Bài học văn hóa khởi nghiệp những startup hàng đầu thế giới
Làm chủ được văn hóa khởi nghiệp của công ty là điểm chung của những startup hàng đầu thế giới như AirBnB, Buffer, Skillshare…
Ứng dụng văn hóa khởi nghiệp vào doanh nghiệp
Theo tạp chí Entrepreneurs, nhiều công ty, thương hiệu từ khắp nơi trên thế giới đang cố gắng học tập và ứng dụng “văn hoá khởi nghiệp” vào các văn phòng làm việc của mình. “Văn hóa khởi nghiệp” được thể hiện ở một số yếu tố như không khí làm việc hợp tác, vui vẻ, kích thích và truyền cảm hứng để mỗi nhân viên đều muốn đến công sở mỗi ngày.
Nghiên cứu từ Khoa Kinh tế của Đại học Warwick chỉ ra rằng một nhân viên cảm thấy hạnh phúc, hài lòng sẽ có năng suất lao động cao hơn 12% so với bình thường.
“Tuy vậy, nuôi dưỡng và phát triển nền ‘văn hoá khởi nghiệp’ không phải là điều dễ dàng khi các startup ngày càng phát triển về quy mô, mở rộng kinh doanh ra các địa phương, quốc gia khác nhau”, chuyên gia khởi nghiệp Sujan Patel, đồng sáng lập của hai startup Web Profits và Mailshake cho biết.
Dưới đây là các bài học về nền văn hóa khởi nghiệp những startup hàng đầu thế giới.
Airbnb: Để nhân viên tham gia vào việc ra quyết định
Theo cuộc khảo sát của Gallup, 51% lực lượng lao động Mỹ không tham gia vào việc ra các quyết định quan trọng của công ty. Điều này không thúc đẩy được các công ty phát triển bởi cảm giác gắn bó, thấy mình là một phần của doanh nghiệp, tiếng nói được lắng nghe đến từ mỗi nhân viên là rất quan trọng.
Người lao động được tham gia vào các quyết định, sáng kiến thay đổi sẽ tạo ra bầu không khí làm việc tích cực hơn. Và với việc nhân viên cảm thấy hạnh phúc, năng suất tăng lên, tỷ lệ làm hài lòng của các startup sẽ cao hơn, đồng nghĩa với doanh thu được cải thiện.
“Tại Airbnb, nhân viên luôn được tham gia đóng góp ý kiến trong các sự kiện lớn và các quyết định quan trọng. Điều này cho họ cảm giác về quyền sở hữu và khẳng định sự tồn tại có ý nghĩa trong một tổ chức”, ông Brian Chesky, Giám đốc điều hành của Airbnb cho biết.
Buffer: Chủ động xây dựng và thay đổi văn hóa doanh nghiệp
Từ đầu, ông Joel Gascoigne – Tổng giám đốc startup Buffer đã biến việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trở thành ưu tiên thứ nhất.
Tại mỗi giai đoạn kinh doanh, Joel đánh giá văn hoá công ty và thay đổi dựa trên sự tăng trưởng. “Khi công ty phát triển, bạn cũng phải mở rộng quy mô văn hoá. Điều đó có nghĩa là văn hóa cho một nhóm ba người sẽ rất khác so với văn hóa của một nhóm 20 người”, Joel cho biết.
Văn hóa không tự nhiên sinh ra mà cần một quá trình xây dựng, phát triển, thực hành các quy tắc ứng xử nơi công sở. Văn hóa khởi nghiệp là sự kết hợp tính cách của đội ngũ sáng lập, Tổng giám đốc Buffer nhận định.
Skillshare: Giữ giá trị cốt lõi của startup
Về bản chất, văn hóa khởi nghiệp thể hiện hệ giá trị tư tưởng, tầm nhìn, đạo đức của những doanh nhân và đội ngũ tạo ra nó. Không có những nhân sự xuất sắc và tuyệt vời, một startup sẽ không thể có một nền tảng văn hóa vững mạnh. Để duy trì điều này, các startup phải hiểu rất rõ các giá trị cốt lõi mình cần theo đuổi và tuyển đúng người để giữ các giá trị đó.
Để đảm bảo tất cả nhân viên mới phù hợp với văn hoá doanh nghiệp, Skillshare đã xây dựng các hướng dẫn tuyển dụng cụ thể dựa trên các giá trị cốt lõi của nó. Điều này cho phép công ty tạo nên một nhóm tập trung vào các mục tiêu chung để mọi người có thể làm việc cùng nhau thành công, CEO Skillshare, ông Michael Karnjanaprakorn chia sẻ.
Squarespace: Giữ chân nhân viên bằng những quyền lợi thú vị
Không phải mọi nhân viên đều cần những lợi ích như bữa trưa miễn phí, các lớp học yoga và đồ ăn nhẹ…tại nơi làm việc.
Tuy vậy, startup Squarespace đã “đánh” vào điều này để thu hút và giữ chân nhân viên của mình qua việc cung cấp một số lợi ích thú vị như các kỳ nghỉ linh hoạt, các bữa ăn nhẹ hàng ngày, không gian thư giãn và thỉnh thoảng có khách mời đến nói chuyện…
Những điểm nhấn nho nhỏ nơi làm việc như vậy thể hiện sự trân trọng nhân viên, qua đó giúp tăng năng suất làm việc, cải thiện doanh thu bán hàng.