Châu Âu "lục đục nội bộ" về cách tiếp cận xung đột Israel - Hamas
Các nhà ngoại giao và quan chức EU đang bộc lộ sự chia rẽ khi đưa ra những phát biểu trái chiều liên quan tới xung đột tại Dải Gaza, đặc biệt liên quan tới viện trợ cho Palestine.
Trước đó, ngày 9/10, Ủy viên Châu Âu người Hungary, Olivér Varhelyi, tuyên bố sẽ cắt toàn bộ viện trợ cho người Palestine liên quan tới xung đột Israel - Hamas. Chỉ sau 1 ngày, dòng tweet của ông Varhelyi đã nhận được 5 triệu lượt xem.
>>Điều gì khiến nước Anh "chán" Brexit để xích lại gần EU?
Thế nhưng, ngay sau đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đính chính lại điều này, nói rằng Brussels sẽ tiếp tục cấp viện trợ, đồng thời sẽ tiến hành đánh giá sự hỗ trợ dành cho Chính quyền Palestine. Người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu Eric Mamer hôm 10/10 chỉ trích ông Olivér Varhelyi, nói rằng thông báo của ông Várhelyi không qua bất kỳ cuộc tham vấn nào với Ủy ban.
Các nhà ngoại giao và quan chức EU được cho đang rất tức giận về sự cố truyền thông này. Nó được cho sẽ tạo ra phản ứng dữ dội về mặt ngoại giao ngay khi các quan chức châu Âu trên thực địa đang cố gắng làm việc với các đối tác trong khu vực.
Một quan chức EU cho biết, sự chia rẽ trong vấn đề này đã bắt đầu gây chú ý và đang dẫn tới một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Theo đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gọi điện kêu gọi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel không cắt viện trợ cho người Palestine của EU.
Trên thực tế, quan điểm chính thức của EU đã được ông Michel đưa ra vào cuối ngày 9/10, rằng ông phản đối việc cắt “viện trợ nhân đạo và phát triển rất cần thiết cho dân thường Palestine”, lưu ý rằng việc này có thể bị tổ chức Hamas lợi dụng và làm trầm trọng thêm căng thẳng và hận thù.
Theo các chuyên gia am hiểu tình hình, nội bộ châu Âu đang nghiêng về việc tiếp tục viện trợ cho dân thường Palestine. Đại diện Cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ông Josep Borrell đã tuyên bố “đại đa số phản đối ý tưởng đề xuất đình chỉ các khoản thanh toán cho Chính quyền Palestine”.
Tuy nhiên, những ý kiến trái chiều dường như đang có xu hướng gia tăng khi EU đang đứng trước áp lực phải rà soát lại viện trợ. Ông Borrell nhấn mạnh nếu việc đánh giá lại viện trợ dẫn đến bất kỳ phát hiện nào về việc tài trợ cho Hamas thì ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm chính trị về việc đó.
Các chuyên gia nêu lên thế khó của EU, hoặc phải rút lại chính sách đối ngoại kéo dài hai thập kỷ bằng lập luận rằng các khoản tiền này thực sự đã đến tay Hamas, hoặc Ủy ban phải chứng minh rằng những khoản tiền này đã không trực tiếp hay gián tiếp liên quan.
Hai trụ cột có tiếng nói, Pháp và Đức, đã ủng hộ đề xuất của Ủy ban châu ÂU về việc tiếp tục viện trợ trong khi xem xét dòng tiền đến các tổ chức phù hợp dựa trên những diễn biến mới trên thực tế.
“Chúng ta phải đảm bảo rằng không có điều gì diễn ra hỗ trợ cho bất kỳ cấu trúc nào có liên quan đến khủng bố. Chúng tôi chắc chắn rằng không phải như vậy, nhưng việc chúng tôi luôn có cái nhìn mới về tất cả những điều này trong những trường hợp như vậy là điều bắt buộc”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.
Theo các nhà quan sát, đã có những bất đồng công khai trong Ủy ban châu Âu về việc có nên đóng băng viện trợ cho Chính quyền Palestine hay không. Một quan chức EU giấu tên cho biết: “Tình hình Israel-Palestine là một trong những vấn đề gây chia rẽ nhất ở EU” và rằng “sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu về cuộc xung đột này cũng lâu đời như chính cuộc xung đột này vậy”.
Một số quốc gia – bao gồm Ireland, Luxembourg và Đan Mạch – đã tìm cách đề cập đến việc giảm leo thang trong văn bản chung trong cuộc họp ngày 10/10 vừa qua, nhưng điều này đã bị các nước khác phản đối, bao gồm cả Áo, theo các nguồn tin của Politico tiết lộ. Theo các nhà ngoại giao giấu tên, các quốc gia thân Israel hơn trong khối EU cho rằng lời kêu gọi giảm leo thang có thể được coi là thể hiện sự tương đương giữa hai bên. Trong khi Pháp, các nước Bắc Âu, Bỉ và Ireland có truyền thống ủng hộ quan điểm mà một số quốc gia khác coi là quá thân Palestine.
>>Hiểm hoạ đằng sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel
Trong khi các cuộc xung đột Israel- Hamas ngày càng leo thang, các nước EU sẽ phải tìm cách thống nhất lập trường và hành động. Thế nhưng rõ ràng đây không phải là điều dễ dàng, khi nhiều nước phải cảnh giác để không bị đưa vào vai ủng hộ các hành động của tổ chức Hamas.
Có thể bạn quan tâm
Pháp thay đổi chiến lược đối ngoại, tái định hình châu Âu
04:00, 02/10/2023
Châu Âu "đau đầu" vì cái giá phải trả cho chuyển đổi xanh
04:00, 28/09/2023
Xung đột Israel - Hamas bùng phát, giá dầu sẽ tăng vọt?
04:00, 09/10/2023
Xung đột Israel - Hamas thử thách nỗ lực hòa giải của Trung Quốc
03:30, 11/10/2023