Hành trình khởi nghiệp nước mát của cô chủ 8X
Đó là chia sẻ của cha Nguyễn Thị Huệ (tên thường gọi là An Nhiên), về hành trình khởi nghiệp nước mát, mật mía, rồi giờ đến thảo mộc khô của cô con gái sinh năm 1989.
“Nói đúng ra nó cũng có bằng cấp, có duyên đi xin việc. Nó đang làm ở công ty thì tự nhiên nghỉ việc để đi bán nước ở công viên và vỉa hè, tôi ngỡ ngàng không hiểu nổi con mình. Tôi cũng hơi buồn, mẹ nó cũng hơi buồn”, cha của Huệ nói.
“Nó nói gì thì làm bằng được. Đầu tiên tôi rất bực vì nó thích gì là làm bằng được thì thôi. Thất bại nhưng vẫn theo đuổi, bao giờ xong mới thôi”, cha Huệ kể tiếp.
Thực tập ở Singapore về, đầu tư 40 triệu vào cửa hàng của bạn, mất trắng
Trong một chương trình truyền hình, Huệ có kể rằng, sau khi tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP HCM, cô xách ba lô đến đảo quốc sư tử thực tập.
Gần 1 năm ở xứ người (năm 2013), cô vừa thực tập vừa kiếm thêm và mang về Việt Nam được khoảng 40 triệu. Cô dùng tiền đó hùn vốn vào một quán của người bạn nhưng quán thua lỗ và cô không thu được đồng nào từ thương vụ đó.
Sau đó, cô gái sinh năm 1989 làm ở một công ty xuất nhập khẩu tại TP HCM. Tuy làm việc ở đó nhưng cô vẫn ấp ủ giấc mơ xây dựng một cái gì đó của riêng mình. Cô nhận thấy nước mát làm từ thảo mộc như nha đam rất tốt cho sức khỏe nên khởi nghiệp ở mảng này.
Bán nước mát đóng chai dạo ở công viên và vỉa hè
Với những chai nước mát đóng chai làm từ nha đam, sâm, Huệ bán dạo ở công viên. Thế rồi, sản phẩm có vẻ được khách hàng đón nhận, cô gái bán trên vỉa hè.
“Bán trên vỉa hè tôi cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc tranh chấp về điểm bán”, Huệ kể khi được hỏi về khó khăn bán hàng dạo trên lề đường.
Gia đình biết, cản nhưng cô gái vẫn âm thầm làm. “Có hôm đến bữa cơm, tôi xách xe đi để bố mẹ khỏi nói”, Huệ kể về những ngày đầu khởi nghiệp.
Dần dần, sản phẩm của Huệ được nhiều người tin dùng, họ dùng một lần rồi quay lại. Cô tranh thủ mọi cơ hội để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình như hội chợ, bán online... Huệ cũng mạnh dạn thuê đất ở quận 12 để trồng các loại thảo mộc, tự cung cấp cho các sản phẩm nước mát của mình.
Sau nhiều lần trải nghiệm và vài năm khởi nghiệp, khó khăn của dự án vẫn là bảo quản khó và chỉ dùng được trong ngày. Hàng tồn là đổ đi.
Sản phẩm mới từ chính những trải nghiệm của bản thân
Một lần, Huệ bị nóng trong người, thân mình nổi mề đay, chữa thuốc này thuốc kia nhưng không đỡ. Nhận thấy đó là những tác động từ bên trong cơ thể, cô tìm các thầy thuốc đông y để trị bệnh.
Nhờ các sản phẩm thảo dược như lá cây, rồi nước ngâm chân, bệnh của Huệ được cải thiện rõ rệt. Và cô quyết định tập trung vào các sản phẩm giải độc cơ thể nhưng lần này, các sản phẩm của cô ở dạng khô để khắc phục bài toán về bảo quản. Cô bắt đầu dự án này từ giữa năm 2017.
Nhờ chỉ dẫn của các chuyên gia về đông y và hợp tác với các cơ sở uy tín, sản phẩm của cô được nhiều người đón nhận. Sản phẩm của Anplus nay đã được bán tại 20 đại lý khắp TP HCM. “Năm nay, chúng tôi sẽ tăng gấp đôi số đại lý lên”, Huệ vui mừng thông báo.
Huệ đánh giá thị trường thảo mộc giải độc cơ thể rất tiềm năng. Cô chủ nhỏ chỉ mới có 3 nhân viên, cho biết thị trường Việt Nam còn rất lớn và bỏ ngỏ nên cô chưa tính đến chuyện đưa sản phẩm ra nước ngoài.