Lão nông thu tiền tỷ nhờ trồng cam sành
Cách trồng cam sành lạ mà hay-đó là trồng dày đặc của ông Vân bị nhiều người kêu là khùng, nhưng ông lại thu được tiền tỷ từ vườn cam này.
Xác định trồng cam sành chỉ khai thác trong vòng 4-5 năm là phải chặt bỏ trồng lứa cây mới nên ông Hồ Hoàng Vân, ấp Mỹ Phú, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) trồng với mật độ dày đặc. Cách trồng cam sành lạ mà hay-đó là trồng dày đặc của ông Vân bị nhiều người kêu là khùng, nhưng ông lại thu được tiền tỷ từ vườn cam này.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên về mật độ cây càm sành trồng dày đặc trên 27 công đất (2,7ha), nhưng trái nào cũng rất to, da bóng láng, ông Hồ Hoàng Vân giải thích: “Loại cam sành cho trái rất sai nhưng tuổi thọ chỉ từ 4-5 năm là phải đốn bỏ bởi nếu để khai thác cây sẽ suy, trái mất ngon, sản lượng thấp. Vì vậy mình phải tăng mật độ trồng, nhưng vẫn đảm bảo sản lượng lẫn chất lượng trái cam…”.
Trước đây ông Vân chuyên trồng lúa trên đất ruộng của mình nhưng thu nhập không nhiều, nhiều vụ giá lúa rớt, bán chậm rề rề. Sau nhiều lần tham quan học tập các mô hình kinh tế có thu nhập cao tại tỉnh Đồng Tháp, ông Vân quyết định chuyển đổi 27 công đất ruộng trồng lúa sang trồng cam sành-loại trái cây đặc sản miệt vườn. Cạnh đó ông Vân còn sang tận trường Đại học Cần Thơ và Viện cây ăn quả miền Nam để nhờ tư vấn kỹ thuật. Ngoài ra ông còn tự tìm hiểu rất nhiều tại liệu liên quan đến cam sành.
Theo suy nghĩ đơn giản của mình, ông Vân cho rằng, nếu trồng cam mật độ thưa như nhiều người đang trồng thì sẽ mất nhiều thời gian thu hoạch trái, đằng nào càng về sau thì sản lượng lẫn chất lượng cam càng kém. Vì vậy ông vân chọn phương án trồng dày đặc với mật độ 500 cây trên 1 công đất (nếu trồng theo cách truyền thống là 200 cây/1 công đất).
Muốn cây đủ sức phát triển và cho trái nhiều, ông Vân đã áp dụng phương án bón phân tổng hợp gồm nguồn phân bò khô, phân dơi kết hợp với một số loại phân vô cơ. Cạnh đó ông còn rất quan tâm đến nguồn nước tưới cho vườn cam, nhất là vào mùa nắng nóng. Ông Vân đã mày mò thiết kế hệ thống máy tưới nước tự động không “người lái” được đặt trên những chiếc “chẹt” (ghe nhỏ), chiếc chẹt nầy tự động hút nước dưới ao mương và tự di chuyển phun nước vào các cây cam sành. Cách tưới cam này tốn ít công, lượng nước phun rất đều, nên vườn cam sành của anh Vân luôn xanh tốt.
Ông Võ Minh Đức, trưởng ấp Mỹ Phú nhận xét: “Đây là mô hình trồng cam sành dày đặc hiệu quả nhất hiện nay tại địa phương, đã và đang được nhiều nông dân từ các tỉnh bạn đến học tập”.
Ông Hồ Hoàng Vân cho hay, ở năm đầu tiên thu hoạch cam sành năm 2016, với giá bán bình quân 15.000 đồng/ ký, ông Vân đã thu về số tiền 100 triệu đồng/công, 27 công cam sành thu về 2,7 tỷ đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí đầu tư ông Vân còn lãi xấp xỉ 1,8 tỷ đồng. Một con số quá ấn tượng và làm nức lòng nhà nông địa phương.
Năm 2017, tuy giá bán cam sành có sụt giảm chút ít ( dao động từ 12-13.000 đồng/ký, ông Vân cũng có lãi trên 1,2 tỷ đồng. Riêng năm nay giá bán tương đương năm trước, nhưng chi phí bơm tưới nhiều hơn do nắng nóng kéo dài, dự kiến ông Vân sẽ còn lãi khoản 1 tỷ đồng từ vườn cam sành trồng dày đặc.
Ông Vân giải thích thêm : “Mùa thuận của cam sành từ tháng 2-6 âm lịch, mùa nghịch từ tháng 9-12 âm lịch. Vì vậy mình cần tập trung vào mùa nghịch để bán giá cao do trùng vào dịp tết Nguyên Đán. Làm cam sành nghịch mùa tuy có cực nhưng phấn khởi lắm vì tiền lãi cao…”.
Hiện tại mỗi ngày ông Vân thuê 5 lao động thường xuyên với giá 200.000 đồng/người/ngày, lúc cao điểm lên đến 10 người. Điều đáng quý ở ông Vân là ông sẵn sàng chia xẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cam sành rất tận tình với những người đến thăm quan, học hỏi…
Tựa bài do enternews đặt