Công thức cho vườn ươm khởi nghiệp
Vườn ươm khởi nghiệp là một thành phần vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng ở Việt Nam mô hình này vẫn chưa triển khai hiệu quả.
Làm không khó...
Đây là lời khẳng định của ông Mr. Keith Ippel - Giám đốc điều hành, đồng sáng lập Spring – Canada tại Chương trình tập huấn “Xây dựng và phát triển vườn ươm khởi nghiệp” do Báo diễn đàn Doanh nghiệp và BK Holding tổ chức. Tại chương trình, ông Mr. Keith Ippel đã chia sẻ tài liệu gồm 80 trang hướng dẫn cách thức xây dựng một vườn ươm khởi nghiệp.
Theo đó, ông nhấn mạnh có ba yếu tố chính để xây dựng một vườn ươm khởi nghiệp, đó là phải có trường đại học, các nhà cố vấn khởi nghiệp và các nhà đầu tư. "Chỉ cần tìm đủ ba yếu tố này thì có thể vận hành được một vườn ươm khởi nghiệp. Việc điều hành vườn ươm cũng không có gì là khó mà việc khó là quản lý được thất bại, vì quá trình ươm tạo tỷ lệ thất bại rất cao nên nhiều vườn ươm chỉ tập vào những dự án đã có mô hình kinh doanh hiệu quả và đã thành công mà quên đi phần còn lại là những dự án mới bắt đầu hình thành từ ý tưởng". - ông Mr. Keith Ippel nói.
Ông Keith cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình điều hành Spring. Ông cho biết “Người quan trọng nhất trong vườn ươm khởi nghiệp không phải là vị trí điều hành mà là vị trí quản lý cộng đồng. Đây là người đóng vai trò kết nối và nắm được tình hình của các dự án đang được ươm tạo. Một vấn đề nữa là thước đo sự hiểu quả của vườn ươm khởi nghiệp đó là số vốn đã gây dựng được, điều này nói lên sự hứng khởi của thị trường đối với mô hình vườn ươm của bạn,những gì bạn cung cấp. Vốn ở đây bao gồm cả số tiền nợ, số tiền nhà đầu tư và số tiền tài trợ.”
Có thể bạn quan tâm
Vườn ươm khởi nghiệp: Làm không khó
22:05, 26/07/2018
26/7: Tập huấn "Xây dựng và phát triển vườn ươm khởi nghiệp"
17:47, 19/07/2018
CEO Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng: "Khởi nghiệp không phải là một cuộc dạo chơi!"
07:36, 25/05/2018
Trà Vinh đã có vườn ươm doanh nghiệp
10:06, 12/05/2018
Hệ sinh thái khởi nghiệp là "vườn ươm" của Startup
05:58, 12/09/2017
... nhưng vẫn nhiều trở ngại
Có thể, theo kinh nghiệm và kiến thức của ông Keith trong quá trình điều hành Spring, việc xây dựng và “chạy” một vườn ươm khởi nghiệp ở Canada là không khó, luôn có những công thức, mô hình để học tập hoặc “copy, paste” dễ dàng nhưng tại Việt Nam có nhiều yếu tố gây nên trở ngại lớn khiến việc xây dựng vườn ươm gặp nhiều khó khăn, hoặc xây xong nhưng không thể “chạy” được.
Vấn đề đầu tiên là thiếu hụt những nhân tố hỗ trợ quan trọng đối với một vườn ươm. Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần bổ sung mạng lưới các nhà cố vấn khởi nghiệp, cộng đồng các nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm và cần phải có sự tham gia tích cực từ phía các trường đại học hoặc các tổ chức sẵn sàng giúp cải thiện vấn đề khởi nghiệp. "Đây là những đối tác và cũng có thể là khách hàng đối với một vườn ươm". - ông Mr. Keith Ippel nhấn mạnh.
Vấn đề thứ 2 là cơ chế chính sách của nhà nước chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Đường Trọng Khang – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Việc xây dựng vườn ươm hiện nay đang có những vướng mắc giữa nhà nước xây dựng hay là xã hội hóa, nếu chưa quyết định được vấn đề này thì ở các tỉnh rất khó có thể triển khai được mô hình vườn ươm”. Mặt khác, theo ông Khang, cơ chế hướng dẫn cho phép thành lập quỹ đầu tư cũng chưa rõ ràng, dẫn đến hạn chế trong việc kêu gọi vốn cho các dự án/doanh nghiệp được ươm tạo.
Vấn đề thứ 3 là tình trạng “thừa vườn thiếu cây”. Đây là 1 thực trạng đáng báo động đối với không chỉ hệ sinh thái khởi nghiệp mà còn đối với các vườn ươm hiện nay. Nghĩa là chủ thể chính của hệ sinh thái và đầu vào chính của các vườn ươm là các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp là “không có”.
Ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc BKHUP đánh giá: “Vườn ươm mở ra rất nhiều nhưng tình trạng chung của các vườn uom là thiếu cả số lượng và chất lượng của các ý tưởng kinh doanh, các mô hình khởi nghiệp có tiềm năng cũng thiếu. Điều này cũng không có gì ngạc nhiên bởi bản thân hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam tập trung vào hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng mới hình thành, thúc đẩy và hỗ trợ theo chính sách của Chính phủ. Chính vì trong giai đoạn đầu, những công việc, những thành tựu đều ở trong giai đoạn đầu nên chúng ta bị thiếu về cả số lượng các ý tưởng kinh doanh, các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo chúng ta đều thiếu”.
Có công thức hay không?
Vậy câu hỏi đặt ra là có công thức chung nào cho việc xây dựng và phát triển vườn ươm khởi nghiệp hay không và để giải quyết các trở ngại trên phải làm thế nào?
Câu trả lời được ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp – Phó trưởng Ban tổ chức Chương trình khởi nghiệp Quốc gia cho rằng “Việc quan trọng trong xây dựng vườn ươm không hẳn là công thức, kiến thức mà quan trọng là phải hành động, phải đưa những ý tưởng, giá trị, bài học chúng ta học được thành hành động cụ thể. Một vấn đề nữa đặt ra, trong khi các nguồn lực ở Việt Nam còn hạn chế thì để giảm thiểu chi phí, rủi ro của các vườn ươm thì các chuyên gia, các trường đại học, các vườn ươm khởi nghiệp nên kết nối, liên kết với nhau, chia sẻ những giá trị chung để hình thành mạng lưới hỗ trợ, cùng chia sẻ kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ nguồn lực và cùng nhau hành động, hành động và hành động.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp với vai trò là một đơn vị quản lý cộng đồng cùng những mối quan hệ sẵn có với mạng lưới cố vấn khởi nghiệp, các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ vừa là đầu mối để gắn kết, tiếp nhận thêm các nguồn lực cũng như chia sẻ nguồn lực này tới các vườn ươm khởi nghiệp của Việt Nam”
Đồng Quan điểm với ông Phạm Ngọc Tuấn, Ông Nguyễn Trung Dũng – Giám đốc BK-Holding nhấn mạnh. "Bất kỳ mô hình nào trên thế giới cũng chỉ đều phù hợp với cơ chế chính sách, văn hóa, nền tảng khoa học kỹ thuật của đất nươc họ. Khi triển khai thực tiễn ở Việt Nam cần nhiều thời gian hơn để thử nghiệm, vận dụng sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn". - ông Dũng nói.
Ông cho biết, chính BK-Holding là đơn vị tiên phong xây dựng vườn ươm khởi nghiệp ở Việt Nam cách đây 10 năm nhưng không ít lần thất bại và làm lại. Theo ông Dũng việc xây dựng vườn ươm cũng giống như startup, luôn học hỏi, vận dụng, thay đổi, dám chịu thất bại và làm lại.
Trong thời gian tới BK-Holding sẽ cùng Báo Diễn đàn Doanh nghiệp (đơn vị tổ chức Chương trình khởi nghiệp Quốc gia) và Swiss EP tổ chức các chương trình hỗ trợ các vườn ươm khởi nghiệp, tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm để hình thành mô hình vườn ươm phù hợp nhất đối với điều kiện ở Việt Nam.