Tái định nghĩa Quốc gia khởi nghiệp
Quyển sách Quốc gia khởi nghiệp được phát hành rộng rãi miễn phí tại Việt Nam trong những năm trước đã tạo nên ước vọng cho cả dân tộc Việt Nam.
Trong thời gian qua, chúng ta hình như bị ám ảnh bởi từ ngữ Quốc gia khởi nghiệp cho định hướng phát triển khởi nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên kết quả hình như chưa đạt được kỳ vọng và mong muốn của chúng ta. Có lẽ chúng ta cần phải thay đổi nhằm vận dụng thành công hơn những gì Israel làmđược trong bối cảnh của Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam rất khác biệt với Israel về các điểm như sau: Về lịch sử, dân tộc Israel đã phải sống trên cả thế giới khi họ không có quốc gia. Họ vẫn giữ được tiếng nói và văn hóa của mình. Trong mỗi con người Israel đã là một chiến binh khởi nghiệp. Người Israel hiện diện rất nhiều trong ngành tài chính trên thế giới tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn tài chính. Israel cũng sở hữu các nhà khoa học và nghiên cứu hàng đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ trên cả thế giới. Israel có những mối quan hệ tốt với châu Âu và Mỹ - những quốc gia hàng đầu về khoa học công nghệ và kinh tế. Văn hóa Israel - nền văn hóa chấp nhận thất bại, khuyến khích con người kiến tạo. Đó chính là những nguồn lực mà Việt Nam không thể có được trong một thời gian ngắn.
Thứ hai, câu ngạn ngữ “ mọi con đường đều dẫn tới Rome“ có thể áp dụng tại đây. Chúng ta - Việt Nam cần phải suy nghĩ, vận dụng và sáng tạo con đường riêng của mình để biến Việt Nam thành Quốc gia khởi nghiệp. Các điểm khác biệt của chúng ta như sau: Việt Nam là đất nước của nông nghiệp, du lịch và ngành công nghệ thông tin; Doanh nghiệp Việt Nam đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí siêu nhỏ; Trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta còn rất hạn chế đặc biệt trong các lĩnh vực phần cứng ví dụ cơ khí, công nghệ cao... Kết nối của chúng ta với thế giới như vốn, khoa học tri thức còn hạn chế; Văn hóa Việt Nam chưa quen với những thất bại đặc biệt với những thất bại có chi phí lớn từ vài trăm ngàn USD trở lên.
Thứ ba, chúng ta cần xác định rõ chúng ta muốn gì từ Quốc gia khởi nghiệp. Có 05 mục tiêu quan trọng từ khởi nghiệp đó là: Tạo ra những sản phẩm/ dịch vụ của tri thức Việt Nam. Gia tăng việc làm và khuyến khích tự tạo việc làm thông qua khởi nghiệp. Gia tăng lợi nhuận thông qua các loại thuế. Thúc đẩy khoa học công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Gia tăng năng suất, hiệu suất và đổi mới sáng tạo trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Từ những suy nghĩ nêu trên, Quốc gia khởi nghiệp Việt Nam có hai phương hướng tiếp cận lớn tầm mức quốc gia đó là Kiến tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp như các nước phát triển – Israel đã thực hiện; Sử dụng khởi nghiệp như công cụ và phương pháp xử lý các bài toán của nền kinh tế Việt Nam.