Hốt bạc từ nghề làm kiểng thú

Theo thanhnien 29/01/2018 06:23

Cây kiểng hình linh vật là một trong những mặt hàng độc đáo được các nghệ nhân ở “vương quốc” hoa kiểng chuẩn bị rất công phu để phục vụ thị trường tết.

Nhiều chậu kiểng hình con chó của ông Vi đã được khách hàng đặt mua trước tết 1 tháng; ảnh Duy Tâ

Nhiều chậu kiểng hình con chó của ông Vi đã được khách hàng đặt mua trước tết 1 tháng; ảnh Duy Tâ

Những ngày này, ven QL57, đoạn từ xã Hưng Khánh Trung B đến xã Vĩnh Thành (H.Chợ Lách, Bến Tre), nhà vườn tất bật tạo hình, chăm chút các loại kiểng hình thú.

Ông Lê Văn Trí (43 tuổi, ngụ xã Hưng Khánh Trung B, H.Chợ Lách) có 20 năm làm nghề kiểng thú, cho biết năm nào gia đình ông cũng uốn hàng chục cây quất kiểng hình thú tương ứng với linh vật của năm. Mỗi loại có độ khó riêng và cần tỉ mỉ đến từng chi tiết, riêng kiểng chó khó làm hơn kiểng gà năm 2017 rất nhiều.

Bắt đầu từ tháng 2 âm lịch, ông Trí đã chuẩn bị chiết quất thành nhánh, cho vào bầu rồi bó lại để ươm. Đến đầu tháng 10 âm lịch ông bắt đầu thực hiện công đoạn tạo hình. Theo ông Trí, trước tiên phải vạch ra ý tưởng cho bộ khung, sau đó phác họa ra giấy, chỉnh sửa đến khi hoàn thiện và đem đi thiết kế, hàn nối những thanh sắt tạo khuôn, dồn những giỏ quất đạt chất lượng vào khung sắt để tạo hình. Công đoạn tạo hình đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác để cho ra sản phẩm đạt yêu cầu. Người thợ phải uốn nắn những nhánh quất sao cho đúng tỷ lệ khuôn sẵn có, tỉa lá thật đều theo tỷ lệ khuôn, tránh làm trái bị dập, hư hại. Mỗi chậu kiểng chó cần khoảng 20 giỏ quất (mỗi giỏ 3 - 4 nhánh). Phần từ cổ đến đầu của kiểng chó tạo hình rất khó và đòi hỏi kỹ thuật cao.

Khung dùng để tạo hình kiểng chó chỉ có 2 mẫu, dáng đứng và dáng ngồi. “Nếu quá trình uốn vào khung có một số trái bị dập thì loại bỏ ngay. Bên cạnh đó, phải có bí quyết xử lý để trái chuyển màu vàng, đỏ đúng thời điểm, khi đó sản phẩm mới được cho là hoàn thiện. Sản xuất kiểng thú so với các loại kiểng tạo hình khác đều có những cái khó riêng. Nhưng thị hiếu của khách hàng thường chọn mua những loại kiểng thú được tạo hình từ cây quất”, ông Trí cho biết.

Theo ông Trí, trong kiểng thú 12 con giáp thì kiểng ngựa có giá cao nhất do mang ý nghĩa “mã đáo thành công”, giá 10 - 12 triệu đồng/cặp. Năm nay mưa bão nhiều, chi phí sản xuất tăng 15 - 20% nên số lượng kiểng chó ông Trí làm không nhiều, chỉ khoảng 30 cặp kích thước lớn và 10 cặp nhỏ. Hiện tại, thương lái từ Hà Nội, Bình Dương, Đắk Lắk đã đến tận vườn đặt mua 12 cặp, trong đó loại lớn giá 6 - 7 triệu đồng/cặp, nhỏ 2 - 3 triệu đồng/cặp. Ông Trí nhẩm tính, với giá bán này, vụ kiểng tết năm nay ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Tỉ phú cây kiểng ở làng hoa Phó Thọ - Bà Bộ Tương tự, nghệ nhân Lê Văn Vi (50 tuổi, ngụ ấp Phú Long, xã Tân Khánh Trung B) với 13 năm trong nghề đã mày mò, sáng tạo các loại kiểng hình, kiểng thú độc, lạ bằng cây quất. Theo ông Vi, phần đầu chó được xem là bộ phận quan trọng nhất khi tạo hình và được làm rất kỳ công. Trước tiên, tạo mặt nạ từ bông gòn và keo, hồ kết dính, sau đó nắn cho giống đầu chó thật. Kế tiếp dùng nước sơn vẽ và tô đậm những chi tiết như mắt, mũi, miệng, màu da... Sự khéo léo của nghệ nhân là phải làm sao để sản phẩm thật sự có hồn. Tùy theo kích thước, một người phải mất 1 - 2 ngày để tạo ra một chậu kiểng chó.

Thời điểm này, khách từ nhiều tỉnh, thành đã đến các vườn kiểng ở H.Chợ Lách đặt mua kiểng thú với số lượng lớn. Tại cơ sở của ông Vi, kiểng hình chó được bán với giá 4 - 6 triệu đồng/cặp loại nhỏ, 10 - 12 triệu đồng/cặp loại lớn và 15 - 16 triệu đồng/cặp loại cực lớn... Ông Vi nhẩm tính, sau trừ chi phí, năm nay ông thu lãi từ kiểng thú khoảng 70 triệu đồng.

Theo thanhnien