Ông Tập vắng mặt ở Hội nghị G20, Mỹ "chớp" cơ hội lớn

TRƯỜNG ĐẶNG 09/09/2023 04:30

Tổng thống Joe Biden được cho sẽ tận dụng sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 để gia tăng vị thế của Mỹ, đồng thời hạ thấp ảnh hưởng của Trung Quốc.

Mỹ có củng cố được hình ảnh và vị thế tại G20 với sự vắng mặt của Trung Quốc?

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ cánh xuống Ấn Độ hôm thứ 7/9 vừa qua để tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20. Điều gây chú ý nhất trước thềm sự kiện là sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nếu như sự thiếu vắng lãnh đạo Nga được báo trước liên quan tới chiến sự Nga - Ukraine, thì việc ông Tập không tham dự Hội nghị G20 là một động thái bất ngờ với cả thế giới.

>>Xuất khẩu ô tô Trung Quốc "vụt sáng" giữa bức tranh kinh tế ảm đạm

Mặc dù tuyên bố “rất thất vọng” trước việc này, nhưng theo giới phân tích, Tổng thống Mỹ sẽ  coi đây là cơ hội để củng cố lại vị thế của Mỹ, cũng như nhắc nhở với thế giới rằng ai sẽ là đối tác tốt nhất để phát triển.

Cải tổ WB và IMF để cạnh tranh với Trung Quốc

Tại New Delhi, ông Biden đã giới thiệu các đề xuất cho G-20 của mình nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và củng cố vai trò của Mỹ ở Nam bán cầu. Một trong số đó sẽ là kế hoạch củng cố Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để hỗ trợ tốt hơn các quốc gia đang phát triển trong việc trả nợ.

“Xét cả quy mô tài trợ thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, chúng ta cần đảm bảo rằng có các giải pháp tiêu chuẩn cao, đòn bẩy cao cho những thách thức mà các quốc gia đang phải đối mặt”, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhận định trước chuyến thăm của lãnh đạo Mỹ.

Từ lâu, chính quyền Biden đã lên kế hoạch cải cách 2 thể chế tài chính lớn nhất toàn cầu sau khi chứng kiến nhiều nước coi các giải pháp vốn từ Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một lựa chọn phát triển nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Trước đó, Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ cấp khoảng 3 tỷ USD để tài trợ cho các dự án của Ngân hàng Thế giới và IMF. Bên cạnh đó là cam kết của Washington sẽ huy động 600 tỷ USD vào năm 2027 để tài trợ cho các nước có thu nhập trung bình và nghèo.

Trung Quốc đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước

Trung Quốc đang trong giai đoạn gặp nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước

Cùng với đó, ông Biden được kỳ vọng sẽ tận dụng sự vắng mặt của ông Tập tại G-20 để nói về những khiếm khuyết của nền kinh tế số 2 thế giới. Bắc Kinh đang thực sự gặp khó khi vực dậy nền kinh tế và giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản của chính mình. 

Bà Colleen Cottle, Phó giám đốc Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng: “Sự vắng mặt của ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh G20 thực sự là một cơ hội lớn bị bỏ lỡ đối với người Trung Quốc… Và tôi nghĩ nó mang lại cho chính quyền Biden nhiều cơ hội hơn để đẩy mạnh và thể hiện các đề xuất giá trị với Nam Bán cầu”.

Theo các nhà phân tích, nếu ông Tập cho rằng bỏ qua G-20 sẽ nâng cao vị thế của BRICS, thì đó có thể là một sai lầm. Chỉ tính riêng kinh tế, khối G-20 chiếm đến 85% GDP toàn cầu, trong khi các nền kinh tế sáng lập BRICS mới chỉ chiếm 36%.

>>"Hé lộ" lý do ông Tập Cận Bình không đến Ấn Độ dự Thượng đỉnh G20

Lôi kéo các quốc gia trung lập

Một số nguồn tin cho hãng tin AP biết, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ công bố một chương trình hợp tác tham vọng về cơ sở hạ tầng chung với Ấn Độ, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đáng nói, đây đều là các quốc gia đang và sắp làm thành viên của khối BRICS do Trung Quốc dẫn đầu.

Nếu đạt được sự đồng thuận, thỏa thuận sẽ bao gồm việc vận chuyển tàu kết nối giữa Ấn Độ, Saudi Arabia, UAE và xa hơn là Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan không xác nhận thông tin này, nhưng tin rằng “sự kết nối từ Ấn Độ qua Trung Đông đến châu Âu là vô cùng quan trọng và sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cũng như lợi ích chiến lược cho tất cả các quốc gia liên quan”.

Một phân tích gần đây của Associated Press cho thấy có hàng chục quốc gia đang mắc các khoản nợ dai dẳng với Trung Quốc. Thậm chí, một số quốc gia có tới 50% khoản vay nước ngoài đến từ Trung Quốc và hầu hết đều dành hơn 1/3 nguồn thu ngân sách để trả nợ.

Dự án giao thông tham vọng giữa Ấn Độ và Trung Đông là nơi Mỹ muốn tham gia

Dự án giao thông tham vọng giữa Ấn Độ và Trung Đông là nơi Mỹ muốn tham gia

Do đó, các sáng kiến tài chính mới được cho có tiêu chuẩn cao hơn và dễ tiếp cận hơn có thể khiến các quốc gia đang phát triển quan tâm.

Ông Jake Sullivan nói: “Chúng tôi tin rằng cần có các lựa chọn cho vay tiêu chuẩn cao, không mang tính ép buộc dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình”.

Khó khăn kinh tế gần đây cũng đang thu hẹp lại mức độ hào phóng của Bắc Kinh cho các nước đang phát triển. Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã phải rà soát lại các tiêu chuẩn cho vay và thắt chặt đầu tư hướng vào ít lĩnh vực hơn.

Nền kinh tế Trung Quốc đang bị đè nặng bởi bong bóng bất động sản, nợ chính quyền địa phương, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao... Thêm vào đó là thách thức dài hạn khi dân số Trung Quốc bắt đầu giảm do già hóa và tỷ lệ sinh thấp.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu ô tô Trung Quốc

    Xuất khẩu ô tô Trung Quốc "vụt sáng" giữa bức tranh kinh tế ảm đạm

    04:00, 08/09/2023

  • Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XVIII): Trung Quốc sẽ đi vào

    Trở lực kinh tế Trung Quốc (Kỳ XVIII): Trung Quốc sẽ đi vào "vết xe đổ" của Nhật Bản?

    04:00, 05/09/2023

  • Thượng đỉnh G20 sẽ ra sao khi vắng người đứng đầu Nga, Trung Quốc?

    Thượng đỉnh G20 sẽ ra sao khi vắng người đứng đầu Nga, Trung Quốc?

    04:30, 08/09/2023

  • Trung Quốc

    Trung Quốc "đủ sức" tạo đối trọng với Mỹ?

    03:30, 08/09/2023

TRƯỜNG ĐẶNG