“Cú hích” từ ASEAN QR code
Hệ thống thanh toán xuyên biên giới của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN QR code) hứa hẹn sẽ góp phần giảm chi phí, tạo ra bộ đệm về tỷ giá hối đoái.
Cho tới nay, đã có 9 liên kết trong lĩnh vực thanh toán song phương sử dụng ASEAN QR code đang hoạt động. 10 liên kết khác đang được phát triển. Đối với lĩnh vực chuyển tiền, đã có ba liên kết đi vào hoạt động và 5 liên kết đang được thiết lập.
>> Mở rộng "cánh cửa" kinh tế ASEAN
Môi trường thanh toán mở
Hiện tại, thanh toán bằng mã QR giữa Indonesia và Malaysia đã khởi động trong khuôn khổ hệ thống của ASEAN. Theo khuôn khổ này, người dân hai nước có thể thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán lẻ bằng nội tệ trên lãnh thổ của nhau mà không cần quy đổi về đồng tiền chung (USD, Euro) như trước.
Đến nay, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đã kết nối ASEAN QR code. Tiếp theo, Singapore, Việt Nam và Philippines dự kiến kết nối ASEAN QR code vào cuối năm nay. Khi các nền kinh tế ASEAN cùng hòa mạng thanh toán chung sẽ tạo ra rất nhiều thuận lợi.
Theo thống kê, ASEAN có khoảng 70 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, việc tiếp cận thị trường ngoại biên vốn rất khó khăn, trong đó phần lớn liên quan đến khâu phân phối hàng hóa và thanh toán. Thông qua ASEAN QR code, doanh nghiệp có thể bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng trong khu vực.
Một lợi ích khác với doanh nghiệp nội khối là dữ liệu khách hàng, nhà phân phối sẽ lưu lại trên hệ thống, đó là “mỏ vàng” trong thời đại kinh tế số mà doanh nghiệp có thể khai thác để tung ra các chiến dịch marketing hiệu quả.
>> ASEAN "bắt tay" Nhật Bản thúc đẩy kinh tế số
ASEAN QR code sẽ góp phần mở ra môi trường thuận lợi thúc đẩy giao thương song phương và đa phương, giảm rủi ro phụ thuộc vào rổ tiền tệ quốc tế. Sẽ rất thuận lợi nếu khách du lịch được thanh toán bằng đồng tiền của quốc gia mình ở bất cứ đâu trong không gian kinh tế ASEAN. ASEAN QR code giúp tiết kiệm khoảng 30% chi phí giao dịch, qua đó kích thích hoạt động thương mại, du lịch, lao động. Đơn cử, người lao động nhập cư trong ASEAN giờ đây sẽ thấy việc chuyển tiền về nước ít tốn kém chi phí hơn.
Hướng đến mục tiêu lớn
Trong lịch sử ra đời và phát triển gần 6 thập kỷ, các nhà lãnh đạo ASEAN từng đưa ra ý tưởng về đồng tiền chung - hiện thực hóa cộng đồng kinh tế, nhưng vẫn còn đó nhiều khác biệt cản trở. Do vậy, sáng kiến ASEAN QR code là bước thử nghiệm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để cân nhắc tính hiệu quả của việc nâng cấp phương thức thanh toán, ra đời đồng tiền chung.
Tổng thư ký ASEAN Kao Him Hourn cho biết việc thiết lập liên minh tiền tệ không phải là ưu tiên vào lúc này, trong bối cảnh tổ chức khu vực này đang có nhiều chương trình nghị sự khác muốn thực hiện như: kết nối ASEAN, thúc đẩy nền kinh tế xanh, và tăng cường thương mại giữa các nước trong khu vực.
Ông Tom Lembong hiện là Giám đốc Viện Chính sách Phát triển bền vững có trụ sở tại Singapore, xem ASEAN QR code là một bước quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế đang diễn ra của ASEAN và cuối cùng là tạo ra một thị trường chung ASEAN thực sự.
Một cộng đồng kinh tế hùng mạnh trước hết phải sở hữu đồng tiền vững chắc, là chìa khóa để các ngân hàng Trung ương trong ASEAN thực hiện chính sách vĩ mô và tài chính, tiền tệ tránh tổn thương trước những “cơn bão” tỷ giá, “cú sốc” tiền tệ, lãi suất,… liên tục xảy ra.
Điều này rất quan trọng trong bối cảnh ASEAN đứng trước cơ hội đón nhận nhiều nhà đầu tư lớn. Bởi vì tỷ giá ổn định là “chiếc kén” an toàn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Với những quốc gia đang giảm giá mạnh đồng nội tệ trước sức ép ngày càng lớn của đồng USD, giá hàng hóa của các nước này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa nhập khẩu và ngược lại.
Tuy nhiên, việc hình thành môi trường thanh toán “phẳng” sẽ tạo ra sự so sánh tất yếu giữa các đồng tiền trong khu vực. Một số đồng tiền mạnh trong ASEAN như đô la Singapore (SGD) nổi lên như một đồng tiền dự trữ trong khu vực trên thực tế đặt ra một thách thức mà các quốc gia ASEAN cần phải đối mặt.
Với sức mạnh của SGD, doanh nghiệp quốc tế, khu vực và nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ tài sản tại Singapore, hoặc cất trữ đồng tiền này. Nếu điều đó xảy ra, nó có thể làm suy yếu sức mua của các loại tiền tệ khác trong khu vực và dẫn đến lạm phát nhập khẩu cao hơn nếu các ngân hàng trung ương không có cơ chế can thiệp hữu hiệu.
Có thể bạn quan tâm
Vai trò của Blockchain trong thanh toán xuyên biên giới
12:00, 08/11/2022
Thanh toán xuyên biên giới và cơ hội cho doanh nghiệp
05:30, 11/10/2022
Củng cố tiềm năng tăng trưởng của ASEAN
11:00, 17/09/2023
Doanh nghiệp quốc tế ngày càng vững tin vào ASEAN
10:35, 11/09/2023
Ba vấn đề “nóng” với ASEAN
04:30, 06/09/2023