Shark Louis Nguyễn đầu tư 10 tỷ cho startup nông nghiệp sản xuất gạo hữu cơ

Theo Trí Thức Trẻ 13/07/2018 04:28

Hai nhà sáng lập Lâm Anh Tú và Đặng Thị Trường An thuộc Công ty Cổ phần Nông sản Hữu cơ Hoa Nắng đến chương trình Shark Tank với mong muốn nhận được 10 tỷ đầu tư cho 30% cổ phần công ty.

Sản phẩm tốt, bán tại nhiều siêu thị trong nước và xuất khẩu đi thị trường thế giới

Sản phẩm tốt, bán tại nhiều siêu thị trong nước và xuất khẩu đi thị trường thế giới

Lâm Anh Tú thuyết phục các nhà đầu tư bằng cách đặt vấn đề về thực trạng xuất khẩu gạo tại Việt Nam. Trong đó, nhà sáng lập trẻ cho biết nước ta là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Nhưng trong năm ngoái, Việt Nam lại bị trả về 10 ngàn tấn gạo vì vi phạm về dư lượng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Từ lý do này Hoa Nắng đã ra đời, nhằm mang đến những sản phẩm nông sản hữu cơ chất lượng, không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật. Từ năm 2014 đến năm 2016 Hoa Nắng đã cho tiến hành sản xuất chuyển đổi hữu cơ quy hoạch vùng nguyên liệu và hoàn thành quy trình sản xuất. Cuối năm 2017, công ty đã sản xuất được 150 tấn gạo hữu cơ đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu.

Hiện tại, Hoa Nắng đang phân phối sản phẩm đến hơn 250 cửa hàng, siêu thị lớn như SatraFood, Vissan. Những chuỗi cửa hàng lớn như Organica, US Mart, Farmers’ Market cũng đang có những đơn hàng đầu tiên. Đặc biệt, công ty vừa ký kết được hợp đồng đầu ra cho hơn 200 tấn gạo hữu cơ và 300 tấn lúa.

2 nhà sáng lập chỉ chiếm 6% cổ phần công ty

Với những thông tin khá rõ ràng và đầy triển vọng, những tưởng đây sẽ là ‘miếng mồi’ ngon dành cho các ‘cá mập’. Cho đến khi hai nhà sáng lập tiết lộ rằng họ chỉ chiếm 6% cổ phần. Đáng nói, Hoa Nắng hiện tại không có vốn thực góp. Trong khi kêu gọi 10 tỷ cho 30%, hai nhà sáng lập đã nâng mức định giá công ty lên 30 tỷ đồng.

Nhiều ‘cá mập’ đã tỏ ra khá bất ngờ và bắt đầu hoang mang. Theo Anh Tú và Trường An, công ty Hoa Nắng được tách ra từ Công ty Phân bón hữu cơ Greenfield vào đầu năm nay. Trong đó cựu Phó TGĐ của Greenfield hiện đang là người nắm 94% cổ phần nhưng ông không hề góp bất cứ nguồn vốn nào.

Chia sẻ này khiến các ‘cá mập’ lần lượt thở dài, bởi tình hình Hoa Nắng không chỉ chưa góp vốn điều lệ mà số cổ phần được sở hữu của hai nhà đồng sáng lập cũng quá ít ỏi không đủ tạo động lực cho họ làm việc.

Do vậy không quá bất ngờ khi các nhà đầu tư lần lượt từ bỏ. “Trên nguyên tắc khi làm việc phải chấm dứt chuyện tình cảm”, Shark Hưng mạnh mẽ khẳng định.

Nhưng bất ngờ xảy ra ở phút chót khi Shark Louis Nguyễn quyết định ‘nhập cuộc’. “Tôi nghĩ các Sharks khác không quan tâm về lĩnh vực này. Vì ngành nông nghiệp rất phức tạp và rủi ro. Tôi nhìn thấy tiềm năng xuất khẩu ở sản phẩm của các bạn. Ở Việt Nam nhiều người sẽ không quan tâm đến gạo hữu cơ nhưng nếu xuất khẩu được giá trị của sản phẩm sẽ cao hơn nhiều. Tôi sẽ quyết định đầu tư vào các bạn”, Shark Louis đề nghị 4 tỷ cho 51% cổ phần công ty và số tiền còn lại chuyển thành trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 15%.

Shark Louis Nguyễn.

Shark Louis Nguyễn.

Shark Louis cũng cho biết, ngoài là Chủ tịch HĐQT & TGĐ công ty quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM), ông cũng là Giám đốc điều hành của công ty Sunwah Kingsway - Công ty HongKong với chuyên môn xuất khẩu về nông nghiệp. Hữu cơ đang là hướng đi mới của Sunwah. Và hiện tại, công ty cũng hợp tác với ông lớn như Vinamit, Rynan Technology, Dừa Betrimex…Shark Louis Nguyễn tự tin ông hoàn toàn có khả năng hỗ trợ cho hai bạn trẻ.

Hoa Nắng chỉ còn duy nhất một lời đề nghị đến từ Shark Louis sau khi Shark Dzung Nguyễn cũng quyết định từ chối đầu tư. Tuy nhiên với mức cổ phần 51%, cả hai nhà sáng lập đều do dự và cần hỏi ý kiến của cổ đông lớn.

Nể phục trước sự trung thành và tấm lòng nhiệt huyết của hai bạn trẻ, Shark Louis tuyên bố sẽ nhất quyết nắm được công ty để thưởng lại cổ phần cho hai nhà sáng lập. Và mong muốn của anh đã thành hiện thực khi cả hai chấp nhận mức đầu tư trên.

Vài nét về Hoa Nắng

- Lĩnh vực: Sản xuất gạo hữu cơ

- Từ năm 2014 đến năm 2016 Hoa Nắng đã cho tiến hành sản xuất chuyển đổi hữu cơ quy hoạch vùng nguyên liệu và hoàn thành quy trình sản xuất. Cuối năm 2017, công ty đã sản xuất được 150 tấn gạo hữu cơ đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu.

- Kêu gọi: 10 tỷ cho 30% cổ phần

- Kết quả: Shark Louis đề nghị 4 tỷ cho 51% cổ phần công ty và số tiền còn lại chuyển thành trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 15%.

Theo Trí Thức Trẻ