Đồng khởi khởi nghiệp: Cách làm mới ở xứ dừa Bến Tre

Theo VOV 09/08/2018 04:16

Tỉnh Bến Tre tập trung hoàn thiện hệ sinh thái, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất kinh doanh ở tỉnh Bến Tre hiện nay phát triển mạnh, thông qua chương trình “Đồng khởi - Khởi nghiệp” và “Phát triển doanh nghiệp” do Tỉnh ủy phát động. Từ chương trình này đã tạo động lực thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của vùng quê xứ dừa ngày càng đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao.

Qua 2 năm thực hiện Chương trình “Đồng khởi - Khởi nghiệp” và “Phát triển doanh nghiệp” với nhiều chương trình, hành động cụ thể, tỉnh Bến Tre đã thành lập mới gần 900 doanh nghiệp, trợ vốn, kỹ thuật, tạo việc làm giúp cho hơn 4.100 hộ thoát nghèo; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5%/năm.

Bến Tre còn huy động hơn 11.800 hộ tham gia Đề án đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; đồng thời ra mắt được “Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu”; “Câu lạc bộ nông dân tỉ phú”, “Hợp tác xã dịch vụ nông sản an toàn Bến Tre”.

Anh Huỳnh Thanh Tâm - thanh niên Bến Tre khởi nghiệp với mô hình khắc, tạo hình trên trái cây.

Anh Huỳnh Thanh Tâm - thanh niên Bến Tre khởi nghiệp với mô hình khắc, tạo hình trên trái cây.

Để thực hiện tốt chương trình này, tỉnh Bến Tre huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tham gia; trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tập huấn; triển khai các dự án khởi nghiệp. Tỉnh Bến Tre đã lập 774 dự án để trợ vốn với tổng kinh phí hỗ trợ khởi nghiệp trên 800 tỷ đồng. Từ chương trình “Đồng khởi - Khởi nghiệp” đã xuất hiện nhiều mô hình, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mới, có triển vọng.
Điển hình như trường hợp khởi nghiệp của anh Huỳnh Thanh Tâm, thanh niên ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành. Năm 2016, anh Huỳnh Thanh Tâm được tỉnh Đoàn Bến Tre hỗ trợ 50 triệu đồng để thực hiện Dự án khởi nghiệp “Dừa Phú Quý Bến Tre”. Qua thời gian nghiên cứu, mày mò, áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất, anh đã thành công dự án này. Sản phẩm dừa in chữ, dừa hồ lô in chữ nổi của anh Huỳnh Thanh Tâm đã được Cục Khoa học công nghệ đăng ký độc quyền.

Với dự án này, anh Tâm đã sản xuất 2.000 trái bán trong nước trong dịp tết cổ truyền với mức giá từ 300.000 – 500.000 đồng/quả, giá trị tăng gấp hàng chục lần so với trái dừa thường. Đồng thời, anh Tâm đang thực hiện 4.000 trái dừa hồ lô xuất sang châu Âu. Hiện nay, anh Huỳnh Thanh Tâm đã thành lập doanh nghiệp trái cây tạo hình và có thể khắc chữ, tạo hình trên nhiều loại trái cây khác có giá trị cao.

“Yếu tố thành công khi tạo hình lên trái cây là đưa vòng eo lên để ra hình cái hồ lô cân đối. Cùng với đó, nếu thời tiết thuận lợi và dừa được chăm sóc tốt thì tỉ lệ thành công rất cao. Hiện tại, bản thân đang hợp tác với nhiều nhà vườn để cùng sản xuất ra nhiều sản phẩm để cung ứng cho thị trường. Nếu những năm tới, lượng hàng đầy đủ, có khả năng sản xuất nhiều sẽ tìm cách xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài”, anh Tâm cho biết.

Tháng 3 năm ngoái, xã đoàn Tân Phú, huyện Châu Thành thành lập tổ hợp tác sản xuất cây đinh lăng, với 11 thành viên ban đầu để khởi nghiệp. Đến nay, tổ đã triển khai trồng trên diện tích đất của hàng chục đoàn viên, thanh niên và cả nông dân tham gia. Tuy tận dụng diện tích đất ít, chi phí, công sức không nhiều nhưng nhờ doanh nghiệp bao tiêu thu mua với giá ổn định nên mỗi năm người trồng cây này cũng có thêm thu nhập từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng.

Ông Trần Hoàng Liêm, Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, trồng cây đinh lăng là mô hình khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên. Địa phương đang khuyến khích nông dân phát triển mô hình này.

Xã xác định đoàn thanh niên trồng cây đinh lăng là mô hình khởi nghiệp rất tốt. Đoàn thanh niên đã ký hợp đồng với công ty thu mua 3 năm toàn bộ sản phẩm làm ra. Từ sản phẩm này đã giúp cho đoàn viên thanh niên tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế tại địa phương. Nhiều bà con cũng đã tận dụng những khoảng đất trống và trồng đinh lăng cho hiệu quả kinh tế cao”, ông Liêm cho hay.

Hiện nay, chương trình “Đồng khởi - Khởi nghiệp" và "Phát triển doanh nghiệp” đang được tỉnh Bến Tre tiếp tục đẩy mạnh rộng khắp. Từ chương trình này, đến năm 2020, địa phương phấn đấu thành lập mới ít nhất 1.500 doanh nghiệp, hỗ trợ gần 16.000 hộ thoát nghèo bền vững, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 5,5%.

Thanh niên tỉnh Bến Tre khởi nghiệp với mô hình trồng bưởi da xanh chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Thanh niên tỉnh Bến Tre khởi nghiệp với mô hình trồng bưởi da xanh chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp dẫn đầu, tiếp tục cải cách nền hành chính, ban hành các chính sách phù hợp, kết nối các nguồn lực để xây dựng quỹ khởi nghiệp của tỉnh đạt quy mô 50 tỷ đồng; kêu gọi đầu tư phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung các nỗ lực để tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, làm sao phải tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ tại các cơ quan hành chính cũng như nâng cao chất lượng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Tỉnh thực hiện đầy đủ các chính sách của Trung ương về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời tỉnh cũng ban hành một số chính sách của địa phương vừa đẩy nhanh vừa tạo môi trường bền vững cho khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Có thể nói, với những bước đi sáng tạo, đúng hướng trên cơ sở phát huy tinh thần “đồng khởi” của quê hương cách mạng, tỉnh Bến Tre đã đưa Chương trình “Đồng khởi - Khởi nghiệp” và “Phát triển doanh nghiệp” đi vào thực chất. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của quê hương xứ dừa, phát huy phong trào “Đồng khởi” tiên phong của cả nước.

Theo VOV