Mỹ sẽ "nhảy dựng" vì mẫu điện thoại mới Mate 60 Pro của Huawei?

CẨM ANH 04/09/2023 04:00

Khi Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đang thăm Trung Quốc vào đầu tuần này, một mẫu điện thoại thông minh Mate 60 Pro của Huawei đã được tung ra thị trường một cách lặng lẽ.

>>Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ I): Đâu là nguồn cơn?

Mẫu điện thoại Mate 60 Pro của Huawei

Mẫu điện thoại Mate 60 Pro của Huawei

Việc Huawei ra mắt Huawei Mate 60 Pro đã làm dấy lên mối lo ngại ở Washington rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã không ngăn được Trung Quốc đạt được tiến bộ công nghệ quan trọng. Diễn biến này cũng phản ánh chính xác những cảnh báo từ các nhà sản xuất chip của Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không ngăn cản được Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy nước này tăng gấp đôi nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế cho công nghệ của Mỹ.

Điện thoại thông minh mới của Huawei Technologies Co., Mate 60 Pro, đại diện cho một dấu ấn mới về năng lực công nghệ của Trung Quốc, với một con chip tiên tiến bên trong được cho là được thiết kế và sản xuất tại Trung Quốc, bất chấp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khắt khe của Mỹ.

Thời điểm công bố mẫu điện thoại mới được diễn ra vào thứ Hai, trong khi bà Gina Raimondo đang ở Bắc Kinh, dường như là một hành động thách thức. Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố, điều này cho Mỹ thấy rằng việc thực hiện chiến tranh thương mại với Trung Quốc là một thất bại của Mỹ.

Ông Paul Triolo, người đứng đầu chính sách công nghệ tại công ty tư vấn kinh doanh Albright Stonebridge Group có trụ sở tại Washington, gọi chiếc điện thoại mới là “một đòn giáng mạnh vào tất cả các nhà cung cấp công nghệ trước đây của Huawei, chủ yếu là các công ty Mỹ”.

Mẫu chip mới mạnh đến mức nào vẫn là một câu hỏi mở. Điều bất thường là Huawei tiết lộ rất ít về các khía cạnh chính của điện thoại trong thông báo của mình, chẳng hạn như liệu nó có hỗ trợ 5G hay không, hoặc quy trình nào đã được sử dụng để sản xuất chip. Trong một tuyên bố công khai, Huawei chỉ đơn giản giới thiệu chiếc điện thoại này là bước đột phá trong lĩnh vực “truyền thông vệ tinh”.

Đài truyền hình chính thức của Trung Quốc, CGTN, trong một bài đăng trên nền tảng X (trước đây gọi là Twitter) đã gọi chiếc điện thoại này là “bộ xử lý cao cấp đầu tiên” của Huawei kể từ khi lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng và cho biết con chip được sử dụng được sản xuất bởi SMIC, tập đoàn sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc.

The Washington Post dẫn lời một nguồn tin nói thêm rằng Mate 60 Pro có chip 5G. Các bài kiểm tra tốc độ được đăng tải bởi những người mua điện thoại đầu tiên cho thấy hiệu suất của mẫu điện thoại này tương tự như các điện thoại 5G hàng đầu khác. Trước đó, vào tháng 7, Reuters đưa tin Huawei sắp quay trở lại thị trường điện thoại 5G.

>>Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ II): Lộ diện rổ hàng hóa thuộc diện ưu tiên

Nhiều nguồn tin cho rằng, tập đoàn sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC sản xuất chip dùng trong Mate 60 Pro

Nhiều nguồn tin cho rằng, tập đoàn sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC sản xuất chip dùng trong Mate 60 Pro

Nikkei Asia đưa tin, SMIC sử dụng tiến trình 7 nm thế hệ thứ hai để sản xuất chip cho Huawei. Đây là công nghệ tiên tiến nhất ở Trung Quốc và ngang bằng với quy trình được sử dụng cho các chip sử dụng bên trong điện thoại iPhone của Apple ra mắt vào năm 2018. Được biết, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan TSMC sử dụng quy trình 4 nanomet để sản xuất chip sử dụng trong iPhone.

Các chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá hoạt động sản xuất chip của Trung Quốc sẽ trở nên cạnh tranh như thế nào? Nhưng điều rõ ràng là Trung Quốc vẫn đang tham gia vào cuộc chơi này dù các lệnh cấm vận của Mỹ. Ông Chris Miller, Giáo sư tại Đại học Tufts và là tác giả cuốn sách “Cuộc chiến chip”, cho biết: “Điều này cho thấy các công ty Trung Quốc như Huawei vẫn còn nhiều khả năng đổi mới công nghệ. Tôi nghĩ việc ra mắt mẫu điện thoại mới của Huawei cũng có thể sẽ làm tăng thêm cuộc tranh luận ở Washington về việc liệu các biện pháp hạn chế có cần được thắt chặt hay không.”

Đồng quan điểm, ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung, một nhóm phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cho biết: “Chiếc điện thoại mới của Huawei đã làm dấy lên những cuộc thảo luận về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Sự phát triển này gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy những lời kêu gọi mạnh mẽ hơn về việc siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ của Mỹ đối với Trung Quốc".

Đánh giá về vấn đề này, ông Willy Shih, nhà kinh tế tại Trường Kinh doanh Harvard, cho biết bước đột phá của Huawei gợi nhớ đến những gì đã xảy ra với công nghệ Hệ thống Định vị Toàn cầu, hay còn được gọi là GPS. Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát triển công nghệ này và hạn chế xuất khẩu để tránh việc rơi vào tay các đối thủ. Nhưng những hạn chế xuất khẩu đã thúc đẩy Nga và các nước khác phát triển các hệ thống của riêng họ.

"Khi Mỹ sáng chế ra các công nghệ mới và tìm cách hạn chế việc xuất khẩu nó, thay vì thế giới sẽ đến Mỹ để mua, họ có thể có những lựa chọn thay thế khác nhau. Và có lẽ điều tương tự đang xảy ra với Huawei", ông lưu ý.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ III): Cuộc “so găng” trong ngành bán dẫn

    Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ III): Cuộc “so găng” trong ngành bán dẫn

    15:34, 03/09/2023

  • Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ II): Lộ diện rổ hàng hóa thuộc diện ưu tiên

    Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ II): Lộ diện rổ hàng hóa thuộc diện ưu tiên

    04:00, 02/09/2023

  • Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao?

    Quan hệ Mỹ - Trung sẽ ra sao?

    03:30, 02/09/2023

  • Mỹ chơi “bài độc” với Trung Quốc!

    Mỹ chơi “bài độc” với Trung Quốc!

    04:20, 01/09/2023

  • Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ I): Đâu là nguồn cơn?

    Mỹ và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng (Kỳ I): Đâu là nguồn cơn?

    04:00, 01/09/2023

CẨM ANH