"Lỗ hổng" của Mỹ giúp Trung Quốc đột phá công nghệ bán dẫn

TRƯỜNG ĐẶNG 08/10/2023 04:30

Các chuyên gia chỉ ra sự lỏng lẻo và thiếu hiệu quả trong các biện pháp phòng vệ công nghệ của Mỹ đã tạo điều kiện cho Trung Quốc đạt tới chip kích thước 7nm.

Truyền thông Trung Quốc tuyên bố đã đạt được đột phá công nghệ sản xuất chip 7nm bất chấp sự cấm vận của Mỹ và phương Tây

Truyền thông Trung Quốc tuyên bố đã đạt được đột phá công nghệ sản xuất chip 7nm bất chấp sự cấm vận của Mỹ và phương Tây

Chiếc điện thoại thông minh Huawei Mate 60 Pro ra mắt được giới công nghệ chú ý bởi là lần đầu tiên Trung Quốc tự sản xuất được vi mạch kích thước nhỏ tới 7nm.

>>Nền kinh tế “hướng nội” có phải là một sai lầm?

Theo truyền thông Trung Quốc, sản phẩm công nghệ đột phá này là minh chứng cho thấy Huawei hay các công ty công nghệ khác của Trung Quốc đã khéo léo thế nào để vượt qua các phong tỏa của Mỹ đối với ngành sản xuất chip tiên tiến của Bắc Kinh.

Các con chip Kirin 9000s do Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) sản xuất, dựa trên công nghệ 7 nanomet có thể coi là một thành tựu đột phá nếu công ty này không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ phương Tây. Cần nhớ, Washington đã rất nỗ lực nhằm hạn chế2 quyền tiếp cận của Bắc Kinh tới các công nghệ sản xuất chip dưới ngưỡng 14 nm.

Điều này cũng thể hiện sự thiếu hiệu quả trong các biện pháp phòng vệ của chính quyền Mỹ. Nhằm xoa dịu dư luận và lo ngại của các chính trị gia trước thông tin này, hai tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã tuyên bố trước Quốc hội rằng SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, sẽ không thể sản xuất chip 7nm “ở quy mô lớn”.

"Thực hư" đột phá công nghệ Trung Quốc

Theo các chuyên gia, thành tựu “đột phá” về công nghệ của Trung Quốc mới đây không hào nhoáng như truyền thông nước này đưa tin.

Không kể tới những đồn đoán rằng con chip Kirin 9000s thực chất được tinh chỉnh từ công nghệ 14nm để giống với 7nm trong cộng đồng công nghệ, có các bằng chứng cho thấy sự “đột phá” về chip 7nm của SMIC không dựa vào sự đổi mới bản địa. Hay nói cách khác, SMIC vẫn tìm cách có được các thiết bị và công nghệ của Mỹ và phương Tây để phát triển dòng chip này thay vì dựa hoàn toàn vào sáng tạo trong nước.

Nhưng giới chuyên gia chỉ ra thực chất Trung Quốc vẫn phải dựa vào các nguồn cung từ phương Tây

Giới chuyên gia chỉ ra thực chất Trung Quốc vẫn phải dựa vào các nguồn cung công nghệ từ phương Tây

Trong khi Bộ Thương mại Mỹ từ chối cấp phép cho các công nghệ chip tiên tiến, SMIC vẫn có thể tiếp cận một số thiết bị và bộ phận – vốn dành cho dây chuyền sản xuất công nghệ cũ - nhưng thực tế vẫn có thể hữu ích cho việc sản xuất chip dưới ngưỡng 14 nm.

Bên cạnh đó, các nhà cung cấp bên thứ ba, những người đã nhận được giấy phép của Mỹ để mua các bộ phận cần thiết, đã cung cấp nhiều thiết bị cho SMIC. Theo Nikkei, một trong số các nhà cung cấp như vậy thậm chí có vị trí nằm liền kề với nhà máy chế tạo của SMIC ở Bắc Kinh, khiến các chuyên gia hoài nghi một số công ty như vậy không hẳn đã độc lập với SMIC.

Một lý do khác, trước khi lệnh cấm của Mỹ và phương Tây có hiệu lực, Trung Quốc đã tích cực mua gom một số thiết bị tiên tiến từ công ty ASML của Hà Lan và các nhà cung cấp Nhật Bản trong thời gian ân hạn.

>>Tham vọng AI của Trung Quốc sẽ thoái trào theo nền kinh tế?

Phần lỗi của chính quyền Mỹ?

Theo ông Douglas Fuller, PGS tại Trường ĐH kinh doanh Copenhagen , thành tựu này của Trung Quốc cũng đến từ một phần lỗi của các cơ quan như Bộ Thương mại Mỹ. Ông chỉ trích ngoài việc cấp phép tương đối lỏng lẻo, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ còn chưa được thực hiện hiệu quả, như nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật về kiểm soát đối với các loại thiết bị cụ thể quá mơ hồ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố sẽ sửa chữa các lỗ hổng trong hạn chế cấp phép với Trung Quốc

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố sẽ "vá" các lỗ hổng trong quy trình cấp phép xuất khẩu thiết bị chế tạo bán dẫn cho Trung Quốc

Chỉ cần SMIC có quyền truy cập vào công nghệ in thạch bản tia cực tím sâu (DUV) tiên tiến từ ASML và quyền truy cập rộng rãi vào các công cụ quan trọng khác từ các nhà cung cấp Mỹ, thì tập đoàn Nhà nước Trung Quốc này hoàn toàn có thể sản xuất chip 7nm ở quy mô lớn, thậm chí là chip 5 nm như TSMC của Đài Loan đã làm.

Chính các biện pháp kiểm soát lỏng lẻo của Mỹ khiến nhập khẩu thiết bị của Trung Quốc tăng vọt. Nhiều công ty Trung Quốc cũng đang chớp lấy cơ hội cuối cùng để được tự do mua một số thiết bị của Hà Lan và Nhật Bản. Nhờ vậy, năng lực sản xuất chip tiên tiến của SMIC có thể tăng lên 30.000 tấm wafer mỗi tháng so với ước tính trước đó là 10.000 tấm mỗi tháng.

Theo các chuyên gia, nhìn từ góc độ an ninh quốc gia, hành vi cấp phép của Bộ Thương mại Mỹ và sự “khoan dung” đối với SMIC có vẻ đặc biệt kỳ lạ. Thế nhưng, tại phiên điều trần 19/9, Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã cam kết sẽ rà soát và “vá” các lỗ hổng quy tắc trong thời gian tới. Điều này sẽ đặt ra một thách thức lớn cho ngành chip tiên tiến của Trung Quốc. Bởi không chỉ gặp khó trong sản xuất mới, Bắc Kinh sẽ không có cách nào để bảo dưỡng các thiết bị đang có ở trạng thái hoạt động tốt nhất - vốn rất quan trọng trong ngành bán dẫn.

Có thể bạn quan tâm

  • “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ II): Bùng nổ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng

    “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ II): Bùng nổ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng

    04:00, 03/10/2023

  • "Cuộc chiến" chất bán dẫn (Kỳ III): Hàng trăm tỷ USD "bốc hơi" vì căng thẳng

    04:00, 04/10/2023

  • Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ IV): Các liên minh sừng sỏ làm nóng cuộc đua

    Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ IV): Các liên minh sừng sỏ làm nóng cuộc đua

    04:00, 05/10/2023

  • “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ V): Nóng các đòn “ăn miếng trả miếng”

    “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ V): Nóng các đòn “ăn miếng trả miếng”

    04:30, 06/10/2023

TRƯỜNG ĐẶNG