Đồng Rúp kỹ thuật số sẽ giúp Nga "né" lệnh trừng phạt?
Đồng Rúp kỹ thuật số của Nga nhận nhiều ý kiến trái chiều về việc nó có thể giúp nước này tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây trong tương lai gần hay không.
Cuối tháng 7 vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật phát hành đồng rúp kỹ thuật số và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8. Đồng tiền số mới sẽ được dùng để chuyển khoản, thanh toán và lưu trữ trong ví kỹ thuật số trên nền tảng do ngân hàng trung ương Nga điều hành. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa cho phép mở khoản tiền gửi, vay tiền hoặc nhận lãi từ tiền kỹ thuật số.
>>“Chảo lửa” Biển Đen sẽ thổi bùng giá dầu thế giới?
Với hệ thống thanh toán nội địa mới, các chuyên gia tài chính và ngân hàng Nga đã ca ngợi đồng Rúp kỹ thuật số sẽ là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong việc giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây do chiến sự Nga - Ukraine.
Kỳ vọng lớn của Nga vào đồng tiền điện tử
Đồng Rúp kỹ thuật số, nếu được sử dụng cho các giao dịch quốc tế, sẽ cho phép thanh toán mà không cần sự tham gia của các ngân hàng thương mại nước ngoài hoặc cơ sở hạ tầng tài chính phương Tây, như hệ thống SWIFT. Theo đó trên lý thuyết, Mỹ và phương Tây sẽ không thể nào theo dõi được các giao dịch giữa Nga và các quốc gia thân thiện thông qua đồng tiền số này.
Việc đồng Rúp số không dựa vào một giao thức duy nhất sẽ khiến Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), vốn dựa trên các quy định Basel, sẽ không thể theo dõi được, theo Vladislav Ginko, giảng viên tại Học viện Tổng thống Nga về Kinh tế Quốc gia và Hành chính Công (RANEPA). Theo đó, nó có thể giúp Nga "lách" các trừng phạt tài chính của phương Tây một cách hiệu quả”.
Ông Nikolay Zhuravlev, Tổng giám đốc TFA.RF, một công ty tư vấn về tài sản tài chính kỹ thuật số, cho biết: “Có nhiều công ty trên thế giới quan tâm đến việc kinh doanh với Nga, nhưng khả năng của họ bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga. Nhờ có đồng Rúp kỹ thuật số, tất cả các công ty sẵn sàng giao dịch với Nga sẽ có thể thực hiện điều đó trực tiếp”.
Chính phủ Nga đã nhanh chóng gửi thông điệp hợp tác tới các nước này. Mới đây, Moscow đã công nhận các loại tiền kỹ thuật số do các quốc gia khác, như Nhân dân Tệ số của Trung Quốc, là hợp pháp theo Luật liên bang về quy định và kiểm soát tiền tệ có hiệu lực vào ngày 1/8/2023.
Có đơn giản như vậy?
Thế nhưng, có những ý kiến khác ít lạc quan hơn về triển vọng này. Các nhà phân tích cho rằng trên thực tế, hệ thống này khó có thể diễn ra theo cách đó.
Trong giai đoạn đầu tiên, đồng Rúp kỹ thuật số sẽ là một hệ thống thanh toán thuần túy trong nước. Ngân hàng Trung ương Nga đã đề cập đến khả năng sử dụng nó cho các khoản thanh toán xuyên biên giới trong tương lai, nhưng không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào trong việc phát triển cấu trúc tài chính cần thiết.
Điều đó bao gồm các thỏa thuận song phương chi tiết và chia sẻ công nghệ với các ngân hàng trung ương khác; hoặc một số loại hệ thống thanh toán bù trừ thống nhất cho tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC). Cả hai yếu tố này được cho là sẽ mất nhiều năm để thiết lập, theo nhận định của các chuyên gia.
“Những lo lắng về việc sử dụng CBDC để lách lệnh trừng phạt hiện đang bị phóng đại… Nó đòi hỏi khả năng tương thích kỹ thuật với các CBDC khác”, bà Maria Shagina, nhà nghiên cứu cấp cao về các biện pháp trừng phạt kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết.
Nga hiện tại vẫn chưa có cơ sở hạ tầng xuyên biên giới giữa các ngân hàng trung ương với nhau. Nếu có những nền tảng này, thì khả năng Nga phá vỡ được “gọng kìm” của Hoa Kỳ sẽ khả thi hơn, bà Maria cho biết.
Dù vậy, theo các nhà phân tích, ngay cả khi cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng, vẫn còn 2 rào cản lớn đối với việc sử dụng rộng rãi: uy tín của đồng Rúp Nga với tư cách là một loại tiền tệ và các lo ngại về lệnh trừng phạt ở các quốc gia khác đối với việc giao dịch với Nga.
“Vấn đề là không ai muốn đồng Rúp”, ông David Gerard, một nhà nghiên cứu và tác giả về blockchain cho biết và nhấn mạnh nếu có nước muốn né tránh các lệnh trừng phạt, họ đã có thể làm điều đó bằng đồng rúp. Đồng rúp kỹ thuật số không thêm bất cứ thứ gì.
Việc Nga có thể sử dụng đồng rúp kỹ thuật số để thanh toán quốc tế hay không sẽ phụ thuộc vào việc các quốc gia có sẵn sàng chấp nhận loại tiền này mà không cần chuyển đổi thành USD trước hay không. Nga đã dành nhiều năm cố gắng thuyết phục các đối tác thương mại của mình ở châu Á chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp. Nhưng tới nay, chưa có quốc gia nào sẵn sàng làm điều đó.
Bà Shagina cho biết việc chuyển sang một loại tiền tệ ngoài phương Tây tiềm ẩn những rủi ro, bao gồm trở thành đối tượng trừng phạt thứ cấp hoặc các nguy cơ an ninh mạng từ nền tảng chuỗi khối chưa được kiểm chứng của Nga.
>>Toan tính của Saudi Arabia khi thúc đẩy hòa đàm Nga - Ukraine
Hơn nữa, việc sử dụng đồng Rúp kỹ thuật số cho thương mại quốc tế chưa chắc đã giải quyết được vấn đề cho các công ty bên ngoài Nga bị nhắm mục tiêu trừng phạt.
“Không thể loại trừ các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với ngân hàng trung ương của các quốc gia thân thiện với Nga nếu họ thực hiện các khoản thanh toán bằng đồng Rúp kỹ thuật số. Mỹ và phương Tây có thể hiểu nó là sự hỗ trợ Nga lách lệnh trừng phạt”, Viện Stolypin, một trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Moscow, viết trong một báo cáo gần đây.
Có thể bạn quan tâm