ASEAN "bắt tay" Nhật Bản thúc đẩy kinh tế số

CẨM ANH 13/09/2023 03:30

ASEAN và Nhật Bản có thể giúp làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược tình trạng phân mảnh kỹ thuật số hiện đang lan rộng trên toàn cầu.

>>Doanh nghiệp quốc tế ngày càng vững tin vào ASEAN

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản trực tuyến năm 2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN trong lĩnh vực chuyển đổi số có thể là nền tảng để thiết lập các quy tắc đa phương về quản trị kỹ thuật số trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc công nghệ, chủ nghĩa bảo hộ và sự phân mảnh công nghệ đang gia tăng.

Đầu tháng này, Indonesia, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm nay, đã tuyên bố mở các cuộc đàm phán về Hiệp định khung kinh tế kỹ thuật số theo kế hoạch của khối. Hiệp định này sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý cũng như bao gồm một bộ khung pháp lý toàn diện nhằm mở rộng năng lực của từng quốc gia và định hình ASEAN thành một cộng đồng kinh tế kỹ thuật số duy nhất vào năm 2045.

Các quốc gia thành viên đặt mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán vào năm 2025. Thỏa thuận này dự kiến sẽ nâng giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN lên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn giữa các thành viên ASEAN về mức độ sẵn sàng hội nhập kỹ thuật số vẫn là trở ngại cho việc đạt được một Hiệp định kỹ thuật số trên toàn ASEAN. 

Bên cạnh đó, những thách thức mà các quốc gia thành viên ASEAN phải đối mặt không chỉ về kết nối kỹ thuật số mà còn là sự đồng thuận về những quy định và khả năng tương tác. Những lỗ hổng quy định vẫn tồn tại xung quanh các lĩnh vực như quyền riêng tư dữ liệu, nội địa hóa dữ liệu, an ninh mạng và chính sách cạnh tranh.

Trong khi đó, Nhật Bản đang dẫn đầu các cuộc đối thoại toàn cầu về kế hoạch Lưu thông dữ liệu tự do với sự tin cậy (DFFT). Với tư cách là Chủ tịch của Nhóm G7, Nhật Bản đã phát động Quy trình Hiroshima, nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận quốc tế về quản trị toàn diện đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Do đó, các chuyên gia nhận định, việc ASEAN thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số là kịp thời và cần thiết khi thế giới đang phải vật lộn với cả cơ hội và rủi ro do các công nghệ mới tạo ra.

Trong số các quốc gia ASEAN, Singapore có chung mối quan tâm với Nhật Bản trong khía cạnh quản trị và lãnh đạo AI. Vì mỗi bên đã áp dụng cách tiếp cận cân bằng và tiến bộ nên cả hai quốc gia có thể làm việc cùng nhau để đảm bảo sự thống nhất giữa Quy trình Hiroshima và các sáng kiến quản trị AI của ASEAN.

>>Nâng tầm quan hệ ASEAN-Canada

Các nước ASEAN

Các nước ASEAN đang thiết lập hệ thống thanh toán điện tử thông qua QR trên toàn khối

Do tình trạng thiếu nguồn nhân lực nghiêm trọng do cơ cấu dân số già, việc hợp tác với ASEAN cũng giúp Nhật Bản thu hút nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật số, đặc biệt khi người lao động trong khu vực này vẫn coi Nhật Bản là điểm đến hấp dẫn để làm việc.

Bà Maria Monica Wihardja, nghiên cứu viên tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nhận định, hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trong chuyển đổi số có thể vượt ra ngoài phạm vi dữ liệu, quản trị công nghệ mới nổi và nguồn nhân lực.

Nhiều thành viên ASEAN đang trong quá trình triển khai hệ thống căn cước quốc gia. Với tư cách là một khối, ASEAN mong muốn thúc đẩy khả năng tương tác của ID kỹ thuật số và hệ thống nhận dạng kỹ thuật số. "Các nước ASEAN có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Tokyo và chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ quốc gia này triển khai hệ thống ID thống nhất My Number hiện đang gặp khó khăn", bà Wihardja cho biết.

Hệ thống thanh toán điện tử xuyên biên giới có thể là một lĩnh vực hợp tác khác. Các ngân hàng trung ương ASEAN đã đạt được tiến bộ lớn trong việc liên kết các hệ thống thanh toán điện tử quốc gia như PayNow của Singapore và PromptPay của Thái Lan.

ASEAN hiện đang nỗ lực thiết lập một hệ thống thanh toán điện tử thông qua QR trên toàn khối. Liên kết thanh toán điện tử xuyên biên giới giữa Nhật Bản và ASEAN sẽ hỗ trợ thương mại điện tử cũng như các hoạt động dịch vụ như du lịch, làm việc tự do trực tuyến và chuyển tiền.

Nhật Bản đang dẫn đầu về một số lĩnh vực công nghệ cao bao gồm robot, AI, blockchain và công nghệ sinh học. Các doanh nhân khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm và nhà công nghệ từ ASEAN và Nhật Bản có thể hợp tác cùng nhau trong các lĩnh vực này.

Về lâu dài, hợp tác kinh tế số ASEAN-Nhật Bản có thể ở dạng giống như các thỏa thuận kinh tế số mà Singapore đã ký với các quốc gia như Vương quốc Anh. Chìa khóa hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản trong chuyển đổi số sẽ là quan hệ đối tác bình đẳng. Bằng cách hợp tác cùng nhau, ASEAN và Nhật Bản có thể giúp làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược tình trạng phân mảnh kỹ thuật số hiện đang lan rộng trên toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp quốc tế ngày càng vững tin vào ASEAN

    Doanh nghiệp quốc tế ngày càng vững tin vào ASEAN

    10:35, 11/09/2023

  • Nâng tầm quan hệ ASEAN-Canada

    Nâng tầm quan hệ ASEAN-Canada

    18:00, 06/09/2023

  • Mở rộng cánh cửa kinh tế ASEAN

    Mở rộng cánh cửa kinh tế ASEAN

    09:05, 06/09/2023

  • Ba vấn đề “nóng” với ASEAN

    Ba vấn đề “nóng” với ASEAN

    04:30, 06/09/2023

CẨM ANH