Điều gì khiến nước Anh "chán" Brexit để xích lại gần EU?

TRƯỜNG ĐẶNG 29/09/2023 04:00

Sau những hỗn loạn của kỷ nguyên Brexit, nước Anh dưới thời Thủ tướng Rishi Sunak nhận ra nhiều lợi ích trong một mối quan hệ gần gũi hơn với EU.

Thủ tướng Anh đang theo đuổi đường lối đối ngoại thân thiện hơn với EU

Thủ tướng Anh đang theo đuổi đường lối đối ngoại thân thiện hơn với EU

>> Brexit: Cuộc "chia ly" chưa hồi kết của Vương quốc Anh và EU

Anh ngày càng xích lại EU

Những tín hiệu tích cực đầu tiên xuất hiện vào đầu năm nay, khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thể hiện những cử chi thân thiện trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Paris vào tháng 3, trong đó đã công bố gói tài chính trị giá 478 triệu bảng Anh để ngăn chặn người di cư vượt qua eo biển Manche.

Hội nghị thượng đỉnh hiệu quả của Sunak với một trong những nhà lãnh đạo cấp cao nhất châu Âu đã khẳng định một hướng đi mới của Anh - hợp tác nhiều hơn với EU và các nước trong khối. Trước cuộc gặp với ông Macron, Anh và EU còn đạt được thỏa thuận khung Windsor mang tính bước ngoặt để giải quyết các vấn đề thương mại hậu Brexit ở Bắc Ireland. Bản thân ông Sunak thừa nhận chiến lược mới của mình: “Kỳ vọng của tôi là thỏa thuận này mở ra các lĩnh vực đối thoại và hợp tác mang tính xây dựng khác với EU”.

Từ đó cho tới nay, quả thật nước Anh đang xích lại gần EU hơn bao giờ hết kể từ Brexit.

Ngoài Thỏa thuận Khung Windsor, Anh đã ký Biên bản ghi nhớ với EU về hợp tác pháp lý trong các dịch vụ tài chính. Trong tháng 9 này, London cũng đã tái gia nhập các chương trình nghiên cứu khoa học Horizon và Copernicus trị giá 96 tỷ euro của EU - một kết quả quan trọng đối với Vương quốc Anh.

Đáng kể hơn nữa là thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ Anh và cơ quan bảo vệ biên giới Frontex của EU - một động thái vô cùng ý nghĩa trước cuộc khủng hoảng di cư đang ngày một trầm trọng hơn trên thế giới. Theo đó, thỏa thuận với Anh cũng sẽ tương tự như các thỏa thuận khác mà Frontex có được với các quốc gia ngoài EU, cho phép chia sẻ dữ liệu về các luồng di cư.

EU cảm thấy hài lòng trước những động thái hợp tác của Vương quốc Anh

EU cảm thấy hài lòng trước những động thái hợp tác của Vương quốc Anh

Một nhà ngoại giao châu Âu chia sẻ với Politico: “Chúng tôi đã thấy những bước đi cụ thể được tạo ra bởi một bầu không khí thiện chí mới. Trước đây chúng ta đã bỏ lỡ điều đó, và đó là “hiệu ứng Sunak”. Tôi không nói rằng anh ấy đã làm được một công việc đáng kinh ngạc, nhưng anh ấy đã thay đổi trạng thái tư duy, và do đó anh ấy đã thay đổi mọi thứ.”

Một trong những điều gây ấn tượng khác đối với EU là Thủ tướng Sunak còn sẵn sàng đối đầu với phe ủng hộ Brexit có tiếng nói trong đảng Bảo thủ của ông.

Đầu năm nay, ông Sunak đã khiến phe cánh hữu của Đảng Bảo thủ phẫn nộ khi giữ lại hàng nghìn luật quản lý từ thời EU vẫn còn trong sổ quy chế của Anh cho đến cuối năm 2023 – một động thái khiến nhiều nước EU hài lòng.

Các cuộc đàm phán giữa London và EU vẫn tiếp tục trong các lĩnh vực tranh chấp nổi bật khác, như mức thuế mới cao đáng kể đối với xe điện (EV) được vận chuyển vào và ra khỏi Vương quốc Anh không tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn cung ứng điện pin, sẽ được áp dụng vào tháng 1/2024.

Lợi ích nào đằng sau?

Tất nhiên, xu hướng thân thiện hơn của Anh với EU phải đem lại những lợi ích thiết thực cho ông Sunak, mà rõ ràng nhất được các chuyên gia chỉ ra là niềm tin của cử tri.

Catherine Barnard, Giáo sư luật châu Âu tại Đại học Cambridge, cho biết về tổng thể Sunak đã giám sát một “mối quan hệ tích cực hơn nhiều” với châu Âu, mặc dù mối quan hệ này được thực hiện trên cơ sở cùng có lợi.

>> Hậu Brexit: Nước Anh và cú chuyển hướng sang Châu Á

Trước cuộc bầu cử dự kiến vào năm tới, Thủ tướng Sunak của đảng Bảo thủ hiện kém 18 điểm so với ứng cử viên Đảng Lao động trong các cuộc thăm dò ý kiến, và phải đối mặt với cuộc đấu tranh khó khăn để tiếp tục nhiệm kỳ mới. Đảng Lao động Anh với ứng cử viên hàng đầu Keir Starmer đã nhấn mạnh rằng hợp tác chặt chẽ hơn với châu Âu là một ưu tiên của ông nếu được lên nắm quyền.

Đằng sau đó là những sức ép về chính trị và kinh tế nước Anh đang gánh chịu hậu Brexit

Nước Anh đang chịu nhiều sức ép về chính trị và kinh tế hậu Brexit

Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 5 chỉ ra đa số người dân Anh muốn quan hệ chặt chẽ hơn với EU. Trong khi chỉ có 37% muốn duy trì trạng thái quan hệ hiện tại hoặc xa rời hơn với các nước láng giềng. Đáng chú ý, có tới 63% cho rằng Brexit mang lại những hậu quả tiêu cực tới kinh tế và xã hội Anh – khác xa với những gì họ dự đoán trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra.

Số người di cư sang Vương quốc Anh đã tăng lên mức cao mới, hơn 606.000 người, vào năm 2022 – tăng 24% so với năm 2021 – bất chấp tuyên bố của chính phủ rằng Brexit sẽ cho phép Vương quốc Anh “lấy lại quyền kiểm soát” biên giới của mình.

Cũng có nhiều bằng chứng cho thấy thiệt hại gia tăng đối với nền kinh tế và thương mại của Vương quốc Anh do các rào cản thương mại thời hậu Brexit, như tình trạng quan liêu và chi phí tăng thêm đối với các nhà xuất khẩu và nhập khẩu.

Dữ liệu từ Trường Kinh tế Luân Đôn (LSE) cho thấy, kể từ Brexit, các hộ gia đình Anh đã phải trả thêm 7 tỷ bảng Anh cho chi phí nhập khẩu thực phẩm từ EU gia tăng do các rào cản thương mại mới.

Cũng bởi vậy, áp lực đối với ông Sunak nhằm vực dậy nền kinh tế, trước mắt là giúp đỡ doanh nghiệp Anh và hạn chế các thiệt hại thương mại do Brexit gây ra, rõ ràng càng khiến ông phải xây dựng mối quan hệ thân thiện hơn với EU và các thành viên trong khối.

Có thể bạn quan tâm

  • Bài học đắt giá cho EU trong cuộc chiến xe điện với Trung Quốc

    Bài học đắt giá cho EU trong cuộc chiến xe điện với Trung Quốc

    04:00, 25/09/2023

  • Tranh cãi xe điện, chiến tranh thương mại EU – Trung Quốc sắp bùng nổ?

    Tranh cãi xe điện, chiến tranh thương mại EU – Trung Quốc sắp bùng nổ?

    04:00, 18/09/2023

  • Châu Âu

    Châu Âu "đau đầu" vì cái giá phải trả cho chuyển đổi xanh

    04:00, 28/09/2023

  • Đức đối mặt

    Đức đối mặt "cơn gió ngược" trong chuyển đổi xanh

    04:30, 25/09/2023

TRƯỜNG ĐẶNG