Khởi nghiệp- không nên làm theo phong trào

Huỳnh Khởi 06/04/2018 16:39

Đó là những lời chia sẻ của ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp tại buổi tọa đàm "làm gì để khởi nghiệp hiệu quả" do Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng ngày 6/4.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Ông Hoan, cho rằng: thời gian qua chúng ta hỗ trợ rất nhiều cho đầu vào nhưng hỗ trợ cho đầu ra rất ít. Do đó mới có chuyện khuyến khích trồng và mở cửa hàng rau sạch rồi đi mua "rau dơ" để ăn. Về tiếp cận vốn nếu với tỷ lệ 20% dự án khởi nghiệp thành công thì khó có tổ chức tín dụng nào dám cho vay nếu chúng ta không có quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp.

"Khởi nghiệp không thể mang tư duy nhiệm kỳ,làm theo phong trào vì phong trào có thể lên và xuống. Chúng ta nên đi vào thực chất xem khởi nghiệp là yếu tố sống còn của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập", ông Hoan nói.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ.

Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ: Thực hiện chương trình khởi nghiệp quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt: TP.Cần Thơ đã ban hành, xây dựng nhiều văn bản cũng như các hoạt động khác. Cụ thể  là phối hợp VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức thành công các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, thu hút hơn 250 thí sinh tham gia với hàng trăm ý tưởng, qua đó đã chọn 4 dự án để kết nối doanh nghiệp đưa ra sản xuất thương mại.

Ông Dũng băn khoăn: trong quá trình thực hiện chương trình khởi nghiệp cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần phải khắc phục như: bộ phận khởi nghiệp chưa có định hướng chung và riêng chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực đơn giản; kiến thức chuyên môn, năng lực quản trị của một số startup còn hạn chế; đáng quan tâm là các dự án khởi nghiệp rất khó tiếp cận vốn tín dụng.

 TP.Cần Thơ hiện có trên 8.000 doanh nghiệp  và 72.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Thực hiện chương trình khởi nghiệp quốc gia, địa phương đề ra mục tiêu đến năm 2020 nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn lên 13.000 doanh nghiệp.

 "Để thực đạt mục tiêu trên, địa phương xác định tăng cường hỗ trợ khởi nghiệp từ cơ sở sản xuất  hiện có và các đối tương khác trong đó xem khởi nghiệp trong đối tượng sinh viên là quan trọng. Nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, địa phương xem việc cải cách thủ tục hành chính như thành lập doanh nghiệp không quá 24 giờ và xây dựng quỹ hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp lúc ban đầu, trên cơ sở có một phần hỗ trợ từ nguồn từ ngân sách", ông Dũng thông tin thêm.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐHCT.

GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng ĐHCT.

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ: buổi tọa đàm đã làm nổi lên 3 vấn đề hạn chế lớn nhất trong khởi nghiệp hiện nay, đó là kỹ thuật công nghệ hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa đủ lớn và thiếu nguồn vốn thực hiện. Riêng việc giải bài toán về thị trường, theo GS Toàn: mỗi địa phương có thể lấy sản phẩm chủ lực thế mạnh mình để thúc đẩy khởi nghiệp, trước mắt là phục vụ tại chỗ và  du khách theo phương thức xuất khẩu tại chỗ, sau đó mới hướng tới mạng lưới phân phối hiện đại.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phụ trách VCCI Cần Thơ.

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phụ trách VCCI Cần Thơ.

Bình luận về chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phụ trách VCCI Cần Thơ cho rằng: tuy các địa phương rất quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính như thông tin từ TP.Cần Thơ đưa ra chỉ mất 24 giờ để thành lập doanh nghiệp nhưng chỉ với một số lĩnh vực đơn giản, đối với các ngành nghề có điều kiện thì thủ tục thành lập doanh nghiệp vẫn cần phải tiếp tục cải thiện cắt giảm tối đa điều kiện không cần thiết để tạo thuận lợi hơn cho các startup trẻ bước đầu mới gia nhập thị trường.

Huỳnh Khởi