Giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Doanh nghiệp khởi nghiệp với những sáng tạo và đột phá về công nghệ hứa hẹn là nhân tố quan trọng góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh năng suất lao động tăng thấp.
Tuy nhiên, điểm yếu của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghệp là khó khăn về vốn và công nghệ. Việc hỗ trợ giải quyết các khó khăn này là hoạt động quan trọng hàng đầu.
Hiện nay, các cơ chế hỗ trợ chính sách tới khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo đã có nhưng chưa rõ nét. Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức tín dụng luôn là thành phần quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo ông Tạ Việt Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Khối khách hàng doanh nghiệp, Vietinbank nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa có lịch sử hoạt động để các ngân hàng có cơ sở đánh giá, vì vậy là đối tượng có rủi ro tín dụng cao và thường đi kèm điều kiện tài sản bảo đảm đầy đủ.
Từ kinh nghiệm của chính mình với câu chuyện với một doanh nghiệp khởi nghiệp đã tham dự chương trình Shark Tank, ông Bắc cho rằng, để nhận được vốn đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần cho thấy một kế hoạch sử dụng vốn, một bussiness plan thật kỹ càng cho càng nhà đầu tư. Đây cũng là phần các doanh nghiệp khởi nghiệp tại nước ta đang còn yếu, do đó các nhà đầu tư có cảm giác rủi ro và e dè khi đầu tư vào những công ty non trẻ như các startup.
Vai trò của nhà đầu tư trong giai đoạn đầu đối với các công ty khởi nghiệp là rất quan trọng. Nếu không có giai đoạn này thì họ rất khó để tiếp cận với các nguồn vốn lớn hơn trong tương lai. "Vốn không phải gánh nặng quá lớn nếu các start up có ý tưởng kinh doanh tốt, có khả năng pháp lý, kế toán... thì các ngân hàng, nhà đầu tư mạo hiểm sẽ đều muốn rót tiền đầu tư", ông Bắc chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của Vietinbank, ông Bắc cho rằng, với đặc thù “thiếu tài sản” của nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần thẩm định và cấp tín dụng dựa nhiều trên dòng tiền từ phương án, dự án, nâng tỷ lệ cho vay không có bảo đảm của khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh.
"Đặc biệt, các ngân hàng nên tăng cường xây dựng các sản phẩm chuỗi cung ứng - chuỗi phân phối của các doanh nghiệp lớn, đầu ngành của nền kinh tế; vì vậy doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào cuối giá trị này sẽ là điểm cộng khi vay vốn ngân hàng", ông Bắc cho biết.
Bên cạnh đó, để cung cấp dịch vụ kết nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó Ngân hàng cần giữ vai trò trung gian quản lý tài khoản đầu tư chuyên dùng để hỗ trợ nhà đầu tư kiểm soát việc giải ngân vốn đầu tư đúng lộ trình thỏa thuận giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhờ đó hai bên tin tưởng và hợp tác tốt hơn.
Với đầu tư mạo hiểm, ông Bắc cho biết, cần tăng cường phối hợp các Quỹ, tổ chức tài chính trong và ngoài nước để có nguồn vốn chi phí thấp dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các hình thức ủy thác đầu tư hoặc đi vay và cho vay lại.
"Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, các ngân hàng cần quan tâm đến vấn đề hợp tác với các tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về kiến thức tài chính, nâng cao khả năng "sinh tồn" của doanh nghiệp, bao gồm: hỗ trợ thông tin, tư vấn tài chính, kết nối kinh doanh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với các đối tác từ khắp nơi trên thế giới theo ngành nghề phù hợp." ông Bắc nói,
Với sự phát triển của công nghệ 4.0 và chủ trường liên tục hiện đại hóa và áp dụng công nghệ vào công tác cung cấp sản phẩm dịch vụ theo xu hướng Ngân hàng số trên thế giới, các ngân hàng có thể hợp tác với các Công ty Fintech khởi nghiệp để cải tiến công nghệ ngân hàng. Đây cũng là cách Vietinbank hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.