Chàng trai khiếm thị khởi nghiệp từ ép củi trấu
Bị hỏng mắt từ nhỏ, thị lực chỉ còn 1/10 nhưng với niềm tin, sự kiên trì, bản lĩnh và quyết tâm, Phạm Nguyên Lượng đã vượt lên chính mình khởi nghiệp thành công với việc sản xuất thanh củi trấu.
Khởi nghiệp bằng đam mê
Tuy khiếm thị nhưng Phạm Nguyên Lượng (1993) tại Trấn Dương - Vĩnh Bảo - Hải Phòng đã không ngừng nỗ lực, vượt lên số phận trở thành sinh viên ngành Công nghệ Thông tin, trường đại học Hàng Hải. Mới đây, Nguyên Lượng còn là một trong 10 gương mặt sinh viên, thanh niên tiêu biểu toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ trao tặng 50 triệu đồng cho dự án khởi nghiệp sản xuất thanh củi trấu Fire Blue tại lễ phát động thanh niên khởi nghiệp do TƯ Đoàn tổ chức tại Hà Nội. Để trở thành ông chủ xưởng sản xuất thanh củi trấu tại Vĩnh Bảo, Nguyên Lượng đã phải trải qua không ít khó khăn.
Chia sẻ với chúng tôi, Nguyên Lượng cho biết, từ khi còn là một cậu sinh viên năm 3 Đại học Hàng hải, Lượng đã nung nấu ý tưởng khởi nghiệp tại địa phương. Như một cái duyên, tôi bắt gặp mô hình sản xuất thanh củi trấu trên mạng internet và nhận thấy mô hình này mình có thể làm được. Quan trọng là tôi thấy mô hình này rất có tiềm năng phát triển cả về nguồn nguyên liệu và đầu ra. Cứ 1 tấn trấu thu được 70-80kg củi trấu. Củi trấu dễ bén lửa, giá thành rẻ hơn so với các nguyên liệu khác. Vì thế nhu cầu thị trường đối với củi trấu ngày càng cao.
Được sự ủng hộ của gia đình, Nguyên Lượng đã vay vốn xây dựng nhà xưởng sản xuất củi trấu ngay trên 200m2 đất của gia đình. Xưởng có công suất max là 100 – 120 tấn nguyên liệu/tháng, sẽ cho ra 80% tấn củi trấu thành phẩm, giá bán là 1.600 đồng – 1.700 đồng/kg. Nguyên Lượng cho biết, củi trấu sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó. Thậm chí, còn có nhiều Công ty đến đặt hàng nhưng công suất hiện tại của xưởng không thể đáp ứng được. Ví dụ: một Công ty trên Hải Dương đặt 300 tấn/tháng củi trấu, hay như một Công ty trên Hà Nội đặt vấn đề sẽ kết nối để sản phẩm của Lượng có thể xuất khẩu…
Tổng vốn đầu tư của Lượng vào xưởng sản xuất tính đến thời điểm này gần 400 trăm triệu đồng. Máy móc anh đặt mua trong Huế, dây chuyền hoàn toàn tự động, chỉ cần đổ trấu vào máy nghiền, trấu nghiền xong được đẩy ra, dưới tác dụng của nhiệt, trấu sinh ra chất kết dính như nhựa đường sẽ kết tinh lại.
Tuy nhiên, vì thiệt thòi hơn người khác, Lượng không thể “khăn gói” đến nơi cung cấp máy móc để trực tiếp học hỏi mà phải mua máy về nhà tự mày mò tìm hiểu. Ban đầu máy nhiều lần bị hỏng, lỗi, hay có những lúc máy không đạt mức nhiệt cần thiết, rơ-le cứ nhảy liên tục, trục xoáy nghiền trấu bị mòn dầu không nghiền được nữa. Những lúc như vậy, Lượng phải tự mày mò, sửa chữa để có những lần chảy máu, dập đầu ngón tay… nhưng cũng không làm anh nản chí. Khắc phục việc tìm kiếm thông tin khó khăn đối với người khiếm thị như mình, các thiết bị tiếp cận thông tin: điện thoại, máy tính… đều được Nguyên Lượng cài đặt phần mềm nói hỗ trợ.
Vẫn là khó về vốn
Lượng cho biết, cuối năm 2017 thì xưởng sản xuất bắt đầu có doanh thu theo hóa đơn, hàng sản xuất ra đến đâu hết tới đó, lại thêm một số Công ty quan tâm và đặt vấn đề hợp tác lâu dài. Tuy nhiên, với công suất hiện tại của xưởng thì không đủ đáp ứng, mà mở rộng cũng không được do xưởng nằm trong khu dân cư. Việc mở rộng quy mô sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn do máy móc phải hoạt động với công suất lớn, ô nhiễm không khí vì trong quá trình sản xuất ra củi trấu phải qua quá trình ép ở nhiệt độ cao sinh ra khói bụi ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe của người dân xung quanh.
Sau nhiều lần đề đạt mong muốn của mình với chính quyền địa phương, muốn thuê một diện tích nằm xa khu dân cư, là khu trường tiểu học cũ đã bị bỏ hoang 5 năm nay. Ông Đặng Văn Chung – PCT UBND xã Trấn Dương cho biết, UBND xã đã tạo điều kiện hết mức cho Nguyên Lượng thuê mặt bằng mở rộng sản xuất, kinh doanh bằng việc ký hợp đồng cho thuê khu trường tiểu học nói trên. So với địa điểm cũ, diện tích địa điểm mới này sẽ đáp ứng được việc làm cho 10 lao động thường xuyên nếu được đầu tư hết công suất.
Chủ cơ sở mong muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng vốn để đầu tư lại vô cùng khó khăn.
Có thể bạn quan tâm |
Lượng cho biết, đầu năm 2017 anh có làm hồ sơ để vay vốn hỗ trợ của Đoàn thanh niên với mức 200 triệu đồng, tài sản thế chấp là một mảnh đất của gia đình. Theo giá thị trường, mảnh đất đó có giá 300 – 400 triệu đồng. Nhưng khi ngân hàng chính sách thẩm định thì giá của mảnh đất đó chỉ còn 75 triệu đồng nên Lượng chỉ được vay 50 triệu đồng với lãi suất thấp. Phần còn lại anh phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao hơn. Như vậy thì những thanh niên nông thôn khởi nghiệp như Nguyên Lượng làm thế nào để tiếp cận được các nguồn vốn chính thức từ xã hội?.
Nguyên Lượng chia sẻ, để xây dựng và sản xuất ban đầu tôi đã huy động tất cả nguồn lực của bản thân và gia đình, đến giờ các khoản nợ đó tôi vẫn chưa trả hết. Nhưng với cơ hội hiện tại đến với tôi không có nhiều, tôi muốn nắm bắt cơ hội này. Hiện tại, với mặt bằng mới tôi muốn vay thêm 400 – 500 triệu đồng để đưa xưởng mới vào hoạt động. Khi mô hình của tôi được mở rộng, tôi tin rằng sẽ tạo ra được nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Hơn thế nữa là tạo động lực cho những người bình thường khởi nghiệp và những người khuyết tật có thể tự tin rằng không có gì là không thể.