Xung đột Israel - Hamas bùng phát, giá dầu sẽ tăng vọt?
Đúng 50 năm kể từ khi Cuộc chiến tháng 10 bùng nổ giữa Israel và thế giới Ả Rập, Dải Gaza lại một lần nữa chìm trong biển lửa. Giá dầu mỏ lại một lần nữa đứng trước đà tăng phi mã.
Nửa thế kỷ về trước, chính cuộc chiến vào tháng 10/1973 đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu tiên của thế giới, khiến giá dầu tăng gấp 3 lần. Liệu lịch sử có lặp lại đang là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư trên thế giới đặt ra vào thời điểm hiện tại.
>>Trung Đông và tham vọng thay đổi trong trật tự thế giới mới
Theo các nhà phân tích, điểm tích cực lần này là nền kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ không phải hứng chịu một lệnh cấm vận dầu mỏ khác của thế giới Ả Rập. Tuy nhiên, sẽ vẫn là sai lầm nếu đánh giá thấp khả năng giá dầu sẽ tăng cao hơn trong thời gian dài.
Sẽ còn quá sớm để nói rằng thị trường dầu mỏ sẽ đi đâu về đâu, khi triển vọng giá dầu sẽ còn phụ thuộc vào phản ứng của Israel với Hamas và Iran – quốc gia được cho là thường đứng đằng sau hậu thuẫn cho nhóm vũ trang người Palestine. Thế nhưng, với bối cạnh hiện tại, các nhà quan sát đã chỉ ra những khác biệt so với cuộc chiến năm 1973.
Trước hết, cuộc khủng hoảng lần này không có sự tham gia của thế giới Ả Rập như Ai Cập, Jordan, Syria hay Saudi Arabia. Đây đều là những cường quốc dầu mỏ lớn của thế giới đang trong giai đoạn củng cố và nâng cao vị thế kinh tế của đất nước. Sự thiếu vắng các động cơ chính trị có thể sẽ là một nhân tố giúp xung đột vũ trang không bị lan rộng và đẩy giá dầu leo thang.
Bên cạnh đó, bản thân thị trường dầu mỏ hiện nay đã không còn giống 50 năm về trước. Khi đó, nhu cầu dầu mỏ tăng cao và thế giới đã cạn kiệt hết năng lực sản xuất dự phòng. Ngày nay, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu đã chững lại và có thể sẽ chậm hơn nữa khi xe điện và các giải pháp nhiên liệu khác phổ biến. Ngoài ra, Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất không còn là những người chơi độc tôn trong lĩnh vực dầu mỏ. Thay vào đó, Mỹ - với công nghệ khai thác dầu đá phiến – đã vươn lên thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
>>Giá dầu "bứt phá", lạm phát sẽ nóng trở lại?
Cũng bởi các yếu tố đó, các quốc gia OPEC ngày nay không còn cố gắng tăng giá dầu như xưa. Để đạt được các mục tiêu kinh tế và cả chính trị đối ngoại, Riyadh sẽ hài lòng với việc giá dầu tăng thêm 10-20%, lên trên 100 USD/thùng từ mức 85 USD hiện tại, thay vì đẩy chúng lên quá cao, ví dụ như 200 USD/thùng. Trong khi đó, ngay trước lệnh cấm vận dầu mỏ vào tháng 10/1973, các quốc gia OPEC đã đơn phương tăng giá xăng dầu chính thức lên khoảng 70%.
Dù vậy, theo các nhà phân tích, hậu quả vẫn có thể tác động đến thị trường dầu mỏ vào phần còn lại của năm nay và 2024. Tác động tức thời nhất có thể xảy ra nếu Israel tuyên bố rằng Iran có dính líu. Trong kịch bản đó, giá dầu có thể tăng cao hơn nhiều khi xung đột lan rộng.
Như năm 2019, Iran đã thông qua các lực lượng ủy nhiệm của Yemen để đánh gục một phần đáng kể công suất sản xuất dầu của Saudi Arabia. Tehran có thể lặp lại các hành động trả đũa tương tự nếu bị Israel hoặc Mỹ tấn công.
Ngay cả khi Israel không phản ứng ngay lập tức với Iran, hậu quả vẫn thể ảnh hưởng đến sản xuất dầu của Iran, theo chuyên gia Javier Blas của Bloomberg. Kể từ cuối năm 2022, Washington đã ngó lơ trước việc Iran phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ và tăng cường xuất khẩu dầu. Kết quả là sản lượng dầu của Iran đã tăng gần 700.000 thùng/ngày trong năm nay.
"Tuy nhiên, hiện nay Mỹ có thể sẽ quay trở lại ủng hộ Israel và tăng cường các lệnh trừng phạt với Tehran và có khả năng đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng, ông Blas phân tích.
Cùng với giá dầu tăng cao, Nga sẽ được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Nếu lĩnh vực xuất khẩu dầu của Iran bị Mỹ nhắm tới, nó có thể tạo điều kiện cho dầu Nga giành được thị phần và đạt mức giá cao hơn. Bên cạnh đó, Mỹ có thể sẽ phải khai thác kho dự trữ dầu khí chiến lược của mình để hạn chế tác động đến giá xăng dầu vốn đã tác động lớn đến công cuộc chống lạm phát của FED.
Trước đó, rạng sáng 7/10, hàng trăm tay súng Palestine đã xâm nhập và phóng tên lửa vào nhiều nơi của Israel từ dải Gaza. Một quan chức Israel tuyên bố ít nhất 300 người ở Israel đã thiệt mạng trong vụ tấn công chưa từng có. Trong khi đó, Bộ Y tế Palestine thông báo ít nhất 232 người Palestine đã thiệt mạng ở Gaza và 1.697 người bị thương trong ngày 7/10.
Có thể bạn quan tâm