Chuyên gia Úc chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho Việt Nam

Nguyễn Tú 13/08/2018 19:36

Tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện ở TP.HCM, chuyên gia từ Úc - ông Tony Wheeler đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm phát triển mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội.

Diễn giả Tony Wheeler chia sẻ với khán giả tại Hà Nội

Diễn giả Tony Wheeler chia sẻ với khán giả tại Hà Nội

Tại buổi họp mặt, ông Tony Wheeler, chuyên gia về khởi nghiệp tại Úc đã đưa ra các thông tin về trào lưu công nghệ mới nhất, cũng như những ảnh hưởng của thời đại công nghệ mới tới toàn bộ nền công nghiệp. Ông Tony có 25 năm kinh nghiệm về xây dựng, cố vấn và đầu tư cho các dự án khởi nghiệp công nghệ, đóng góp tích cực cho công tác xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Úc. 

Ngoài ra, ông Tony Wheeler đã chia sẻ cái nhìn tổng quan về hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tại Úc trên nhiều phương diện, trong đó ông nhấn mạnh đến những vấn đề riêng trong lòng mỗi hệ sinh thái mà nhiệm vụ của các nhà xây dựng hệ sinh thái là cần tìm ra và giải quyết. Theo đó, một Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo muốn phát triển mạnh mẽ phải dựa trên sự phối hợp một các chủ động của các thành tố trong hệ sinh thái cũng như có sự dẫn dắt của những doanh nghiệp đại thành công của chính quốc gia đó trên trường quốc tế để truyền cảm hứng. 

Khán giả tham gia thảo luận sôi nổi về các chủ đề Đầu tư và Khởi nghiệp

Khán giả tham gia thảo luận sôi nổi về các chủ đề Đầu tư và Khởi nghiệp

Ông Tony cũng đưa ra những cơ hội mà Việt Nam có được, đó là lợi thế trong việc học hỏi kinh nghiệm phong phú của các quốc gia đi trước và sự quan tâm của các phương tiện truyền thông trong nước trong việc phổ biến tư duy khởi nghiệp.

Riêng với vai trò của nhà nước trong Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo, ông Tony cho rằng: “Nhà nước cần đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp những nguồn vốn ban đầu, kết nối mở rộng thị trường, xây dựng hệ thống nhà đầu tư và đặc biệt là xây dựng một cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cùng các chương trình ưu đãi về thuế, visa,… dành riêng cho các thành tố trong hệ sinh thái.”

Bà Phan Hoàng Lan (Bộ KH&CN) chia sẻ về sàn gọi vốn cộng đồng lấy cổ phần

Cũng tại buổi họp mặt, bà Phan Hoàng Lan - đại diện Văn phòng Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng đã giới thiệu đến các nhà đầu tư và các Startup Hà Nội về mô hình thí điểm sàn gọi vốn cộng đồng lấy cổ phần (equity-based crowdfunding). Theo đó, bà Phan Hoàng Lan lấy ý kiến về các nội dung như tổ chức đứng ra thực hiện và quản lý sàn, công nghệ thực hiện cũng như quy định đối với các nhà đầu tư tham gia sàn.

Chương trình nhận được sự hưởng ứng từ các bên trong HST Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo

Bình luận về chủ đề này, các nhà đầu tư hầu như đều thống nhất quan điểm về việc có một hệ thống pháp lý đủ mạnh để đảm bảo cho sàn gọi vốn được hoạt động một cách minh bạch và hiệu quả. Theo đó, ông Trịnh Minh Giang, chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn Quản Lý Việt (VMCG) chia sẻ: “Việc hình thành một sàn gọi vốn cộng đồng crowdfunding là rất cần thiết vì nhu cầu gọi vốn của Startup cũng như nhu cầu của chính các nhà đầu tư nhỏ lẻ sau làn sóng các chương trình truyền hình về Khởi nghiệp nổi tiếng như Shark Tank đang tăng lên rất nhanh. Một sàn crowdfunding chỉ là công cụ, bản chất đằng sau phải có một hệ thống pháp lý rõ ràng để quản lý và đảm bảo quyền lợi cũng như phòng tránh rủi ro cho các bên thực hiện và tham gia sàn gọi vốn.

Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhật, với tổng giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nguyễn Tú