Khởi nghiệp với son môi ăn được
Cô gái nhỏ nhắn ở phố núi Gia Lai, Nguyễn Thị Kim Giang đánh liều vào TP.HCM khởi nghiệp với sản phẩm son môi ăn được.
Với vốn lận lưng là tấm bằng kế toán ở Trường Cao đẳng Kinh tế TP HCM, ra trường Giang được tuyển dụng vào làm ở một công ty thực phẩm. Nhanh nhẹn, ham học hỏi và chịu khó nên cô được công ty tín nhiệm đưa lên làm cửa hàng trưởng.
“Sinh viên mới ra trường, như thế là đáng mơ ước với em cũng như nhiều bạn. Môi trường làm việc ở đây cũng rất tốt. Có điều công việc cứ cuốn mình đi, không có thời gian làm gì đó cho riêng bản thân. Em xin công ty về Gia Lai sau hai năm làm việc ở TP HCM và được giữ nguyên chức vụ. Em đã tổ chức lại hoạt động của cửa hàng, cùng những cộng sự đưa doanh thu lên nhiều lần. Nhưng em muốn thử sức cho riêng mình, lúc đó không nghĩ sẽ làm gì nhưng vẫn nộp đơn xin nghỉ việc sau 3 năm gắn bó với công ty”, Giang kể.
Cơ duyên khởi nghiệp bằng sản phẩm son môi của Giang cũng tình cờ. Giang kể lúc về Gia Lai có tìm hiểu trên mạng và học hỏi thêm một số người ở TP HCM để làm son cho chị gái dùng.
Giang nói: “Chị em lúc đó đang có em bé. Dùng những sản phẩm son môi khác cứ bị dị ứng nên em muốn làm son cho chị và cả em dùng. Có sẵn công thức, em nhờ bạn bè mua nguyên liệu từ nước ngoài về dùng thử. Nhiều lần thất bại rồi cuối cùng cây son do chính mình làm ra đã đạt kết quả”.
Sau đó, Giang tìm hiểu thị trường và biết rằng mỹ phẩm ở Việt Nam khoảng 90% nhập từ nước ngoài, 10% còn lại được phân chia rất manh mún cho những nhà sản xuất trong nước. Được bạn bè động viên, Giang mạnh dạn trở lại TP HCM mở công ty, bắt đầu khởi nghiệp bằng sản phẩm son môi. Giang lên Facebook giới thiệu sản phẩm son môi của mình dùng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, có thể ăn được và cam kết không có chì.
“Em đã đưa sản phẩm đi kiểm định chì. Em gửi sản phẩm của mình cho nhiều người dùng thử và được phản hồi tốt như son giữ màu lâu, không bị dính khi sử dụng, mềm môi, không làm khô môi khi thời tiết trở lạnh”, Giang cho biết.
Giang tự nhập nguyên liệu, làm công thức cho sản phẩm của mình, đặt bao hộp và thuê các nhà máy sản xuất mỹ phẩm gia công. Mới ra đời hơn 3 tháng nhưng Giang kể đã có hơn 10.000 thỏi son được bán với giá rất cạnh tranh, chỉ trên 200.000 đồng/thỏi. Hiện Giang đã đưa ra công thức để làm được 17 màu son. Hệ thống tiêu thụ của công ty do Giang làm chủ đã vươn ra 38 tỉnh thành.
Những ngày này, Giang cùng đội ngũ cộng sự tất bật với nhiều đơn hàng từ khắp cả nước. Cô chủ tuổi đời mới 27, xuất thân từ con nhà nông ở xã Nam Yang, H.Đăk Đoa cũng bận rộn với nhiều ý tưởng kinh doanh, tham vọng đưa sản phẩm của mình lên những nấc thang mới. Non trẻ là vậy nhưng công ty của Giang năm rồi mới được bình chọn là thương hiệu xuất sắc năm 2017 do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Việt Nam, Liên hiệp Khoa học phát triển doanh nghiệp Việt Nam và Đài truyền hình TP HCM đồng tổ chức.
“Mọi việc đang ở những bước đầu. Em mong sản phẩm của công ty mình sẽ được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn”, Giang kỳ vọng.