Hai bài học khởi nghiệp từ Israel, Phần Lan
Giáo dục khởi nghiệp, hút vốn cho startup từ khu vực tư nhân của Việt Nam có thể học hỏi từ cách làm ở hai cường quốc về khởi nghiệp.
Tích hợp giáo dục khởi nghiệp trong trường học
2017 là năm Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đặc biệt quan tâm tới vấn đề giảng dạy, đào tạo cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là sinh viên có đủ kiến thức căn bản để khởi nghiệp.
Chia sẻ ý kiến trên trang Truyền thông khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng để khởi nghiệp thành công, các nhà sáng lập, lãnh đạo startup cần phải có kiến thức về khởi nghiệp. Trong trường đại học, các kiến thức về quản trị doanh nghiệp, kinh doanh, các hoạt động quản lý về thị trường...nhiều khi không được dạy một cách đầy đủ.
"Bộ đang trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như một số trường để có thể đưa nội dung đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên, giúp trang bị những kiến thức cần thiết, ban đầu cho hoạt động khởi nghiệp", Thứ trưởng cho biết.
Tập trung vào giáo dục và phổ cập kiến thức, thông tin khoa học- công nghệ, kĩ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên các cấp là một trong những điều các hệ sinh thái khởi nghiệp tiên tiến trên thế giới ứng dụng và làm tốt như Israel, Phần Lan.
Phần Lan - nơi sản sinh ra những gã khổng lồ làng công nghệ như Linux, Nokia cũng như các tựa game phổ biến toàn cầu như Angry Bird và Clash of Clans- được xếp hạng cao trong giáo dục quốc tế.
Bộ Giáo dục Phần Lan chỉ đóng vai trò định hướng còn các trường học được quyền tự chủ để điều chỉnh bài học, cách giảng dạy ở quy mô lớn. Điều này sẽ giúp các trường học có đủ không giản để dễ dàng thích ứng với những thay đổi trong chương trình giảng dạy chính của quốc gia.
Ví dụ, một trường trung học ở thành phố Espoo đã chọn mảng kiến thức về công nghệ như là điểm nhấn trong chương trình giảng dạy. Trường Saarnilaakson Koulu mở lớp học đặc biệt chỉ với 20 học sinh chuyên về khám phá các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông qua nhiều môn học khác nhau.
Ngoài trường học, các tổ chức phi lợi nhuận như Văn phòng Thông tin Kinh tế (EIO) cũng tích cực tham gia vào quá trình đào tạo thanh thiếu niên Phần Lan. Ví dụ, EIO hỗ trợ sự kiện Slush Youth- chương trình thúc đẩy tư duy sáng tạo và kinh doanh trong giới trẻ.
"Xã hội và thị trường lao động ngày càng trở nên phức tạp và thay đổi nhanh chóng. Điều cần làm bây giờ là thúc đẩy, truyền cảm hứng cho giới trẻ để học sinh sinh viên quan tâm hơn tài chính, kinh tế và kinh doanh. Đây là điều quan trọng để phát triển kinh tế khu vực tư nhân, đẩy mạnh phong trào và tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…", Chủ tịch EIO cho biết.
Tại Israel, tinh thần doanh nhân cùng những kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp được tích hợp vào các chương trình giảng dạy cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều cuộc thi được mở ra dành cho học sinh trung học hướng tới tinh thần khởi nghiệp, giúp các em xây dựng ý tưởng, kế hoạch kinh doanh của mình cũng như cách phát triển ý tưởng phù hợp trong bối cảnh thương mại.
Các sinh viên từ năm thứ hai trở đi gần như bắt buộc phải có dự án kinh doanh riêng, tự mở công ty, khởi nghiệp…Tất cả điều đó giúp học sinh, sinh viên tại Israel không còn lạ lẫm với thế giới doanh nhân, startup sau này.
Thu hút nguồn vốn cho startup từ khu vực kinh tế tư nhân
Về quan điểm hỗ trợ tài chính cho các startup, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: "Nhà nước chỉ là người đưa ra vốn mồi, còn nguồn lực lớn nhất sẽ huy động từ nguồn kinh phí trong nước và ngoài nước. Điều này nên được làm rõ trong quá trình thực hiện hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo".
Theo đó, các hoạt động khởi nghiệp được hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách thông qua các trung tâm ươm tạo và tư vấn khởi nghiệp. Đến hết năm 2017, cả nước đã có hơn 40 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động thường xuyên, liên tục.
Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam là kích thích khu vực tư nhân tham gia. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được kỳ vọng cùng chung tay để trở thành những người đầu tiên mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ của các startup, giới thiệu các công ty khởi nghiệp vào những chương trình xúc tiến thương mại.
Từ trường hợp của Phần Lan, quốc gia này có một loạt các biện pháp hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất đáp ứng sự phát triển của nhiều ngành. Các startup được hỗ trợ bởi Quỹ đầu tư Phần Lan dành cho Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Tekes). Năm 2015, Tekes tài trợ khoảng 700 công ty khởi nghiệp. Quỹ đã rót tổng cộng 140 triệu euro cho các startup hoạt động dưới 6 năm.
"Các khoản tài trợ dành cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu được giải ngân khá thoải mái, cho phép các startup thử nghiệm sản phẩm và tìm thị trường mục tiêu. Tuy nhiên, sẽ chỉ có một số ít các startup qua được giai đoạn này, bật lên và nhận thêm tài trợ ở các lần sau", Giám đốc điều hành Jukka Hayrynen cho biết.
Trong hệ sinh thái khởi nghiệp Phần Lan, các nhà đầu tư tư nhân đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ rót vốn cho các startup, nhiều nhà đầu tư cũng trở thành các doanh nhận khởi nghiệp. Năm 2015, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư tư nhân đã đổ khoảng một tỷ euro (1.5 tỷ USD) vào các startup trong nước, theo thống kê từ Hiệp hội Liên doanh Đầu tư Phần Lan.
Tương tự tại Israel, khu vực kinh tế tư nhân và các tập đoàn công nghệ lớn đóng vai trò chủ chốt trong việc ươm tạo, đầu tư cho các startup mới thành lập. Hoạt động của các công ty khởi nghiệp luôn được thúc đẩy, hỗ trợ bởi sự tăng tưởng nguồn vốn đầu tư dồi dào từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các nguồn gây quỹ cộng đồng, các nhóm nhà đầu tư thiên thần, doanh nghiệp từ khu vực kinh tế tư nhân dành cho những startup mới thành lập.
Israel hiện có khoảng 250 tập đoàn đa quốc gia cùng các trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm đặt tại đây như Apple, Google, Facebook, Microsoft, Yahoo, IBM, Cisco…Nhiều ông lớn công nghệ ngày càng tham gia mạnh mẽ hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp ở quốc gia này bằng cách mở các vườn ươm hoặc trực tiếp bỏ tiền đầu tư vào công ty khởi nghiệp.