Kỳ vọng lớn từ các trụ cột mới trong quan hệ Việt - Mỹ
Bắt đầu cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, Việt Nam đã đạt được bước tiến lớn trong việc nâng cấp quan hệ với Mỹ - nền kinh tế, kỹ thuật, công nghệ hàng đầu thế giới.
>> Ba trụ cột mới trong quan hệ Việt - Mỹ
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam được đánh giá có nhiều điều “đặc biệt”. Bên cạnh nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, còn mạng lại cho chúng ta nhiều cơ hội - khi toàn cầu bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra và hoàn thành sứ mệnh, không gian ảnh hưởng của nó chủ yếu ở châu Âu và Mỹ. Tại châu Á chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nắm bắt được một số cơ hội để thay đổi nền kinh tế.
Việt Nam rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, vướng nhiều cuộc chiến tranh mãi đến thập niên 80. Đến giữa thập niên 90, Việt Nam chính thức hòa nhập guồng quay thế giới, đánh dấu bởi cột mốc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.
Đó là lý do khách quan khiến nền khoa học công nghệ Việt Nam chậm phát triển, xuất phát điểm thấp, thiếu “lực lượng sản xuất hiện đại”. Điều này đã ngăn cản chúng ta tạo ra thành tựu nổi bật như “thần kỳ Nhật Bản” hay “kỳ tích sông Hàn”.
Nhưng hiện nay, vận hội đã đến, mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ - nền kinh tế, khoa học, kỹ thuật đứng đầu thế giới với những cam kết đáng tin cậy trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện sẽ đưa Việt Nam vào quỹ đạo cuộc cách mạng 4.0. Cụ thể là gì?
Cuộc cách mạng lần này hướng tới nền kinh tế số, dựa trên “tài nguyên” dữ liệu lớn, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), xoay quanh trục chính là công nghệ bán dẫn, năng lượng tái tạo. Đương nhiên, nó được biểu hiện bằng các khu công nghệ cao, “thung lũng silicon”, trung tâm sản xuất thiết yếu có ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi giá trị toàn cầu.
Nói một cách trực diện hơn, các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đặt trọng tâm vào Việt Nam. Họ mang đến công nghệ tối tân để người Việt làm quen, học hỏi và sáng tạo đặc trưng cho riêng mình, như cách mà các cường quốc châu Á từng tiếp thu kỹ nghệ điện tử, luyện kim màu, chế tạo máy từ Âu, Mỹ.
>>Rộng mở cơ hội thúc đẩy giao thương Việt - Mỹ
Vậy, Việt Nam sẽ kỳ vọng gì? Mỹ sở hữu các công ty bán dẫn top đầu thế giới với tổng vốn hóa 2.500 tỷ USD, trong đó phải kể đến như Nvidia, Broadcom, AMD, Intel, Micron,… và đặc biệt là những bí quyết công nghệ mà chỉ một vài công ty trên thế giới có thể thực hiện trong quá trình tạo ra chip.
Trong các công đoạn liên quan đến chế tạo sản xuất chip, hiện nay Việt Nam đóng vai trò khiêm tốn ở khâu gần cuối đóng gói và kiểm định. Một khi các công ty trên tăng cường rót vốn vào Việt Nam, vị thế của chúng ta sẽ tăng đáng kể. Đây là điều rất khả dĩ vì Việt Nam sở hữu tài nguyên đất hiếm thứ 2 thế giới.
ChatGPT ra mắt khuấy đảo thế giới công nghệ, là một dạng AI dự báo được ứng dụng phổ biến trong tương lai gần. Nền tảng này thuộc OpenAI, một trong hàng nghìn công ty công nghệ thế hệ mới của Mỹ.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Việt - Mỹ về đầu tư đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, một trong những trọng tâm của chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden là “thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Việt Nam tập trung vào công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Cùng quan điểm, Tổng thống Joe Biden cho rằng: “đổi mới sáng tạo là chìa khóa để mở cửa tương lai của chúng ta”.
Có thể bạn quan tâm