợp của các nước đang phát triển, nằm trong một khu vực địa chính trị nhạy cảm và quan trọng, ASEAN lâu nay đã duy trì một đường lối trung lập tương đối, giúp họ tránh được nguy cơ nảy sinh từ các cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.

Liệu ASEAN có thể đóng một vai trò trong cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung Quốc?

Mỹ- Trung cạnh tranh địa chiến lược đặt ra nhiều thách thức đối với ASEAN

Với chủ trương thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực, ASEAN vẫn duy trì cam kết hợp tác chặt chẽ với cả Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy, các nước vẫn sẵn sàng lên tiếng, bày tỏ quan điểm rõ ràng trong các vấn đề liên quan tới hòa bình, chủ quyền, ổn định và phát triển ở khu vực dựa trên các nguyên tắc và thông lệ quốc tế.

TS. Ilango Karuppannan, chuyên gia quan hệ đối ngoại, cựu đại sứ người Malaysia, cho rằng ASEAN với tư cách là một tổ chức khu vực có “vai trò độc nhất” để giúp Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau. Nếu làm được, điều đó sẽ là cột mốc khẳng định vị thế mới của khối, tương tự như Canada với Hiệp ước Ottawa về cấm mìn, hay Nhật Bản với Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu.

>>Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc

Tất nhiên, để làm được điều đó không phải dễ dàng. ASEAN cần vượt qua nhiều rào cản về tính thống nhất và hành động một cách gắn kết. Nhưng với vị thế đang lên của mình, ASEAN có quyền kỳ vọng sớm đứng trong hàng ngũ những thể chế có tiếng nói quan trọng nhất trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế khó khăn, sàn thương mại điện tử Mỹ đang thoái trào?

    Kinh tế khó khăn, sàn thương mại điện tử Mỹ đang thoái trào?

    04:30, 06/08/2023

  • Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc

    Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc

    04:34, 01/08/2023

  • Giá dầu có thể

    Giá dầu có thể "lao dốc" mạnh sau các tín hiệu kinh tế tiêu cực

    04:00, 30/07/2023

  • "Báo động đỏ" cho nền kinh tế Nga

    03:30, 01/08/2023

TRƯỜNG ĐẶNG