NTK Vincent Đoàn: "Khởi nghiệp ngành thời trang không thể chỉ chạy theo doanh thu"

Thanh Thanh 18/05/2018 10:32

Khởi nghiệp ngành kinh doanh thời trang, nhà thiết kế (NTK) Vincent Đoàn khá trăn trở về hàng nhái-hàng "copy"...

Sớm nhận ra tiềm năng lớn của thị trường thời trang Việt Nam, cách đây 4 năm nhà thiết kế Vincent Đoàn quyết định về quê hương khởi nghiệp dù vấp phải sự phản đối từ gia đình và bạn bè. Trải qua bao vất vả, đến nay, Vincent Đoàn đã ghi dấu  ấn trong làng thời trang Việt Nam với danh hiệu “Nhà thiết kế hoa hậu”.

Bên cạnh niềm vui sau thành công của bộ sưu tập "Bold Fun Forever" tại tuần lễ thời trang Vietnam International Fashion Week (VIFW) Spring Summer 2018 thì NTK Vincent Đoàn cũng bày tỏ nỗi trăn trở vì hiện có nhiều nhà kinh doanh thời trang nhân sản phẩm nhái (copy) hàng loạt để bán, bởi sự cạnh tranh không lành mạnh này sẽ  “giết chết” NTK thời trang cũng như ngành thời trang Việt Nam còn non trẻ.

NTK Vincent Đoàn và người mẫu Ngọc Anh Thư tại tuần lễ thời trang VIFW Spring Summer 2018 (ảnh: Katsu Phương)

NTK Vincent Đoàn và người mẫu Ngọc Anh Thư tại tuần lễ thời trang VIFW Spring Summer 2018 (ảnh: Katsu Phương

Sinh sống, học tập rồi thành công ở Mỹ - một trong những kinh đô thời trang của thế giới nhưng tại sao Vincent Đoàn quyết định quay về Việt Nam để khởi nghiệp?

NTK Vincent Đoàn: Phải nói thật lòng là thành công ở thị trường thời trang quốc tế là vô cùng khó khăn vì sự cạnh tranh khá lớn. Vincent sớm nhận ra tiềm năng  thị trường thời trang trong nước nên quyết định quay về. Kinh tế tăng trưởng, mức sống người dân nâng cao, Việt Nam còn là một thị trường có dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày một tăng. Người Việt giờ cũng tỏ ra “thoáng tay” khi sẵn sàng trả vài nghìn USD cho một cái áo hàng hiệu hay một sản phẩm thiết kế riêng biệt. Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm hàng thời trang của người Việt lại bắt nhịp nhanh với các nước trên thế giới, thị trường thời trang Việt cũng có những bước phát triển nhanh chóng.

Thế nhưng sự lựa chọn này đã vấp phải nhiều sự phản đối của bạn bè và người thân vì họ cho rằng Vincent quá mạo hiểm. Lúc đó bản thân Vincent còn thiếu nhiều yếu tố để khởi nghiệp ở Việt Nam thành công như không có gia thế, mối quan hệ rất ít, tiềm lực tài chính có hạn, chưa quen biết nhiều người trong giới showbiz…Nhưng Vincent đã quen sống tự lập từ nhỏ và tin rằng ở đâu vẫn có thể sống được nếu mình có khả năng. Điều quan trọng nữa là Vincent muốn khám phá chính mình, khám phá năng lực bản thân trong ngành thiết kế thời trang ở môi trường hoàn toàn khác với nước Mỹ.

Năm 2015 bộ sưu tập San hô đỏ của NTK Vincent Đoàn để lại dấu ấn trong làng thời trang VN. Sau bộ sưu tập này, việc kinh doanh của anh đã tốt hơn? 

Trước khi trình làng BST “San hô đỏ” Vincent có một thời gian rơi vào bế tắc trong 6 tháng. Về VN dù rất tự tin và đầy bản lĩnh nhưng Vincent cũng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, từ cú sốc này đến cú sốc khác, sốc nhất là về con người và văn hóa, cộng với vốn tiếng Việt lại rất khiêm tốn, có lúc nói người khác không hiểu, có lúc lại không hiểu người ta nói gì.

Sau những lần bầm dập te tua và thậm chí bị phản bội thì cũng có lúc tự ngẫm sao mình “khùng điên” đến vậy. Năm 2015, Vincent về Mỹ thăm gia đình trong khoảng nửa năm và cũng là thời gian nhìn lại chính mình, những gì đã va vấp, những kinh nghiệm sau một thời gian về khởi nghiệp và thấy nhớ VN nhiều lắm. Vincent nhận ra không phải mình ương bướng mà vì mình lỡ yêu mảnh đất này rồi. Sau 6 tháng, Vincent quyết định quay trở lại VN và trình làng bộ sưu tập “San hô đỏ”.

Sau “San hô đỏ” nhiều người biết đến NTK Vincent Đoàn. Trước đó Vincent cũng đã đầu tư một showroom trên đường Sương Nguyệt Ánh – quận 1- TPHCM. Khách hàng của Vincent chủ yếu là khách văn phòng có thu nhập ổn định với tư duy thời trang rõ nét và ổn định. Vincent có nguyên tắc kinh doanh là không phải khách hàng nào đặt hàng mình cũng thiết kế và không phải bán sản phẩm với bất kỳ giá nào nếu như khách hàng không tôn trọng NTK, không tôn trọng bộ cánh họ mặc.

- Theo anh, thì thị trường thời trang made in NTK Việt Nam hiện nay như thế nào? Và làm thế nào để các thương hiệu thời trang made in NKT Việt Nam ra thế giới?

Thị trường thời trang VN rất lớn và doanh số tăng trưởng hằng năm rất ấn tượng. Các bạn trẻ kinh doanh thời trang ở VN hiện nay rất giỏi, nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, rất thành công. Tuy nhiên, NTK thời trang là một câu chuyện khác. NTK thời trang thường không giỏi về kinh doanh mà chỉ giỏi làm chuyên môn. Minh chứng là trên thế giới rất nhiều nhà kinh doanh thời trang trở thành những tỉ phú giàu nhất thế giới ví như Amancio Ortega – nhà sáng lập Zara nhưng NTK thời trang thì khó mà lọt vào tốp giàu. Thế mới nói, người làm nghệ thuật giỏi chưa hẳn là người làm kinh doanh giỏi. Bản thân Vincent không thích làm kinh doanh mà chỉ muốn tập trung vào chuyên môn. Đối với Vincent, hiện nay đã cân bằng được bài toán tài chính giữa làm thiết kế và bán sản phẩm của mình sau 4 năm về nước khởi nghiệp. Một tín hiệu tốt là hiện nay nhiều tín đồ thời trang quan tâm thị trường thời trang VN, lựa chọn những bộ cánh của các NTK trong nước.

Tín hiệu mừng nữa là hiện có một số thiết kế của các NTK VN được một số ca sĩ nổi tiếng và hoa hậu nổi tiếng trên thế giới lựa chọn. Qua đó cũng góp phần nâng cao hình ảnh ngành thời trang VN cũng như uy tín và thương hiệu các NTK VN. Tuy nhiên, điều buồn là hiện nay nhiều bạn kinh doanh thời trang chuyên đi copy mẫu mã của các NTK rồi nhân ra sản phẩm hàng loạt để bán, cạnh tranh không lành mạnh đã góp phần “giết chết” những NTK thời trang trong nước và ngành thời trang VN còn non trẻ.

- Sau 4 năm về VN khởi nghiệp, điều gì khiến anh thấy mình có thể "thích nghi" với làng thời trang và tiếp tục gắn bó công việc kinh doanh với quê nhà?

Giờ Vincent nói tiếng Việt khá tốt và hiểu nhiều hơn về văn hóa ứng xử Việt Nam, quan trọng hơn là Vincent đã tập cách cân bằng cảm xúc không để rơi vào trạng thái bi quan, chán nản nữa. Và cứ sau mỗi bộ sưu tập thành công, sau ánh đèn sàn catwalk Vincent lại khóc trong hạnh phúc và cho chính mình. Khóc vì mình đã vượt qua tất cả những vất vả, khó khăn, áp lực... Bên cạnh những mẫu thiết kế, những bộ trang phục trên sàn catwalk, những đồng nghiệp và bạn thân hiểu Vincent thì gia đình vẫn quan trọng nhất. Vincent may mắn là bên cạnh luôn có mẹ và em trai song hành. Gia đình luôn bên cạnh khi Vincent vinh quang, cũng như kéo lên khi Vincent vấp ngã, mất cân bằng trong cuộc sống. Người nghệ sĩ thường đa cảm và rất cô đơn nên chỗ dựa tinh thần gia đình luôn là liều thuốc rất quan trọng giúp cho Vincent cân bằng cuộc sống và tiếp tục hành trình sáng tạo.

- Anh có chia sẻ nào dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong ngành thiết kế thời trang hay không, với kinh nghiệm của một người đi trước?

Khi tham gia vào công tác chấm thi tốt nghiệp tại các trường đại học ở Việt Nam, Vincent thật sự ấn tượng với công sức và ý tưởng của các bạn đã phải bỏ ra để thực hiện bộ sưu tập của mình. Có một điều thú vị đáng suy ngẫm là rất nhiều bạn sinh chọn định vị cho thương hiệu của mình là cao cấp, được bán với giá từ mấy trăm USD đến vài ngàn USD dành cho thị trường xa xỉ ở châu Âu và châu Mỹ. Điều đó hoàn toàn bình thường và không có gì sai khi bạn đang xây dựng một dự án, một thương hiệu “trong mơ” mà bạn luôn ấp ủ. Tuy nhiên VIncent tự hỏi rằng các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp ngày hôm nay đã sẵn sàng thật sự về tài chính lẫn tâm lý để đối đầu với nhiều cam go, cạnh tranh và vô vàn khó khăn phía trước để biến giấc mơ thời trang của mình thành sự thật chưa?

Trong thời buổi này, ai cũng có thể “làm thời trang” và rất có thể đó sẽ là một BST tốt. Thế nhưng, để có phong cách riêng mới là điều quan trọng. Nhưng chỉ bạn mới có thể biết được phong cách riêng của mình là gì và làm như thế nào để khán giả nhận ra phong cách riêng đó. Sự nhận diện đó giúp bạn thành công. Nếu chỉ chạy theo những con số về doanh thu, có thể nhiều người sẽ biết đến thương hiệu của bạn, nhưng tôi không nghĩ bạn sẽ đi một con đường dài hơi.

Thanh Thanh