Chính thức phát động cuộc thi IoT Startup
Khó khăn chung của các dự án khởi nghiệp trong IoT đó là hiện thực hoá ý tưởng thành các sản phẩm thương mại hoàn thiện.
Đây là nhận định của ông Lê Thành Nguyên - Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao tại Chương trình phát động Cuộc thi IoT Startup 2018 được tổ chức sáng ngày 15/5 tại Hà Nội.
Cuộc thi IoT Startup 2018 được Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC – Saigon Hi-Tech Park Incubation Center), trực thuộc Ban Quản lý Khu Công Nghệ Cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP – Saigon Hi-Tech Park) phối hợp tổ chức cùng Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF).
Theo đó, Cuộc thi Khởi nghiệp IoT Startup khuyến khích các dự án hoạt động trong các lĩnh vực như An ninh, Thương mại điện tử, Y tế, thiết bị đeo, sản xuất thông minh, tự động hoá ngôi nhà, tiết kiệm năng lượng, quản lý đô thị, nông nghiệp thông minh, và các lĩnh vực khác.
Hiện nay, khái niệm IoT vẫn còn mới mẻ tại thị trường công nghệ Việt Nam. Vì vậy, nếu chưa thật sự hiểu rõ khái niệm IoT chắc chắn hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực này sẽ gặp những khó khăn nhất định. Ví dụ như năm 2016, đây là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức, mặc dù là cuộc thi khởi nghiệp chuyên về IoT tuy nhiên cuộc thi vẫn chỉ đơn thuần nhận được các dự án ứng dụng app hoặc phần mềm quản lý.
Chia sẻ rõ hơn về những khó khăn mà các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT gặp phải, ông Lê Thành Nguyên cho biết, để hiện thực hoá các dự án thành các sản phẩm thương mại, các dự án phải đáp ứng được yêu cầu về mặt công nghệ, mà đây thường là điểm yếu của các dự án Startup IoT. Chính vì vậy trong khuôn khổ cuộc thi, ban tổ chức sẽ có một cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ đằng sau cho các dự án, startup. Trong đó chú trọng nhất là về công nghệ, sau khi có công nghệ, dự án được hoàn thiện, sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường cũng như kêu gọi ngày càng nhiều các nhà đầu tư vào các dự án này.
"Khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT chỉ cần các bạn sinh viên, startup có đam mê và sự khác biệt, chắc chắn dự án sẽ thành công", ông Lê Thành Nguyên nhấn mạnh.
Startup ACIS Smarthome là một trong những dự án đã trưởng thành hơn sau khi tham dự cuộc thi. Đây là startup ứng dụng IoT cụ thể là công nghệ AI nhằm đưa ra các giải pháp thông minh cho ngôi nhà. Với những thế mạnh về dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, cộng với niềm đam mê, sự khác biệt, hứa hẹn các startup có thể ứng dụng ngày càng nhiều IoT vào nhiều lĩnh vực khác nhau đặc biệt là nông nghiệp thông minh, y tế...
Được biết, điểm khác của mùa thứ 3 Cuộc thi IoT Startup 2018, đó chính là bên cạnh đối tượng nhóm A là sinh viên, thì có nhóm B là các đối tượng khác. Ngoài ra, các dự án tham gia cuộc thi IoT Startup 2018 sẽ được sử dụng miễn phí hoặc với mức giá ưu đãu tại các phòng lab như MIS – SHTP-IC, Fablab – MIS – Đà Nẵng, IoT Marker Hà Nội...đây là các khu vực làm việc được trang bị các thiết bị hỗ trợ cho việc thiết kế và hoàn thiện sản phẩm như máy cắt laser, máy in mạch, Kit IoT cơ bản, máy in màu khổ lớn.
Ngoài ra, các dự án còn nhận được sự hỗ trợ cố vấn miễn phí từ các chuyên gia đồng hành trong lĩnh vực vi mạch, softwave, sở hữu trí tuệ...., đồng thời các dự án, startup cũng nhận được sự hỗ trợ tư vấn về xây dựng thiết kế kiểu sáng công nghiệp cho sản phẩm tham gia cuộc thi.
Tham gia chương trình các dự án, startup còn được tham dự Startup Tour thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, trong đó phải kể đến cơ hội nhận được sự hỗ trợ cố vấn của các mentor về tài chính, marketing trong tổ chức VMI theo hình thức 01 mentor - 01 dự án (chương trình áo dụng riêng cho dự án tham gia nhóm B và được chọn tham gia vòng chung kết).
Cuộc thi IoT Startup 2018 được phát động và tiếp nhận hồ sơ từ ngày 5/5-15/6; từ ngày 15-25/6 xét chọn dự án, ngày 25/6-30/8 là hoàn thiện sản phẩm, đầu tháng 9 sẽ diễn ra vòng bán kết, từ tháng 9 – tháng 10 đào tạo gọi vốn, vòng chung kết dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10.