Tham vọng lớn còn dở dang của BRICS
BRICS góp phần mở ra tương lai thế giới đa cực, nhưng mục đích riêng của Trung Quốc và Nga là chống lại sự thống trị của Mỹ và phương Tây.
>>BRICS mở rộng, chia đôi thế giới
Hội nghị Thượng đỉnh khối các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) tại Nam Phi đã kết thúc - mở ra tia hy vọng về thế giới đa cực. Dẫu vậy, để đẩy lùi trật tư đơn cực còn nhiều nhiệm vụ hóc búa hơn những gì chúng ta nhìn thấy ở Johannesburg.
Tổng thống Nga không trực tiếp đến Nam Phi, nhiều nhà phân tích cho rằng, ông Putin chịu ràng buộc bởi lệnh bắt giữ hồi đầu năm nay của Tòa hình sự quốc tế. Trong khi đó ông Tập Cận Bình vắng mặt không rõ lý do trong ngày làm việc đầu tiên.
BRICS mở rộng thêm 6 thành viên gồm Saudi Arabia, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều là những quốc gia không có nhiều ảnh hưởng trên đấu trường quốc tế.
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 dự định thống nhất một đồng tiền chung, nhưng các thành viên chủ chốt chưa tìm được tiếng nói đồng thuận. Trên thực tế, với những người am hiểu cấu trúc quyền lực tài chính tiền tệ toàn cầu không lạc quan về điều này.
Thứ nhất, đồng tiền chung BRICS chưa có gì làm “bản vị”, tạo ra đồng tiền không khó nhưng rất khó làm cho nó trở nên phổ biến, lấy gì đảm bảo giá trị - liên quan đến câu hỏi in bao nhiêu tiền? Định giá và quy đổi như thế nào? Liệu có thể liên thông với hệ thống tài chính toàn cầu hay chỉ là quy ước riêng của các thành viên BRICS?
Thứ hai, đồng tiền chung BRICS liệu có thể lưu thông trên toàn cầu? Chắc chắn Mỹ và phương Tây không bao giờ muốn mất quyền lực đang có trong tay với USD và EUR, nên sẽ tìm cách cản trở điều này.
Nếu đồng tiền chung BRICS không thể giao dịch toàn cầu, những thành viên BRICS coi như bị ngắt ra khỏi dòng chảy thương mại chung. Họ không thể tiếp cận hàng hóa, công nghệ,…và vô số thứ mà bản thân các nước BRICS không thể sản xuất được.
Thứ ba, đa phần nợ trên thế giới được vay bằng đồng USD và trả bằng đồng tiền này, nợ là bản chất của nền kinh tế, hoạt động của các chính phủ, của các ngân hàng trong hệ thống toàn cầu. Trong khi USD do Cục dự trữ Liên bang Mỹ phát hành và điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Cuối cùng, nếu không giải quyết được các câu hỏi trên, thì đồng tiền BRICS khó có cơ hội ra đời; nếu có chăng cũng không thể phổ biến. Vì không một quốc gia nào dám mạo hiểm “nhốt” tài sản của mình vào đồng tiền nhiều rủi ro, chưa kể quốc gia đó có khả năng bị Mỹ và đồng minh tìm cách trả đũa.
>>BRICS tung đòn soán ngôi “vua tiền tệ” của USD
BRICS đang thúc đẩy tiến trình “phi đô la hóa” bằng cách dùng Nhân dân tệ, Ruble, Rupi,…trong giao dịch nội khối, đây chỉ là giải pháp “nóng tay bắt lỗ tai”. Bởi việc làm này không ảnh hưởng gì nhiều đến vị thế “đồng bạc xanh”.
Ấn Độ đang thay đổi chính sách ngoại giao, Thủ tướng Narendra Modi vừa có chuyến thăm đến Mỹ, hai bên cam kết hợp tác nhiều lĩnh vực. Rõ ràng New Delhi muốn đa phương hóa, không rời xa phương Tây.
Trong khi đó tương lai nước Nga đang bị đặt dấu hỏi - nếu nhìn từ chiến sự Nga - Ukraine. Quan điểm của Bắc Kinh trước sau gì cũng dựa vào luật pháp quốc tế để thể hiện tính chính danh của một cường quốc có trách nhiệm.
Mâu thuẫn lãnh thổ Ấn Độ - Trung Quốc không dễ hóa giải, hai “ông lớn” châu Á cũng xung đột kinh tế âm ỉ. BRICS cần thêm thời gian để có thể trở thành một khối hoàn chỉnh hơn.
Có thể bạn quan tâm
BRICS mở rộng hay "cuộc chơi" của Trung Quốc và những "người bạn"?
04:00, 26/08/2023
Khó khăn bủa vây, Trung Quốc có làm nên chuyện ở BRICS?
03:30, 23/08/2023
Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi có gì đáng chú ý?
03:30, 22/08/2023
BRICS - đối trọng thách thức lớn với Mỹ và phương Tây
03:00, 13/08/2023
BRICS mở rộng, chia đôi thế giới
04:30, 27/07/2023