Tỷ phú Đông Nam Á xây dựng cơ nghiệp từ hạt giống
Chủ tịch Dhanin Chearavanont biến CP Group từ một cửa hàng hạt giống nhỏ trở thành tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan với khối tài sản khổng lồ.
Ông Dhanin Chearavanont, Chủ tịch Charoen Pokphand Group (CP Group) là một trong những người giàu nhất Đông Nam Á với khối tài sản ước tính 12,3 tỷ USD, theo Bangkok Post. Tập đoàn của ông có hơn 250 công ty đầu tư tại 16 quốc gia, hơn 300.000 nhân viên, quy mô trải rộng từ Đông Nam Á, Trung Quốc đến châu Âu và Mỹ.
Khởi đầu khiêm tốn
Ba lĩnh vực hoạt động chính của tập đoàn là nông nghiệp, chuỗi cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven và truyền thông. Trong làn sóng di cư đến Thái Lan của một bộ phận người Trung Quốc, cha của Dhanin là ông Chia Ek cũng không đứng ngoài cuộc. Ông cùng anh trai lập nên một cửa hàng nhỏ bán hạt giống mang tên Chia Tai tại khu Chinatown ở Bangkok vào năm 1921. Đó là khởi đầu của tập đoàn hùng mạnh CP Group sau này.
Việc buôn bán suôn sẻ bởi nhu cầu của bộ phận nông dân người Hoa muốn trồng những giống cây quen thuộc. Cửa hàng mở rộng bán rau củ nhập khẩu phục vụ dân số Trung Quốc đang ngày một phát triển tại xứ Chùa Vàng.
Đến những năm 1950, hai anh trai của Dhanin cũng tham gia công việc kinh doanh và tiến vào thị trường thức ăn chăn nuôi gia súc, đánh dấu sự ra đời của công ty Charoen Pokphand, được xem là nhánh mở rộng của Chia Tai. Thời điểm này, cậu út của gia đình là Dhanin đang học đại học tại Hong Kong.
Năm 1958, Dhanin trở về Thái Lan giúp đỡ việc kinh doanh. Với đầu óc nhạy bén, từ năm 1960, ông đã đưa công ty phát triển nhanh chóng, tăng số lượng nhà máy thức ăn chăn nuôi và khách hàng không chỉ ở Thái Lan, mà còn xuất khẩu qua thị trường nước ngoài.
Công ty thành lập chi nhánh đầu tiên tại Hong Kong khi Dhanin chỉ mới 25 tuổi nhưng đã đóng vai trò chủ yếu trong sự phát triển thần tốc trong việc kinh doanh. Vào cuối những năm 1960, CP có thể khẳng định vị thế dẫn đầu trong phân khúc sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 1970, Dhanin chính thức trở thành chủ tịch đời thứ ba và là CEO của tập đoàn CP và tập đoàn Chia Tai.
Ông Dhanin nhận thấy ngành công nghiệp chăn nuôi đã có bước phát triển về công nghệ ở phương Tây, tiến bộ trong kỹ thuật nhân giống và các công thức trộn thức ăn mới, công nghệ dây chuyền sản xuất hiện đại giúp tăng sản lượng gia cầm.
Nắm bắt thời cơ, ông quyết định mở rộng hoạt động của CP vào lĩnh vực này. Ông bỏ công tìm kiếm giống gà Broiler và học hỏi công nghệ từ Mỹ, thông qua liên doanh với công ty Arbor Acres. Dhanin cũng thuê những chuyên gia dinh dưỡng nước ngoài để phát triển công thức thức ăn mới, tạo năng suất cao hơn.
Tập đoàn đã thành công trong việc nuôi gia cầm đạt kích thước trưởng thành chỉ trong vòng 7 tuần so với thời gian 4 tháng, với lượng thức ăn chỉ tiêu tốn một nửa so với các giống gà khác. Ông hỗ trợ nông dân Thái Lan nuôi gà, chuyển giao cả công thức và công nghệ, từ đó nâng cao chuẩn mực và giá trị kinh tế của nền chăn nuôi gà nước nhà, đáp ứng chuẩn quốc tế. Thái Lan vươn lên trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gà.
"90% công nghệ mà chúng tôi học hỏi được đến từ Mỹ, 10% còn lại từ châu Âu. Chúng tôi không muốn người nông dân vất vả đối mặt với thời tiết, sâu bệnh mà muốn họ làm ít hơn, năng suất cao hơn. Khi đó thì cả tập đoàn, người nông dân và khách hàng mới cùng có lợi", vị chủ tịch chia sẻ.
Tiên phong tại thị trường Trung Quốc
Dựa trên những thành công trong lĩnh vực chăn nuôi, Dhanin đã tăng cường đa dạng hóa công ty, mở thêm nhiều trang trại chăn nuôi, khu sản xuất, chế biến, và cả chuỗi nhà hàng riêng. Phạm vi hoạt động mở ra thêm nhiều nước như thị trường Indonesia năm 1972, thách thức cả những doanh nghiệp Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản để dành chỗ đứng của mình vào năm 1973, chinh phục thị trường Singapore năm 1976.
Theo Nikkei, CP là tập đoàn nước ngoài đầu tiên đặt văn phòng chi nhánh tại Thẩm Quyến, kể từ khi Trung Quốc mở cửa kinh tế đón đầu tư nước ngoài. Đây được xem là sự mở rộng thành công nhất của tập đoàn. Với lợi thế tiên phong trong thị trường rộng lớn, ông đã đầu tư mở trang trại chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc. Chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, CP đã xây dựng 200 chi nhánh ở Trung Quốc.
Quyết định táo bạo của Dhanin là đưa ngũ quản lý mới vào tập đoàn, vị trí mà trước đây chỉ dành cho những thành viên thân thiết của gia đình. Lúc đầu ý định này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các anh trai ông, nhưng điều này đã đưa tập đoàn phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn.
"Đó là một thử thách bởi CP vốn là tập đoàn gia đình. Nhưng bạn cần nhìn về hướng phát triển xa hơn, trong khi vẫn phải cân bằng lợi ích các thành viên", Dhanin chia sẻ.
Việc đầu tư của tập đoàn tại Trung Quốc đã góp phần thay đổi thói quen ăn uống của người dân, khi mức tiêu thụ thịt gia cầm bình quân đầu người đã tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ 1990. Năm 1986, ông nghiên cứu giống tôm mới phù hợp với điều kiện khí hậu tại Thái Lan. Những năm 1990, ông lại phát triển và nhân rộng các giống lợn của riêng mình.
"Bí quyết là đưa lại lợi ích cho tập đoàn và cho cả Trung Quốc, bởi họ sẽ không chào đón nếu bạn chỉ biết thu lợi cho riêng mình", Dhanin hồi tưởng trong buổi phỏng vấn với đài truyền hinh CNBC.
Tiềm lực mạnh đi đôi với tham vọng bành trướng. Trong năm 1988, vị chủ tịch đã khai trương Chester’s Grill, nhà hàng nướng sang trọng và hệ thống siêu thị Makro đứng hàng đầu trong chuỗi bán lẻ của Thái Lan. Đây cũng là năm CP mở ra chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven nổi tiếng, với tốc độ mở rộng 20 cửa hàng mỗi tháng. Riêng tại Thái, có hơn 7.700 cửa hàng này.
Ông quyết định tiến vào lĩnh vực kinh doanh viễn thông, liên doanh với công ty của Mỹ để thành lập TelecomAsia, cạnh tranh với công ty điện thoại của nhà nước. Thế nhưng không phải lúc nào ông cũng thành công.
Khủng hoảng kinh tế khu vực châu Á đã khiến công ty viễn thông này sụt giảm lượng khách hàng và nợ đến 1,5 tỷ USD. Dhanin nhận ra việc đa dạng hóa của mình đã quá tham vọng và công khai thừa nhận điều đó, cam kết tập trung và đơn giản hóa cấu trúc, tăng cường minh bạch tài chính.
Từ một công ty nông nghiệp, CP Group dưới bàn tay điều hành của ông đã dần chuyển mình thành một công ty "siêu công nghiệp" của ngành thực phẩm chế biến. "Tôi thừa hưởng triết lý kinh doanh của cha mình, luôn đặt chất lượng và lợi ích khách hàng lên trước", vị chủ tịch chia sẻ.
Bài học ông nhớ nhất chính là việc cha ông tỷ mẩn in từng ngày sử dụng lên các gói hạt giống, để nếu quá hạn thì cửa hàng sẵn sàng đổi cho khách hạt giống mới miễn phí, và ông áp dụng nguyên tắc đó trong suốt năm thập kỷ điều hành của mình.