“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ X): Mỹ tiếp tục tung "đòn hiểm"

TRƯỜNG ĐẶNG 21/10/2023 03:30

Chính quyền Tổng thống Biden đang siết chặt thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip với Trung Quốc, dù thận trọng nhưng lại có tác động mạnh mẽ.

Tổng thống Biden mới đây tung thêm các hạn chế mới đối với ngành chip Trung Quốc

Tổng thống Biden mới đây tung thêm các hạn chế mới đối với ngành chip Trung Quốc

>> “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ IX): "Cơn sóng ngầm” trong lòng nước Mỹ

Hôm 17/10, chính quyền ông Biden đã công bố các biện pháp hạn chế bổ sung đối với việc xuất khẩu các chất bán dẫn và thiết bị tiên tiến sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, Washington còn tung ra loạt biện pháp nhằm hạn chế hơn nữa khả năng Trung Quốc ứng dụng AI vào quân sự và thu hẹp các lỗ hổng có thể bị Bắc Kinh khai thác từ nước thứ ba.

Các quy tắc mới bao trùm nhiều loại chất bán dẫn có khả năng ứng dụng cho AI hơn, được cho sẽ khiến các công ty Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tìm cách lách luật.

Trong một tuyên bố, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ đã nêu chi tiết những lĩnh vực tiềm tàng mà Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ, bao gồm tác chiến điện tử, radar, tín hiệu tình báo và gây nhiễu cũng như hệ thống giám sát nhận dạng khuôn mặt cho con người.

Mục tiêu của Mỹ là không để Trung Quốc đạt được năng lực sản xuất các con chip tiên tiến

Mục tiêu của Mỹ là không để Trung Quốc đạt được năng lực sản xuất các con chip tiên tiến dưới ngưỡng 14nm

Mục tiêu chính của các hạn chế mới nằm ở sức mạnh xử lý, cụ thể là sức mạnh xử lý mà các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT cần để vận hành. Không có những con chip tiên tiến, Bắc Kinh không thể cho ra những mô hình AI tốt hơn và nhanh hơn – thứ mà Washington lo ngại Trung Quốc có thể ứng dụng để nâng cao khả năng tác chiến cho vũ khí tự động, xử lý dữ liệu chiến trường và tăng cường các cuộc tấn công mạng.

Bên cạnh đó, quy định mới của Mỹ còn mở rộng sang các nước thứ 3, vốn là nơi Trung Quốc sử dụng để lách các lệnh cấm. Các quy định mới mở rộng các loại thiết bị sản xuất chất bán dẫn bị hạn chế xuất khẩu và cũng mở rộng những hạn chế đó ra ngoài Trung Quốc tới 21 quốc gia khác, bao gồm Nga, Cuba, Iran và Triều Tiên.

Gần hai chục quốc gia khác mà Mỹ coi là rủi ro về an ninh quốc gia hoặc xuất khẩu công nghệ tên lửa cũng sẽ phải đối mặt với các yêu cầu cấp phép bổ sung.

Bà Emily Benson, Giám đốc dự án thương mại và công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Về cơ bản, Mỹ gửi tín hiệu tới Kyrgyzstan hoặc Georgia, những quốc gia đã có dữ liệu thương mại khá bất thường trong năm qua khi đột nhiên có sự gia tăng lớn trong xuất nhập khẩu hàng hóa có chứa chip”.

Mỹ khẩn trương "vá" các lỗ hổng

Trước các lo ngại về nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại mới, các chuyên gia cho rằng các quy định mới của Mỹ thiên về vá các lỗ hổng của hạn chế cũ hơn là khơi mào một cuộc chiến mới. Bà Emily Kilcrease, Giám đốc chương trình năng lượng, kinh tế và an ninh tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng Mỹ sẽ thay đổi cục diện một cách đáng kể” như năm ngoái.

>> “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ II): Bùng nổ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng

Vào tháng 10 năm ngoái, sau khi Washington công bố các hạn chế, Trung Quốc đã đáp trả tương xứng mà không nao núng. Bắc Kinh cấm xuất khẩu hai loại khoáng sản quan trọng được sử dụng trong sản xuất chip vào đầu năm nay và lặng lẽ ra mắt điện thoại thông minh Huawei mới được cho có trang bị một con chip tiên tiến 7nm mà lẽ ra họ không thể làm được nếu thiếu các thiết bị của phương Tây.

Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng có nhiều lỗ hổng trong chính sách hạn chế của Nhà Trắng đã được Trung Quốc khai thác triệt để nhằm duy trì năng lực ngành bán dẫn, như tận dụng các thiết bị cũ và mua mới từ các nước thứ 3. Bởi vậy, các chính sách mới được kỳ vọng sẽ lấp đầy các khoảng trống đó, như thiết lập một “vùng xám” buộc các chip dưới ngưỡng 14nm phải được xem xét xuất khẩu bổ sung trong 25 ngày.

Căng thẳng trong ngành bán dẫn được nhiều chuyên gia dự báo sẽ còn leo thang hơn nữa trong thời gian tới

Căng thẳng trong ngành bán dẫn được nhiều chuyên gia dự báo sẽ còn leo thang hơn nữa trong thời gian tới

Song song với đó, Washington cũng tìm cách giảm thiểu rủi ro cho các tập đoàn chip trong nước bằng cách loại trừ các chip được sử dụng trong các ứng dụng thương mại như điện thoại thông minh và ô tô khỏi các quy tắc hạn chế.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia bằng cách hạn chế quyền truy cập vào các công nghệ quan trọng…; đồng thời giảm thiểu mọi tác động ngoài ý muốn đối với dòng chảy thương mại”.

Với các quy định mới, Mỹ dường như tăng thêm sức ép đối với Bắc Kinh trước thềm APEC ở San Francisco vào cuối năm nay – nơi hai nguyên thủ Mỹ và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ gặp nhau để thảo luận về triển vọng quan hệ song phương. 

Có thể bạn quan tâm

  • “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VIII): Bài học nào từ lịch sử ngành bán dẫn Mỹ?

    “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VIII): Bài học nào từ lịch sử ngành bán dẫn Mỹ?

    04:00, 10/10/2023

  • “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VII): Ứng xử với dòng vốn đầu tư mới

    “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VII): Ứng xử với dòng vốn đầu tư mới

    04:30, 09/10/2023

  • “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VI): Khơi thông tiềm năng chất bán dẫn ở Việt Nam

    “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VI): Khơi thông tiềm năng chất bán dẫn ở Việt Nam

    03:30, 08/10/2023

  • “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ V): Nóng các đòn “ăn miếng trả miếng”

    “Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ V): Nóng các đòn “ăn miếng trả miếng”

    04:30, 06/10/2023

  • Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ IV): Các liên minh sừng sỏ làm nóng cuộc đua

    Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ IV): Các liên minh sừng sỏ làm nóng cuộc đua

    04:00, 05/10/2023

  • "Cuộc chiến" chất bán dẫn (Kỳ III): Hàng trăm tỷ USD "bốc hơi" vì căng thẳng

    04:00, 04/10/2023

  • "Cuộc chiến" chất bán dẫn (Kỳ I): Ai đang dẫn đầu cuộc chơi?

    04:20, 02/10/2023

TRƯỜNG ĐẶNG