“Lão khùng” đại gia khởi nghiệp thành công với hai bàn tay trắng

Nguyễn Hoàng 07/06/2018 13:20

Bỏ ngoài tai những lời can ngăn lão khùng Trần Tiến đã biến đồi hoàng thành trang trại chăn nuôi với doanh thu nửa tỷ đồng mỗi năm.

Thấy lão hì hục với vùng đồi trọc cạnh nơi pháp trường tại thôn Bích Trung, xã Tam Xuân 1 huyện Núi Thành, Quảng Nam, nhiều người bảo lão khùng.

Chuyện lão khùng đại gia khởi nghiệp ở tuổi 58

Tên họ đầy đủ của lão khùng đại gia là Trần Tiến, (1943), lão sinh ra nơi làng Bích Trung, xã Tam Xuân 1 Núi Thành mà như lời lão kể là có học nên sau giải phóng lão được bầu vào làm cán bộ hợp tác xã Tam Xuân 1.

Từ cán bộ rồi lên làm chủ nhiệm hợp tác xã thời đó được cho là quan to và là niềm tự hào của cả dòng tộc. Đùng một cái lão bỏ ngang về vườn với 2 bàn tay trắng. Đó là vào năm 1995.

Hỏi lão chán cảnh làm cán bộ to hay sao mà bỏ về đào bới đồi hoang khởi nghiệp? Lão cười khùng khục bảo: “Làm quan hợp tác xã nói là to vậy nhưng chẳng có chi. Chỉ chút sơ sẩy là vô tù như chơi nên bỏ về cho nó lành!”

Một góc ao cá trongkhu vườn rừng rộng 5 ha của lão tyrphus heo rừng Trần Tiến khởi nghiệp khi ở tuổi 58

Một góc ao cá trong khu vườn rừng rộng 5 ha của lão tyrphus heo rừng Trần Tiến khởi nghiệp khi ở tuổi 58

Lão bảo vậy, nhưng chợt nét mặt lão sa sầm và bảo: “Hồi nớ lương chủ nhiệm Hợp tác xã làm răng nuôi nổi 6 đứa con với bà vợ cùng cha mẹ già?

Nếu ở lại không vững tâm, lơ ngơ như ông bác tui làm cán bộ vật tư hợp tác xã bị qui tội tham ô bắt đi tù. Thấy rứa tui kinh, nên nghĩ về đào đất khởi nghiệp trồng cây, nuôi cá thả gà may ra nuôi nổi đàn con mà lại an toàn không lo tù tội.” 

Lão khùng Trần Tiến vẫn nhớ như in cái ngày lão rủ áo từ quan về vườn đó là vào năm 1995.

 “Hồi nớ tui thấy cái khu đất đồi trọc ni bỏ hoang đầy rẫy bom mìn, hố bom chằn chịt nên xin chính quyền xã cho tui khai hoang làm cái trang trại. Xã gật đầu đồng ý cho tui một phần quả đồi trọc Trất Quờn rộng 5,5 ha cạnh khu nghĩa địa và pháp trường tử hình" - Lão kể.

"Lúc lên đây tôi cũng thấy ớn lạnh. Ngày hì hục đào bới, tối về nằm lăn quay ngủ chẳng biết mô tê chi hết. Nhiều người dân ở đây thấy tui hì hục đào bới họ bảo tui khùng, tui điên. Bởi đang yên đang lành với chức quan chủ nhiệm hợp tác xã to đùng lại bỏ về đày ải cái thân nơi vùng đất pháp trường ” - Lão Tiến khùng kể.

Đàn heo rừng của lão tỷ phú Trần Tiến ở trang trại cạnh pháp trường

Đàn heo rừng của lão tỷ phú Trần Tiến ở trang trại cạnh pháp trường, mỗi năm cung cấp hơn 300 con giống cho nông dân

Lão tỷ phú và lời nguyền rừng xanh

Hơn 10 năm đào bới nơi khu đồi trọc Trất Quờn, cuối cùng một khu vườn rộng với màu xanh ngút ngàn của cây trái hình thành với đường hào bao quanh khu vườn được chăn lưới B40 và trồng mây làm hàng rào đã ổn định. Lão Tiến khùng đã xác định được ranh giới mà lão bảo là “khu tự trị” của riêng mình chẳn ai xâm phạm.

Người chết nằm phía tây Nam khu trang trại, phía Bắc cạnh bên là khu trường bắn tử hình của tỉnh xây dựng. Còn mé đồi phía đông giáp với trường bắn là khu vườn của lão nên khu vực chẳn có ai bén mảng đến nên lão an tâm bắt đầu sự nghiệp làm giàu.

Lão kể, lúc đầu lão trồng rừng, rồi chăn nuôi mà như lời lão bảo là lấy ngắn nuôi dài để khởi nghiệp lúc tròn 58 tuổi.

Căn nhà ở tạm nơi trang trại của lão Trần Tiến

Đàn heo rừng đông như quân Nguyên nghe hơi lão Trần Tiến là từ ngoài rừng tràn về

Nơi khu trang trại của lão bây giờ là “vương quốc nhỏ” hay “khu tự trị” do lão cai quản cơ man nào là gà vịt, heo bò mà thời đó lão bảo là cả gia đình lão sống tự cung tự cấp chẳn lo nghĩ đến chuyện đói.

Nhiều năm sau đó cây rừng lớn lên lão chặt bán làm gỗ thu hàng trăm triệu mỗi năm.

Lão bảo nhờ mấy ha rừng trồng mà lão có nguồn vốn đầu tư để bắt đầu khởi nghiệp. Rồi lão lập vườn ươm cây giống, cộng với chăn nuôi. Đến bây giờ sau 19 năm, nếu tài sản đem bán lão cũng có trong tay hơn 30 tỷ đồng.

Khi Tam Kỳ thành thủ phủ Quảng Nam, các loại hình chăn nuôi tập trung dùng thức ăn công nghiệp khiến người dân e dè lo sợ bệnh tật nên tìm đến trang trại của lão mua rau, mua thịt, cá chăn thả tự nhiên.

Kể từ đó nơi “khu tự trị” rộng 5,5 ha của lão trở thành “chợ nhà vườn” tấp nập thương lái đến thu mua thịt, rau, cá cung cấp cho các nhà hàng sang trọng nơi đô thị Tam Kỳ.

Lão Tiến khùng rung đùi khề khà kể: “Thực phẩm tươi sống tui bán đắt gấp 2 gấp 3 lần nhưng không đủ để bán cho người dân có nhu cầu ăn sạch.”

Căn nhà ở tạm nơi trang trại của lão Trần Tiến

Căn nhà ở tạm nơi trang trại của lão Trần Tiến

Để minh chứng, lão đưa tôi đi thăm “vương quốc” vườn rừng của mình chằn chịt những ao cá, nhà chăn nuôi mà nhìn từ xa cho dù có trí tưởng tượng phong phú cũng khó mà đoán định.

Toàn bộ 5 ao cá rộng trên 10.000 m2 cơ man nào là cá chim trắng, cá mè, rô phi quẫy tung nước khi nghe có người đến.

Xen với ao cá là khu chuồng trại giống như khu tập thể được chia thành từng ô với lúc nhúc heo rừng chăn thả tự nhiên chẳn cần cho ăn cũng lớn khi nghe hơi người là tự động từ ngoài rừng tuôn về đứng nhìn người lạ.

Bấm đốt ngón tay nhẫm tính, chỉ riêng cây trồng trong vườn cùng cây con giống các loại, mỗi năm lão thu về tiền tỷ.

Còn vật nuôi như bò, vịt, gà, và đàn heo rừng đông như quân nguyên, mà lão bảo xuất chuồng đều đặng cung cấp thịt cho các nhà hàng và hàng trăm con giống cho các dự án chăn nuôi ở miền núi lão cũng thu về hơn 1 tỷ mỗi năm.

Không chịu ngồi yên trong “vương quốc” vườn rừng của mình để hưởng thụ thành quả, lão bàn với 2 thằng con trai thành lập doanh nghiệp Tiến Thiên Tân (Tên của 3 cha con ghép lại) chuyên nghề trồng rừng vào đầu năm 2013 và giao cho 2 con trai quản lý mà như lời lão bảo: Rừng đã cho lão cuộc sống đủ đầy nên lão phải bảo vệ và trồng rừng.

Doanh nghiệp 3 cha con lão nhận khoán bảo vệ hơn 200 ha rừng phòng hộ và  khai thác 40 ha nhựa thông tại rừng phòng hộ Phú Ninh. Rồi nhận trồng 130 ha rừng phủ xanh cho dự án thủy điện Sông Tranh 2 tại Bắc Trà My mà như lời lão bảo là để giải quyết việc làm cho hơn 100 người là bà con  tại địa phương.

Lão Trần Tiến khùng đại gia bên đàn heo rừng đông đúc tại trang trại

Lão Trần Tiến khùng đại gia bên đàn heo rừng đông đúc tại trang trại

Hỏi thu nhập từ các dự án trồng rừng? Lão khề khà bảo chẳng lời lãi chi, chủ yếu là giải quyết công ăn việc làm, mỗi năm kiếm cũng được hơn nửa tỷ đồng.

Tôi bảo nếu muốn mua cái trang trại này của lão giá bao nhiêu? Lão trợn mắt nhìn tôi hồi lâu rồi bảo: “Chú có đủ tiền không đấy? Cái trang trại này đến chừ vô giá, chú có tiền nhiều như quân nguyên cũng không mua nổi đâu!” - Trả lời xong lão cười khùng khục.

Hỏi vậy thôi chứ tôi biết ông cũng không dại gì đem bán cả cơ ngơi tiền tỷ của mình mà dẫu có nhiều tiền cũng không thể tìm ra trang trại đắc địa độc nhất có núi, có rừng, có nước, có giao thông lại gần thành phố đang phát triển.

Chia tay, lão nắm tay tôi rồi cười khùng khục hẹn lúc mô rảnh lên mần heo rừng, câu cá nhậu chơi. Tôi gật đầu chia tay lão giữa trưa tháng 6 nắng như đổ lửa.

Nguyễn Hoàng