Ai giúp Nhật Bản thoát phụ thuộc đất hiếm Trung Quốc?

TRƯỜNG ĐẶNG 17/08/2023 03:00

Sau nhiều năm kiên nhẫn đầu tư, một doanh nghiệp từ Australia đã trở thành “chìa khóa” giúp Nhật Bản dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng đất hiếm Trung Quốc.

Trung Quốc từng vũ khí hóa nguồn cung đất hiếm đối với Nhật Bản

Trung Quốc từng vũ khí hóa nguồn cung đất hiếm đối với Nhật Bản

Mãi đến khi căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và các nước gia tăng, người ta mới nhận thấy Bắc Kinh nắm tới 97% oxit đất hiếm và gần như độc quyền kiểm soát phần còn lại của chuỗi cung ứng thiết yếu cho ngành công nghệ. 

>>Ấn Độ tung loạt “vũ khí” để thoát phụ thuộc Trung Quốc

Người Nhật hiểu rõ hơn ai hết. Năm 2010, sau một tranh cãi trên biển, Trung Quốc đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, khiến ngành công nghiệp ô tô và điện tử của nước này tê liệt. Thế nhưng, giờ đây, Nhật Bản và phương Tây đã có thể phần nào "nhẹ nhõm" với một giải pháp đến từ tập đoàn Lynas Rare Earths (Australia).

Theo các chuyên gia, công ty đến từ Australia là cái tên duy nhất ngoài Trung Quốc có khả năng đáp ứng nhu cầu đất hiếm của ngành công nghiệp Nhật Bản. Với một mỏ đất hiếm ở Australia và nhà máy tinh chế ở Malaysia, Lynas đã sản xuất tới 12% oxit đất hiếm toàn cầu (trong khi Trung Quốc sản xuất 87%). Lynas cũng cung cấp khoảng 90% nguồn cung neodymium và praseodymium của Nhật Bản – những thành phần chính để sản xuất nam châm cho ô tô điện và tua-bin gió.

Các công ty nhà nước khổng lồ của Trung Quốc, như China Northern Rare Earth và China Rare Earth Group, thống trị thị trường đất hiếm nhờ khả năng vận hành các chuỗi cung ứng tích hợp chặt chẽ và hiệu quả. Để cạnh tranh với Trung Quốc, Lynas và Nhật Bản đã hợp tác chặt chẽ với nhau để tạo ra một hệ thống gần như song song với chuỗi cung ứng tích hợp của Trung Quốc.

Nhật Bản kiên nhẫn hái quả ngọt

Vào năm 2010, Lynas đã phải vật lộn để duy trì hoạt động. Dù sở hữu mỏ đất hiếm Mount Weld tiềm năng nhất trên thế giới, hoạt động tại nhà máy ở Malaysia đã bị đình trệ khi nguồn tài trợ cạn kiệt. Tại đây, người Nhật đã xuất hiện. Chỉ một tuần sau khi lệnh cấm vận đất hiếm của Trung Quốc với Nhật Bản kết thúc, tập đoàn Sojitz đã tìm đến và cung cấp cho Lynas các khoản vay và đầu tư, cùng cam kết sẽ mua phần lớn sản lượng đất hiếm trong tương lai.

Giám đốc Lynas, bà Amanda Lacaze, nói: “Người Nhật đã duy trì liên kết khá chặt chẽ với chúng tôi trong 5 năm đầu tiên. Đặc biệt là khi Trung Quốc đẩy giá xuống để cố gắng khiến chúng tôi ngừng kinh doanh”. Từ 2013 - 2016, giá neodymium giảm gần một nửa, từ 70 USD/kg xuống chỉ còn 40 USD/ka. Thế nhưng, các nhà đầu tư Nhật Bản có thời điểm đã cho công ty nợ thanh toán cả lãi và gốc.

Đầu năm 2023, Nhật Bản đầu tư thêm 200 triệu AUD cho Lynas nhằm đảm bảo tự chủ nguồn cung đất hiếm

Đầu năm 2023, Nhật Bản đầu tư thêm 200 triệu AUD cho Lynas nhằm đảm bảo tự chủ nguồn cung đất hiếm

Các công ty Nhật Bản sớm nhận thấy sự ưu ái của chính phủ và Lynas nhanh chóng trở thành nhà cung cấp hàng đầu về đất hiếm và các sản phẩm tinh chế cho ngành công nghiệp Nhật Bản. Vào năm 2020, nhờ duy trì quan hệ chặt chẽ với công ty, Nhật Bản vẫn có được thị phần nhỏ 7% (so với 92% của Trung Quốc) trong lĩnh vực nam châm đất hiếm toàn cầu. 

Dù vậy, duy trì được thành công này không phải là dễ dàng, khi Lynas hay các nhà máy tương tự phải đối mặt với những thách thức chính trị liên quan tới môi trường. Công ty hiện đang trong quá trình đàm phán với chính phủ Malaysia để không bị cắt giấy phép hoạt động do lo ngại về chất thải phóng xạ từ quá trình lọc dầu tạo ra.

Theo các kế hoạch hiện tại, Lynas sẽ phải ngừng quá trình "bẻ khóa và lọc" - giai đoạn xử lý ban đầu để loại bỏ chất phóng xạ - tại Malaysia trước ngày 01/01/2024. Để bảo đảm cho tương lai, công ty này đang gấp rút hoàn thành một nhà máy mới ở Kalgoorlie, Tây Úc, vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, nếu bị buộc phải đóng cửa một phần hoạt động ở Malaysia, thì đó sẽ là một đòn nặng nề cho cả nền kinh tế Nhật.

Hoa Kỳ đang “để mắt” tới Lynas

Không chỉ Nhật Bản, Lynas cũng đã lọt vào “mắt xanh” của Mỹ. Đầu tháng 8 vừa qua, Lầu Năm Góc đã công bố một khoản tài trợ trị giá 258 triệu USD để hỗ trợ công ty này thành lập một nhà máy lọc dầu ở Texas.

Lynas là công ty duy nhất ngoài Trung Quốc tự chủ được chuỗi cung ứng về đất hiếm

Lynas là công ty duy nhất trên thế giới ngoài Trung Quốc tự chủ được chuỗi cung ứng về đất hiếm

Bà Lacaze lạc quan về triển vọng làm ăn với Hoa Kỳ, với Đạo luật Giảm lạm phát và một dự luật được đề xuất nhằm trợ cấp rộng rãi cho sản xuất nam châm là những bước phát triển đầy hứa hẹn. Bên cạnh đó, thái độ “diều hâu” của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không thể sớm thay đổi, đồng nghĩa với việc các chính sách có lợi này sẽ được duy trì.

>>2 mối đe dọa lớn với ngành chip trăm tỷ đô của Mỹ

Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù tham vọng của Washington là to lớn, nhưng hành động là chưa đủ. Theo Daan de Jonge, một chuyên gia về đất hiếm tại Benchmark Mineral, kế hoạch của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy vào năm 2026 Mỹ có thể tự đáp ứng 51% nhu cầu trong nước đối với nam châm đất hiếm là điều viển vông.

Với các công ty như Lynas, việc Mỹ hay Nhật Bản có thể tự chủ một phần chuỗi cung ứng công nghệ thiết yếu đã là điều thành công, bởi sự thống trị của Trung Quốc trong ngành này không thể sớm bị phá bỏ. Điều quan trọng nhất là sự hỗ trợ một cách mạnh mẽ của chính phủ thay vì chỉ mang tính kêu gọi. Như chính lãnh đạo Lynas thừa nhận rằng nếu không có sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ, nước Mỹ sẽ không đứng đầu danh sách các địa điểm để Lynas thành lập nhà máy mới.

Có thể bạn quan tâm

  • Ấn Độ tung loạt “vũ khí” để thoát phụ thuộc Trung Quốc

    Ấn Độ tung loạt “vũ khí” để thoát phụ thuộc Trung Quốc

    04:00, 16/08/2023

  • “Mỏ vàng” của kinh tế toàn cầu đang thuộc về ai?

    “Mỏ vàng” của kinh tế toàn cầu đang thuộc về ai?

    04:00, 13/08/2023

  • Kinh tế khó khăn, sàn thương mại điện tử Mỹ đang thoái trào?

    Kinh tế khó khăn, sàn thương mại điện tử Mỹ đang thoái trào?

    04:30, 06/08/2023

  • Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc

    Kinh tế châu Âu chưa có dấu hiệu khởi sắc

    04:34, 01/08/2023

TRƯỜNG ĐẶNG